(Baonghean) - Bây giờ, Quỳ Châu đang bước vào chính vụ làm hương trầm phục vụ Tết Nguyên Đán. khắp các bản làng ngan ngát mùi hương thơm ấm áp, ngọt ngào, quen thuộc… Mùi hương gợi về sự sum họp, về tình người thấm đượm của đất và người Quỳ Châu.

Ở huyện Quỳ Châu, hỏi về ông Hồ Viết Thắng, ở Thị trấn Tân Lạc dường như ai cũng biết. Hương trầm gia đình ông sản xuất thơm nổi tiếng đã đành, ông còn là người đầu tiên khởi xướng việc trồng cây rễ hương - nguyên liệu chính sản xuất hương trầm…

 

images1120446_dsc_0669.jpgXưởng sản xuất hương trầm của thương binh Nguyễn Ngọc Oanh, Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm lọt giữa vườn rễ hương rộng lớn, ông Thắng ngơi tay quấn hương, kể: Cây rễ

Ông Hồ Viết Thắng với vườn ươm cây rễ hương

hương tình cờ được phát hiện vào khoảng thập niên 60 thế kỷ trước và nghề làm hương trầm nơi đây cũng có từ thuở đó. Cây rễ hương ngày đó mọc tự nhiên rất nhiều trên vùng rừng núi này. Tuy nhiên, theo thời gian, theo sự phát triển của nghề làm hương, cây rễ hương ở Quỳ Châu dần cạn kiệt, các hộ sản xuất hương phải mua nguyên liệu từ nơi khác về. Cách đây chừng 5 - 6 năm, các làng nghề ở Thị trấn Tân Lạc đã phải bỏ khoảng 6 tỷ đồng/năm để mua rễ  hương từ các huyện khác…

Để tự chủ nguyên liệu sản xuất, ông Thắng đã nghĩ đến việc trồng cây rễ hương bằng phương pháp tách bụi. Nghĩ là làm, ông trồng thử 3 sào. Bước đầu trồng thử nghiệm gặp nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian đã mang lại hiệu quả, 3 sào rễ hương giúp ông đủ nguyên liệu sản xuất vài chục vạn que. Sau một vụ thấy gia đình ông trồng hiệu quả nên bà con tìm đến học hỏi, làm theo. Không giấu nghề, ông truyền thụ lại kinh nghiệm trồng cho bà con. Bây giờ, rễ hương đã được trồng khắp huyện Quỳ Châu.

 
Cây rễ hương đã bén đất vườn nhưng ông Hồ Viết Thắng vẫn không hài lòng, ông vẫn không nguôi trăn trở nhân giống cây rễ hương bằng phương pháp tách bụi, năng suất không cao, cung không đủ đáp ứng cầu. Ông Thắng nghĩ đến việc nhân giống bằng phương pháp chiết cành, ươm hạt để giảm giá giống, tăng năng suất. Nhưng bằng kinh nghiệm sản xuất không đủ, ông bèn trình ý tưởng này lên huyện, lên tỉnh. Năm 2012, Dự án xây dựng vườn ươm cây rễ hương do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, Trạm khuyến nông huyện làm chủ đầu tư đã hình thành, gia đình ông Thắng là người thi công. Lão nông ngoài thất thập này đã đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng vườn ươm chiết cành, ươm hạt 500m2.
 
Thắp một cây hương trầm cỡ lớn do nhà làm, mùi hương thơm tỏa ra ngọt ngào đầm ấm, ông Thắng nhấp chén trà, chậm rãi kể: Sau gần 2 năm thực nghiệm, vườn ươm đã thu được những kết quả đầu tiên. Năm vừa rồi ông bán thử khoảng 7.000 cây cho một số hộ gần nhà ở khối Tân Hương 1, 2, mỗi cây giá 700 đồng. Số cây non này đều phát triển nhanh, đảm bảo chất lượng, cho sản lượng cao, có mùi thơm đặc trưng riêng của Quỳ Châu, không giống rễ hương trồng ở các vùng khác. Các hộ gia đình này cũng đã được ông bật mí bí quyết chiết cành, ươm hạt… Ông Thắng không chỉ làm giàu cho riêng gia đình mình mà con tạo điều kiện, giúp đỡ cho nhiều gia đình khác làm theo, từng bước vươn lên xóa, đói giảm nghèo.
 
Toàn huyện Quỳ Châu hiện có 7 làng nghề sản xuất hương trầm, Thị trấn Tân Lạc có 2 làng sản xuất hương trầm với hơn 100 hộ, mỗi năm các làng nghề này đưa ra thị trường hàng triệu cây hương. Ở Quỳ Châu có rất nhiều hộ sản xuất hương trầm có tên tuổi, trở thành thương hiệu, hộ sản xuất hương trầm Nguyễn Ngọc Oanh, Thị trấn Tân Lạc là một trong số đó. 5 năm trước, với mong muốn vượt khó vươn lên, ông Oanh đã tìm đến những nhà có nghề làm hương trầm để học, rồi truyền lại cho các thành viên trong gia đình mình. Ông Oanh chia sẻ: Nghề làm hương trầm cốt ở sự lấy công làm lời. Để làm nên cây hương phải qua nhiều công đoạn chuẩn bị như làm chân, làm giấy, làm nguyên liệu, quấn hương… Để hương thơm thì quan trọng nhất là bí quyết pha chế nguyên liệu. Rễ hương, bã mía, đinh hương, thảo quả, quế, hoa hồi, bột trầm phải theo tỷ lệ nhất định.
 
Để hương ấm nồng vào dịp Tết đến Xuân về, người làm hương ở Quỳ Châu nói chung và gia đình ông Oanh nói riêng phải chuẩn bị từ đầu năm. Ngay sau cuộc thi quấn hương trầm ở Lễ hội Hang Bua, thì các gia đình làm hương trầm mua lùng, nứa non về cưa thành từng đoạn cho loại hương dài, ngắn. Sau đó, từng đoạn lùng, nứa này được đem ngâm dưới ao. Sau 2 tháng, số lùng, nứa này được vớt lên, làm sạch, phơi khô, chẻ nhỏ; mua rễ hương, hương liệu tập kết về điều chế bột hương. Đến tháng 9 Âm lịch, người làm hương bắt cắt giấy bản rồi nhuộm phẩm đỏ, phơi lại que và bắt đầu quấn hương. Từ tháng 10 đến tháng 12 Âm lịch chính là cao điểm sản xuất hương trầm.
 
Làm được 2 năm thì hương trầm do nhà ông Oanh quấn đã được người tiêu dùng đón nhận, hương phục vụ Tết cung không đủ cầu. Các thành viên trong nhà đều tham gia nhưng làm cũng không kịp. Ông Oanh mới tính đến việc thuê nhân công. Ông Oanh tìm đến những gia đình khó khăn các bản xung quanh mời đến gia xưởng làm việc. Tết năm trước, xưởng của gia đình ông Oanh có 5 nhân công tham gia, sản xuất được trên 100 vạn que hương. Tiền công trả cho mỗi nhân công là 6 triệu đồng/tháng. Kết toán cả mùa, trừ các chi phí thì gia đình ông Nguyễn Ngọc Oanh thu lãi hơn 50 triệu đồng… Năm 2013, gia đình ông đã được huyện Quỳ Châu biểu dương là hộ chính sách vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Đáng quý hơn, đến với nghề làm hương, ông Oanh không chỉ tạo việc làm cho mọi thành viên trong gia đình, mà còn giúp đỡ một số người khó khăn xung quanh có kế sinh nhai.
 
Ông Oanh cho biết: Bây giờ nghề làm hương trầm Quỳ Châu đã phát triển khắp của huyện, từ Tân Lạc đến Châu Tiến, Châu Hội, Châu Bình. Hương trầm Quỳ Châu đã có thương hiệu khắp cả nước, được nhiều người ưa chuộng. Mỗi mùa hương Tết cho doanh thu 15-17 tỷ đồng, hàng ngàn lao động có việc làm, thu nhập khá… Hương trầm Quỳ Châu thơm đượm nồng, tạo thêm hương vị ngày Xuân, được người tiêu dùng ưa chuộng; giúp người dân Quỳ Châu thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
 
Thanh Sơn