Giờ thì bầu Thắng đã rời xa sân cỏ, nhưng điều mọi người phải công nhận, ông chính là cầu nối để đưa ông thầy người Bồ Đào Nha đến với đội tuyển Việt Nam sau khi thành công tại Gạch ĐTLA. Ông H.Calisto đã thổi bùng lên khát khao của lứa cầu thủ Tài Em, Minh Phương để rồi chính họ đã lần đầu tiên đưa chiếc Cúp vàng AFF Cup 2008 về Việt Nam.
Các ông bầu và trái ngọt đầu mùa
Nói về thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm nay, người ta không thể không nhắc đến bầu Đức và bầu Hiển. Nếu bầu Đức chặt hàng chục ha cao su đau đáu giấc mơ mở Học viện HAGL JMG để tạo ra những nhân tài bóng đá. Chính ông đích thân sang Hàn Quốc mời bằng được ông Park về cầm quân và trả lương 2 năm cho ông thầy này.
Bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển) đổ tiền vào làm bóng đá để rồi CLB Hà Nội sớm trở thành đội bóng chuyên nghiệp, quy tụ hàng loạt ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Đây là thời điểm ông đang hưởng “trái ngọt đầu mùa”, Hà Nội FC thâu tóm rất nhiều chức vô địch quốc gia, đồng thời đóng góp một loạt trụ cột đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo.
Ngày càng nhiều chuyên gia, HLV bóng đá nước ngoài có trình độ đến mảnh đất hình chữ S này làm việc. Ảnh PVF
Để có một đội tuyển quốc gia mạnh, phải có hệ thống đào tạo trẻ có cả bề rộng lẫn chiều sâu, có giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp với độ cọ xát cao, phải là thứ bóng đá sạch, cầu thủ sống được bằng nghề. Khi đã có được 2 yếu tố trên, nếu có thêm HLV có tài, có tâm thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Không phải đơn giản khi gia hạn hợp đồng, ông Park Hang-seo quan tâm nhiều đến định hướng mà bóng đá Việt Nam (BĐVN) sẽ nhắm đến cho hai sân chơi quan trọng là Olympic Tokyo 2020 và World Cup 2022. Ông muốn biết được chiến lược phát triển của các lò đào tạo PVF, Hà Nội, Viettel, SLNA trên đường tiếp cận với mô hình tiêu chuẩn quốc tế. Ông hiểu đây là điều kiện quan trọng cho việc đóng góp nhiều tuyển thủ cho cả đội tuyển quốc gia, U17-U19- U23 trong tương lai.
Trong cuộc chạy “tiếp sức” bóng đá Việt Nam cần có những doanh nhân chung tay. Cần có nhiều bầu Thắng, bầu Đức và bầu Hiển…trong quá trình phát triển bóng đá nước nhà. Hơn ai hết, ông Park cũng biết thông tin 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn có 4/14 đội bóng chưa đạt chuẩn tham dự giải vô địch quốc gia. Mọi việc cần sớm được VFF và CLB sớm tìm cách giải quyết riết ráo.
Giấc mơ “hóa rồng”
Mới đây, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã chủ động bắt tay với VFF, ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển BĐVN, với trọng tâm là hướng đến các giải đấu quốc tế từ năm 2019-2024, trong đó, mục tiêu chính là VCK Olympic 2024 và World Cup 2026.
Những thành tích tại VCK U23 châu Á 2020 và vòng loại World Cup 2020 sẽ giúp cho VFF có thêm niềm tin hoạch định chiến lược phát triển những năm tiếp theo. "Hiệu ứng Park Hang-seo" với những chiến thắng liên tiếp 2 năm qua đang nức lòng người hâm mộ, truyền cảm hứng để BĐVN chớp thời cơ phát triển. Thậm chí nếu như thuận lợi, chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu đề ra sớm hơn dự kiến.
Giờ đây, đội tuyển Việt Nam không còn “phận lót đường” khi ra sân chơi Asian Cup, còn lứa U23 Việt Nam dưới sự chỉ đạo của ông Park đang có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng suất dự Olympic Tokyo.
Trung tâm đào tạo bóng đá PVF được đánh giá thuộc tốp hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh PVF.
Rồi đây ngoài việc các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu cho các CLB nước ngoài thì chúng ta sẽ có điều kiện để các đội tuyển trẻ có những chuyến tập huấn ở các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến. Sẽ ngày càng nhiều chuyên gia, HLV bóng đá nước ngoài có trình độ đến mảnh đất hình chữ S này làm việc.
Đúng như ông Park vừa phát biểu tại Hàn Quốc: “Với năng lực, trình độ của mình, cùng quỹ thời gian không có nhiều, tôi chỉ kịp đưa bóng đá Việt Nam tiệm cận trình độ châu lục. Muốn đi xa hơn nữa, phải chờ người kế tiếp”.