761625_small_37393.jpgĐội y tế của trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí theo định kỳ cho nhân dân bản Thồng pẹ.
Tò mò muốn hiểu một vùng đất mới lạ đang nhiều đổi mới, chúng tôi quyết định chuyển lộ trình trong chuyến du lịch mi ni đến Lăk Xao, ghé lại một bản người Lào Xủng, thuộc huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô li Khăm Xay- miền Trung Lào. Tại đây chúng tôi được nếm trải chút gió ngàn của cao nguyên và hiểu thêm chuyện về một mối tình...


Thồng Pẹ - ký ức buồn

Qua Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh, vừa chuội xuống hết mấy con dốc thoai thoải khoảng 15 km theo trục đường 8A, trong tầm mắt trước mặt khoảng 5km, là một thung lũng bằng phẳng lọt giữa những cánh rừng xanh ngút ngát thấy ẩn hiện những ngôi nhà đất thưng ván, mái lợp tôn đỏ, trắng bạc lấp lánh dưới ánh nắng viền quanh cánh đồng Na Pê đang thì bén rễ mướt xanh.

Trưởng bản đi vắng, chúng tôi được giới thiệu gặp ông Vừ Sông Dở, 56 tuổi, có thâm niên 18 năm được bầu làm cán bộ Mặt trận bản, là một trong số 470 hộ người Mông (Lào Xủng) đầu tiên hội tụ về Thồng Pẹ lập bản dựng mường vào năm 1983. Nhà ông Dở thưng ván, mái lợp tôn đỏ sát nhiều hộ khác nằm sát cạnh đường.

Liền kề nhà ông là ga ra dành cho chiếc ô tô bán tải màu sữa hiệu
Toyotamà chúng tôi thấy khá phổ biến trên đất bạn. Tưởng sẽ khó khăn trong giao tiếp vì vốn ngôn ngữ tiếng Lào của chúng tôi quá ít ỏi, không ngờ sau cái bắt tay, chúng tôi đã được nghe lời chào bằng tiếng Việt khá sõi của ông. Vào chuyện, ông cởi tấm lòng với chúng tôi như những người anh em thân thiết đi lâu không về bản quê về ký ức buồn đã qua và ngày mới tươi sáng của Thồng Pẹ.


Ông kể: " Chuyện về Thồng Pẹ dài lắm, trước hết là chuyện buồn, chịu khó nghe nhé!"- Ông Dở vào chuyện bằng chất giọng lơ lớ miền Trung vùng Hà Tĩnh- Nghệ An. "Cũng như nhiều hộ gia đình người dân tộc Mông ở miền núi rẻo cao Việt Nam, người Mông ở Lào trước đây, kiếp sống lang thang trên những đỉnh núi chon von quanh năm mây phủ, chui lủi, lam lũ cực nhọc như con hoẵng, con nai, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Với con dao mồi lửa phát hết cánh rừng này đốt hết ngọn núi khác chọc lỗ tra hạt mà quanh năm vẫn đói cơm lạt muối. Thồng Pẹ trước đây là vùng núi thâm u, cây cối rậm rạp. Thời chiến tranh đây cũng là vùng có vị trí chiến sự trọng yếu và vô cùng ác liệt.

Cánh đồng Na Pê rộng nhất Thồng Pẹ bây giờ, ngày trước người Pháp đã làm nơi bay lên, đậu xuống của "Nhôn hung" ( sân bay) vẫn còn dấu tích của cuộc chiến tàn khốc với những hố đạn bom. Sau ngày giải phóng, bà con rủ nhau xuống núi về đây lập bản dựng mường mới theo cách mạng. Buổi đầu về chốn thâm u mới lạ này cũng nhiều khó khăn lắm, vẫn lặp lại lối làm ăn cũ, phát rừng và trồng cây thuốc phiện.

Mấy năm đầu đất tốt, mỗi vụ cả bản thu khoảng một tấn nhựa thuốc phiện, nhưng không ai giàu. Còn nhớ rõ, trong mấy năm đầu về đây, nhiều người ốm đau bệnh tật, có năm đến hơn 20 người chết do dịch tả, sốt rét, ngày nào cũng có đám ma, thầy mo làm không hết việc, tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười. Nhiều người hoang mang cho là do con ma bắt tội định rời bỏ bản đi nơi khác... Thế mà, hôm nay Thồng Pẹ có nhà cao cửa rộng, no cơm ấm áo, con em có trường học chữ, nhiều nhà giàu lên có của ăn của để mua được ô tô, xe máy thay cho đôi chân lam lũ trước đây.


Chuyện mối tình KM 20


Ông Vừ Xông Dở cho biết điều mừng vui nhất của Thồng Pẹ là từ ngày có thuỷ điện Na Hỷ kéo về thắp sáng. Thấy chúng tôi sốt ruột muốn biết điều kỳ diệu nào đã làm cho Thồng Pẹ nhanh chóng đổi thay, nhưng ông vẫn thủng thẳng giải thích tên gọi thủ phủ của Mường (huyện) Khăm Cợt- LĂKXAO, tiếng Lào nghĩa là cây số 20.

Nhấp một nhụm nước, ông chỉ một chiến sĩ trẻ Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - người dẫn đường cho chúng tôi, rồi nói: "Những năm gần đây người dân bản Thồng Pẹ ốm đau không còn phải nhờ ông mo khài cúng là nhờ bộ đội biên phòng Việt Nam (VN). Tháng nào bộ đội cũng sang khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Ai ốm đau nặng được đưa sang khám chữa ở các bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhiều người trong bản được bộ đội biên phòng VN kịp thời cứu sống nay khoẻ mạnh như ông Vừ Chứ Xò, Vừ Nhia Bì được bộ đội cho đi mổ, chữa bệnh ở Viện quân y 4...

Riêng năm 2005 và 2006 có 10 người bệnh nặng được bộ đội Biên phòng VN đưa sang chữa miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Bộ đội còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên bản tuyên truyền, vận động bà con bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ phát rừng làm rãy xuống núi khai hoang đất bằng làm ruộng nước. Năm nào cũng được bộ đội Biên phòng cũng tổ chức cho bà con sang Việt
Namthăm thủ đô Hà Nội, thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi tham quan học tập cách làm ăn ở nhiều nơi, bộ đội biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo bây giờ như con em của bản. Nhiều nhà mua được ô tô là nhờ từ năm 2002, bộ đội biên phòng gợi ý, bày cho cách trồng gừng, trồng ngô bán đó. Được bộ đội hướng dẫn, đến nay bản Thồng Pẹ vừa mở rộng thâm canh lúa nước theo kỹ thuật và giống mới được 50 ha, mở rộng diện tích đất bằng trồng ngô, trồng gừng và trồng một số loại cây công nghiệp khác kết hợp với chăn nuôi trâu bò, dê...

Riêng gừng sản xuất ra được bộ đội dẫn mối tiêu thụ, hiện bình quân mỗi hộ trồng khoảng 2 ha, mỗi năm thu hoạch 5 tấn gừng bán thu khoảng 25 triệu kíp. Như hộ ông Xồng Lia Tu, trước đây trồng nhiều cây thuốc phiện nhưng vẫn đói khổ, nay theo cách làm ăn mới phát triển chăn nuôi 18 con bò, trồng 3 ha gừng, 3.000 cây trầm dó nay cũng mua được ô tô. Nhiều người nghe theo lời vận động của ông : "Cây thuốc phiện đã làm hư con người, trồng thuốc phiện không giàu mà lại nghèo hơn thôi, nó là loài độc dược hại người!", đã bỏ trồng thuốc phiện, cai nghiện và có của ăn của để làm được nhà to đẹp, mua sắm được xe máy, ti vi...

Hiện nay trong bản đã có 15 hộ mua được ô tô bằng sản xuất chăn nuôi theo mô hình mới. Từ nhà lợp bằng cỏ tranh tạm bợ nay đã có 70% số hộ nhà kiên cố, 100% hộ có ti vi. Ông chỉ cho chúng tôi ngôi trường lợp tôn đỏ, khang trang dưới chân núi nói: "Trước đây lũ trẻ 13, 14 tuổi đã dựng chồng, gả vợ nhưng nay chúng còn phải lo học cái chữ. Muốn biết nhiều cái hay, cái mới phải biết con chữ đã. Từ con số gần 100% mù chữ nay đã có 560 em học cấp 1, 2; 10 em học lên cấp 3, trong đó có 5 em đoạt học sinh giỏi huyện; và 6 em đang học Đại học Sư phạm tại thủ đô Viên Chăn."


Trở về Cửa khẩu, Đại uý Võ Trọng Hải, Đồn phó Đồn biên phòng 563, kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, có thâm niên trấn giữ vùng biên ải này và khá thông sâu về Thồng Pẹ cho biết thêm: Thồng Pẹ, địa bàn tiếp giáp với biên giới nước ta, địa hình vừa phức tạp, trước đây tình hình an ninh, chính trị không ổn định, đời sống của đồng bào còn vô cùng khó khăn.

Đặc biệt đây là vùng các đối tượng thường móc nối với ta và trở thành điểm trung chuyển buôn bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài về Việt
Nam. Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý về Việt Nam do ta bắt được đều xuất phát từ Thồng Pẹ. Thấy được những khó khăn của bạn, năm 2000, Trạm xin ý kiến của Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh tham mưu giúp chính quyền địa phương xây dựng bản Thồng Pẹ thành điểm sáng văn hoá vùng biên. Để xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, trạm tham mưu qua hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền vận động bà con thực hiện nếp sống mới văn minh, ăn ở hợp vệ sinh, ốm đau phải dùng thuốc.

Cùng với việc hỗ trợ lương thực trạm tổ chức khám, phát thuốc miễn phí, dần dần bà con đã hiểu được ốm đau, bệnh tật " không phải do con ma làm" mà do ăn ở lạc hậu, nghèo đói.

Từ đó Trạm thường xuyên tham mưu giúp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động đồng bào bỏ phát rừng làm rãy, bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ hút thuốc phiện, tập trung phát triển kinh tế bằng cách khai hoang thâm canh ruộng nước, đất bằng trồng màu, cây công nghiệp, trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu bò, dê...

Rõ nét nhất là Trạm đã tham mưu cho chính quyền địa phương bạn vận động bà con trồng gừng hiệu quả kinh tế cao. Anh nói: "Chúng tôi hiểu rõ trong nhiều ước mong, ước mong lớn nhất của Thồng Pẹ là có thêm nguồn vốn để khai hoang tăng diện tích ruộng nước, mở rộng diện tích phát triển trồng cây công nghiệp trầm dó, cây cao su và xây dựng cơ sở hạ tầng như mở đường giao thông liên bản, xây dựng trạm xá, xây dựng thêm phòng học, nhà văn hoá..."


Chúng tôi hiểu rằng đó cũng là ước mong của những người lính Biên phòng, họ luôn canh cánh trước những khó khăn trên bước đường đi tới no ấm, hạnh phúc của tất cả người dân. Và lúc rời miền biên viễn chúng tôi cũng cứ mong mối tình keo sơn gắn bó ấy ngày càng nồng thắm không chỉ dừng lại ở cây số 20 như Nang SouVol xinh đẹp đã nói với mọi người lúc chia tay tại nhà nghỉ SouRiYa, LĂKXAO - Thị trấn KM 20.


Bài,ảnh: Minh Thu