(Baonghean) - Sau những giờ phút lênh đênh trên mặt hồ thơ mộng, chẳng có cảm giác nào thú vị hơn được ngồi tiếp chuyện với một cụ ông đã sống trên trăm tuổi. Thế mới biết ven cái hồ nước nhân tạo rộng lớn này còn lắm chuyện thi vị. Đó là những nốt trầm trong chuyến đi đáng nhớ đối với nhóm phóng viên báo chí chúng tôi…

TIN LIÊN QUAN

Một buổi chiều cuối năm âm, đầu năm dương lịch, đoàn 4 người chúng tôi ghé thuyền vào bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai (Tương Dương). Tìm khắp các ngõ ngách trên hồ, song hiếm gặp xóm bản nào lại bằng phẳng như quần cư người Thái này, bởi lẽ khi bắt đầu tích nước, hồ Thủy điện Bản Vẽ  đã dồn những người di vén lên vùng núi cao, địa hình phức tạp. Cũng may, mặt hồ cũng vừa chạm đến cạnh bản thì dừng lại. Anh lái thuyền béo đậm bảo với chúng tôi rằng, nếu mùa nước rút bến thuyền phải cách bản hơn nửa cây số, mất 15 phút đi bộ. Thế mà mùa này, nước dâng sát tận rìa bản. Con thuyền lướt đi nhẹ nhõm trên con lạch rẽ vào bản. Đoàn chúng tôi ai cũng thấy nhẹ cả người. Khung cảnh làng yên bình khuấy tan mọi nhọc nhằn của chuyến đi. 
 
images1121843_dscn4083.jpgCụ Vi Khăm Coóng trao đổi với tác giả.
 
Bước xuống thuyền là gặp con đường bê tông dẫn vào bản. Ngay cạnh lối đi có cây si lớn. Những nếp nhà sàn gợi nên vẻ yên bình. Cau và dừa được trồng quanh các khu vườn liền kề giúp tôi nhận ra đích thị là một bản người Thái, mà còn là một bản có từ hàng trăm năm… Nhớ lời nói của già nên khi đến những nếp bản cổ, tôi thích hỏi han về những người sống lâu. Người sống lâu thường biết chuyện xưa, chuyện nay để tôi thỏa trí tò mò nghiên cứu văn hóa cộng đồng, một niềm đam mê có lẽ sẽ còn đeo đẳng theo tôi suốt cả kiếp người.
 
Ngày lễ lại vừa dịp có đám cưới con trai phó bí thư đảng ủy nên hầu hết các ban bệ đều mệt lả sau những cuộc vui, chỉ có bí thư đảng ủy Kha Dương Tiến không phải là người hay rượu nên vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh. Ông nhìn tôi hồi lâu rồi bảo rằng, trong bản sống dai nhất vẫn là cụ Vi Khăm Coóng. Nghe đâu đã hơn trăm tuổi rồi. Đối với riêng tôi thì đó là thông tin thú vị nhất, còn hay ho hơn cả chuyện bản làng đổi mới hay một mô hình kinh tế mới nào đó vừa được triển khai.
 
Trong tiếng nhạc xập xình vọng đến từ cái đám cưới lớn cuối bản, nhóm PV chúng tôi tìm đến nhà cụ Khăm Coóng. Đó là một nếp nhà sàn mái lợp tôn. Cụ Khăm Coóng râu tóc đều đã bạc trắng. Nom vẫn còn nhanh nhẹn, chưa có vẻ gì của một đại lão bách niên. Trước đó, anh chắt nội đã bảo trước là cụ không biết nói tiếng Kinh đâu. Chẳng sao, đây cũng là dịp tôi sẽ được trở về với tiếng mẹ đẻ của tôi. 
Thế nhưng tôi vẫn có một chút băn khoăn bởi đã không ít lần chẳng thể lấy được thông tin khi gặp những người không thạo tiếng Kinh, tiếng Thái lại chẳng nghe được giọng người Tày Mường của chúng tôi. Khi hỏi chuyện các bà mế người Mông thường phải nhờ đến “phiên dịch”. “Cụ có nghe được tiếng Tày Mường không ạ?” – cụ Khăm Coóng có vẻ ngỡ ngàng khi nghe tôi nói tiếng Thái. Cõ lẽ bởi lâu nay, cụ vẫn gặp những đoàn công tác người Kinh hơn là người Thái. “Có chứ. Tiếng Thái, tiếng Lào tôi đều nghe được hết. Chỉ có tiếng Kinh, tiếng Phà - lăng (cách người Thái vùng giáp biên giới Việt - Lào gọi người Pháp) lâu quá không dùng đến nên quên rồi. Tôi thở phào, xem ra cuộc tiếp xúc ban đầu như vậy coi như thuận lợi. 
 
Phút bỡ ngỡ ban đầu cũng qua nhanh. Cụ Khăm Coóng vuốt nhẹ chòm râu bạc rồi bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình. Nếu tính theo trí nhớ của cụ và những chuyện cụ nghe từ những lớp người trước đây thì năm nay, cụ Khăm Coóng sắp bước sang tuổi thứ 102. Cụ bảo: “Sống lâu thế nhưng cuộc đời của tôi buồn nhiều hơn là vui”. Từ khi đã biết nhớ chuyện, cụ còn nhìn thấy mặt cha ruột. Đó là một người không gia đình, họ tộc, dắt theo con đi ở từ bản này sang bản khác. Khi về đến bản Nhôn Mai cũng là lúc người cha sức cùng lực tận. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ ông chỉ kịp dặn hãy sống sao cho nên người. Không trộm cắp, nhất là phải tránh xa nghiện hút. Đừng có dính vào mà khổ cái thân. Cụ nói rồi nhắm mắt, chết nhẹ nhàng lắm.
 
Từ đó, cụ thành người mồ côi, chẳng biết là trải cảnh này bao nhiêu mùa trăng, mùa rẫy. Gần 40 tuổi, cụ Khăm Coóng mới lập gia đình. Ngày ấy, cụ bà chỉ mới ngoài 20 nhưng sớm cảnh mẹ góa con côi, không ai muốn lấy làm dâu. Hai người chung cảnh ngộ thành ra quý mến nhau. Cụ Khăm Coóng đến làm rể nhà người mà không có cưới hỏi gì. Ấy vậy mà 2 cụ vẫn sống với nhau được hơn sáu chục năm trời, có với nhau 8 người con. Hai người cùng nhau trồng lúa nuôi con, phụng dưỡng mẹ già cho đến ngày bà cụ về Trời. Thế mà chẳng bao giờ hai người to tiếng với nhau. Hai cụ như tảng đá chồng, đá vợ bên dòng Nặm Nận luôn ở bên nhau cùng chứng kiến bao nhiều chuyện đời…
 
Bất giác như chợt nhớ ra điều gì, cụ Khăm Coóng đứng phắt dậy vào trong căn buồng thưng bằng gỗ. Lục lọi hồi lâu cụ đưa ra một lá đồng được buộc sợi chỉ rồi lồng vào cái ống nứa cũ kỹ bám đấy mạng nhện. Tôi nhận ra chiếc đàn môi dễ chừng đã hàng chục năm nay không còn được dùng đến. Thổi sạch lớp bụi bám trên chiếc đàn môi, cụ Khăm Cóng hồi tưởng lại những ngày trai trẻ: “Khi ấy tôi là người gảy đàn môi giỏi trong bản. Sáo cũng biết thổi, nhưng lại không giỏi hát nhuôn. Mỗi người một thế mạnh mà. Tôi đến dưới gầm sàn nhà bà, gảy đàn suốt nửa tháng liền bà ấy mới dùng cây đàn đáp lại. Lúc ấy trong lòng mình như có con chim đang hót. Một khi con gái đã đáp lại tiếng đàn của mình là đã bắt đầu quý mến nhau rồi. Thế nhưng lúc ấy cụ bà vẫn dè dặt lắm. Cụ ông phải mất vài đêm đến ngồi dưới gầm sàn gảy đàn nữa, cụ bà mới rón rén, trốn cha mẹ xuống ngồi cùng.
 
Đó là cách những thế hệ trước đã đến với nhau. Chỉ đơn giản vậy mà tình cảm thật bền chặt. Một lần nữa, cụ Khăm Coóng lại đứng dậy tay cầm chiếc đàn áp vào hai khe môi, tay bật chiếc lưỡi gà. Một thứ giai điệu trầm đục chợt ngân lên khiến tôi sởn gai ốc, cảm tưởng như mình đang lạc về một quá khứ xa xôi nào đó. Thú thực là thế hệ chúng tôi cũng không thể cảm nhận được những giai điệu của chiếc đàn môi. Thế mà cụ bà Khăm Coóng thì cười lên thích thú. Cụ bà đã 85 tuổi như được trở về thời con gái cách đây hơn 60 năm.
 
Điều mà cụ Khăm Coóng nhớ nhất là vào năm 1956, vì là người mồ côi nên được nhà nước ưu tiên cho đi học văn hóa 6 tháng ở Vinh. Khi ấy cụ là người đầu tiên trong bản được đi học nên phấn khởi lắm. Dành ra 2 ngày lên rừng chặt cây làm bè, ông cùng một người nữa ở bản Tổm (xã Luân Mai) xuôi bè theo dòng Nậm Nơn rồi ra sông Cả để về trường. Hai người đi ngày đêm không nghỉ, thay phiên nhau ngủ và chèo bè. Mất 2 ngày, 2 đêm thì xuống đến Vinh. Đó cũng là lần về phố thị duy nhất của cụ Khăm Coóng cho đến tận bây giờ, cụ cũng chưa lần nào trở về trường cũ. Sau khóa học, cụ lại tiếp tục với những chuyến đi dân công. Khi thì Na Ngoi, Mường Lống, có khi sang tận nước Lào. Chuyến nào ngắn ngày thì một hai tháng, chuyến dài ngày cũng đến nửa năm. Khi trở về nhà thì phải lo cho 8 người  con khỏi đói lòng, rách áo. 
 
Sau những chuyến đi dân công trở về, cụ lại cầm chiếc cuốc chim tìm đến những chỗ đất bằng phẳng để khai hoang ruộng nước. Đi qua những nơi bản mường no ấm, cụ nhận thấy họ đều biết làm lúa nước. Té ra, lúa nước đã mang đến no ấm cho con người. Thế rồi, cứ sau vài vụ canh tác vì thiếu nước, cụ lại phải đi tìm chỗ làm lúa nước khác. Cứ vậy suốt hàng chục năm, cụ lo đi tìm nơi có thể khai hoang một vùng ruộng nước thì các con đều lần lượt lập gia đình và ra ở riêng. Vứt chiếc cuốc chim xuống, nhìn ra xung quanh, ngó lại một quãng đời dài dặc, cuối cùng cụ chỉ còn lại mỗi cụ bà ở bên. Từ bấy đến nay, hai người già như hai tảng đá rêu phong nương dựa vào nhau lúc đói no, đau ốm.
 
Họa hoằn lắm đám con cháu mới cho được con cá, miếng thịt, vài ba cân gạo, còn lại hai cụ đều nhờ vào cái tay, đầu gối mà lo lấy cái ăn. Bây giờ đã ngoài trăm tuổi, cụ bà cũng không còn mạnh khỏe, chẳng thể đi nước đi rẫy, cụ chỉ còn biết sống nhờ vào tiền hỗ trợ của nhà nước dành cho người cao tuổi. Thế nhưng số tiền 270 ngàn đồng mỗi tháng cũng chỉ đủ mua gạo. Hàng ngày, cụ Khăm Coóng vẫn phải xuống suối đặt trúm, quăng chài, leo dốc vào rừng đốn củi.  Đó là những công việc mà lẽ ra ở cái tuổi này, cụ đã không phải làm nữa. Cụ bảo, nhiều khi tôi cũng mong có người đến ở cùng. Tôi không to tiếng, hay đánh đập ai nhưng trong số con cháu chẳng ai chịu đến ở cho cái nhà bớt vắng.
 
Trời đã chạng vạng tối, cụ Khăm Coóng lại cầm chiếc đàn môi gảy lên giai điệu nghe là lạ. Tôi chợt hỏi đùa, một câu đùa mà cho đến tận bây giờ khi nhớ lại vẫn tôi ân hận: “Hay cụ bán lại chiếc đàn cho cháu đi?” Cụ Khăm Coóng trả lời: “Ngoài bà già kia ra, tôi chỉ còn chiếc đàn làm bạn. Để khi tôi chết có người gảy tiễn linh hồn về trời, bán đi sao được”.
 
Nhóm làm báo chúng tôi chào tạm biệt cụ Khăm Coóng, chẳng biết nói gì hơn ngoài câu chúc cụ mạnh khỏe. Trên bầu trời đã xuất hiện lác đác một vài vì sao đêm. Đầu non, cần trăng cũng đã nhô lên khỏi những tán cây. Điều này báo hiệu ngày mai trời sẽ nắng đẹp.
 
Nhóm PV