TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ
Danh xưng Thanh Chương được nhiều người biết đến qua những trang sử trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên”; đền Bạch Mã thuộc “tứ linh” vùng Nghệ - Tĩnh (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng).
Quần thể đảo chè Thanh Chương được ví là “hòn ngọc xanh” xứ Nghệ, hình ảnh được quảng bá rộng rãi đã làm say đắm bao người đam mê khám phá, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên trong cả nước.
Một số sản phẩm nông nghiệp như cam phủ màn Tổng đội; chè, trám, nhút, gà Thanh Chương… đang “chắp cánh”, lan tỏa tên gọi Thanh Chương khắp mọi miền đất nước.
Xét các yếu tố để phát triển du lịch thì Thanh Chương được đánh giá là mảnh đất có nhiều yếu tố, tiềm năng. Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện: Nằm ở vùng trung du miền núi, Thanh Chương được thiên nhiên ban tặng rừng núi hùng vĩ; hệ thống sông, suối uốn lượn qua những cánh đồng, làng quê, tạo cảnh sắc tuyệt đẹp. Trên địa bàn có đảo chè, hồ sông Rộ; nhiều thác đẹp như thác Mưa, thác Lụa, thác Liếp, thác Cối, thác Cây Trám…
Dù chưa được đầu tư để trở thành điểm du lịch, song với sự hấp dẫn vốn có đã “tự phát” trở thành các điểm đến của nhiều du khách thích khám phá, trải nghiệm. Như ở đảo chè (xã Thanh An), vào những dịp nghỉ lễ, có ngày đón 500 - 600 lượt khách; có hộ có tháng thu về 10 - 15 triệu đồng tiền lái thuyền chở khách tham quan đảo chè.
Hay ở thác Liếp (xã Thanh Sơn), vào mùa Hè, mỗi ngày cũng có khoảng trên dưới 300 người đi theo nhóm gia đình, cơ quan, trường học vào tham quan, trải nghiệm. Hay tại thác Mưa (xã Ngọc Lâm) dù đường giao thông đi lại khó khăn, nhưng vẫn có nhiều người trèo đèo, lội suối vào để thấy sự hấp dẫn của nơi này…
Cùng với nhiều phong cảnh đẹp, Thanh Chương là vùng quê có bề dày văn hóa - lịch sử, giàu truyền thống cách mạng, hệ thống di tích dày dặn. Trên địa bàn huyện có 67 di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh; 457 di tích được tỉnh rà soát liệt kê bảo vệ.
Đây là kho báu để khai thác và phát triển du lịch tâm linh. Đặc biệt, đền Bạch Mã - di tích Lịch sử cấp Quốc gia, ngôi đền nằm trong “tứ linh” của xứ Nghệ hàng năm cũng đã thu hút nhiều du khách và nhân dân địa phương đến chiêm bái và khám phá các kiến trúc độc đáo tại ngôi đền.
Thanh Chương là huyện nông nghiệp với tiềm năng đất đai và đa dạng cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, đặc sản. Con người và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số với địa bàn sinh sống bao quanh rừng núi. Đó chính là các yếu tố để có thể khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm canh nông, ẩm thực…
Và thực tế, hiện đã có một số gia đình chủ động xây dựng được một số mô hình du lịch sinh thái, như Khu vườn sinh thái Làng Xanh tại xã Thanh Lương; Nông trại sinh thái HDT ở Thanh Thủy, tạo sức hút đối với đông đảo du khách trong và ngoài huyện đến trải nghiệm…
ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU DU LỊCH THANH CHƯƠNG
Rõ ràng, Thanh Chương sở hữu nhiều yếu tố để phát triển mạnh du lịch. Nhận thức rõ lợi thế và trên cơ sở định hướng chiến lược của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền ở Thanh Chương đã xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Theo đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đây là chương trình mang tính tổng thể về quan điểm, mục tiêu cũng như các nhiệm vụ, giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Và quan điểm phát triển du lịchcủa Thanh Chương là: không phát triển “nóng” để tác động xấu đến môi trường sinh thái, hay không đánh đổi môi trường để phát triển du lịch.
Phát triển du lịch phải có “bàn tay” của người dân cùng tham gia, đảm bảo phát triển bền vững. Ví như phát triển du lịch tại đảo chè, thì người dân vẫn trồng và thu hoạch chè trên các đảo; còn các biệt thự hay các dịch vụ khác chỉ cho phép quy hoạch ở vùng xung quanh, đảm bảo giữ nguyên cảnh quan của đảo chè.
Đồng chí Trình Văn Nhã cũng cho biết thêm, du lịch Thanh Chương được “định vị” theo 3 sản phẩm chủ lực: Du lịch sinh thái canh nông gắn với khám phá, trải nghiệm; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch văn hóa cộng đồng.
Để hiện thực hóa các định hướng đó, sau đại hội đến nay, huyện tập trung chuẩn bị các điều kiện như quy hoạch các điểm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong làm du lịch về khảo sát.
Trong đó, chủ trương của huyện tập trung thu hút đầu tư vào 4 điểm du lịch: khu du lịch văn hóa tâm linh cụm di tích đền Bạch Mã; khu du lịch sinh thái đập Cầu Cau - đảo chè; khu du lịch hồ Sông Rộ; thu hút đầu tư xây dựng không gian văn hóa và du lịch cộng đồng thác Liếp. Đồng thời, hình thành tuyến du lịch canh nông sản xuất cam và chè sạch. Hiện nay đã có 2 nhà đầu tư lớn về khảo sát khu du lịch sinh thái đập Cầu Cau - đảo chè và khu du lịch hồ Sông Rộ.
“Tham vọng” của huyện là phát triển, đưa 4 điểm du lịch nói trên bổ sung vào bản đồ du lịch Nghệ An. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Chương đón 80.000 lượt khách đến tham quan du lịch và năm 2030 đón 110.000 khách, trong đó có 2.000 khách quốc tế” - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhấn mạnh.
Cùng với thu hút các nhà đầu tư lớn, Thanh Chương cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông…
Gắn với đầu tư là đẩy mạnh hoạt động quảng bá về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên đẹp, nên thơ; con người Thanh Chương chân thành, thủy chung; quảng bá các điểm đến thông qua kênh truyền thông báo chí, đặc biệt là qua mạng xã hội, qua sự lan tỏa những giá trị tích cực của mỗi người dân…
Tin rằng, với việc định vị rõ thương hiệu du lịch cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng thuận của Nhân dân, du lịch Thanh Chương sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương trong thời gian không xa./.