Trước hết phải khẳng định sau HCV AFF Cup 2018 và SEA Games 2019, bóng đá Việt Nam đã trở thành thế lực số 1 khu vực Đông Nam Á trong 2 năm qua. Thành tích này là kết quả của một quá trình chuyển hóa từ đầu tư bóng đá trẻ, nâng cao giải vô địch Quốc gia..., cùng sự có mặt của HLV Park Hang-seo.
Lịch sử sang trang
Dưới sự chỉ đạo của ông thầy người Hàn Quốc, cùng với 2 chức vô địch kể trên thì U22, U23 Việt Nam và Đội tuyển Quốc gia chưa thua bất cứ đội bóng nào trong khu vực. 29 trận đấu dưới bàn tay ông Park, chúng ta thắng 24 trận, hòa 5. Đó là điều mà trước đây bóng đá Việt Nam chưa từng có và không biết bao giờ mới lặp lại?
Bóng đá Việt Nam có trong tay một ông thầy có năng lực, trình độ cùng một thế hệ cầu thủ tài năng, phía sau là lứa U19 cũng đang hứa hẹn. Việc chúng ta hướng đến mục tiêu cao hơn thay vì luẩn quẩn với AFF Cup hay SEA Games là điều mà nhiều người bàn tính.
Nhưng rõ ràng, chúng ta phải nhìn lại bài học của bóng đá Thái Lan. Với bảng thành tích khủng, 5 lần vô địch AFF Cup trong tổng số 12 lần tổ chức (chưa kể 3 lần Á quân), 15 lần vô địch SEA Games trong 30 kỳ đại hội. Cách đây 10 năm, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cũng đã chủ động “buông” AFF Cup, SEA Games để hướng ra các giải đấu tầm châu lục.
Mặc dù là quốc gia có nền bóng đá phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, chỉ riêng nội một CLB Thai - League1 cũng đã có vài ba học viện bóng đá vệ tinh như HAGL, nhưng số lượng ngôi sao đủ sức đá cho đội tuyển vẫn có hạn.
Bóng đá Thái không để những ngôi sao như Songkrasin, Theerathon, Supachok, Ekanit và Supachai… thi đấu cỡ 60 trận/năm như Quang Hải suốt 2 năm qua. Khi muốn “bắt con săn sắt” thì FAT đành phải quyết định “bỏ con cá rô”, đó dường như là quy luật và phải chấp nhận. Có thể việc có vài giải AFF Cup, SEA Games không có thành tích, FAT vẫn không thay đổi mục tiêu, họ vẫn gia hạn 2 năm hợp đồng ông A. Nishino sau thất bại tại Philippines.
Thất bại cả ở AFF Cup 2018 và SEA Games 2019 nhưng FAT vẫn cho các cầu thủ 2 tuần nghỉ ngơi trước khi tập trung tập luyện để thi đấu VCK U23 châu Á được tổ chức ngay tại Thái Lan. Vẫn có những người dân Thái không hiểu hết được điều kiện cần và đủ để bóng đá xứ chùa vàng “vươn ra biển lớn”, chấp nhận “lùi để tiến”.
Hành trang mang theo
Trở lại câu chuyện bóng đá Việt Nam, việc đặt mục tiêu tầm châu lục là không sai. Nhưng điều cốt lõi là vấn đề chuẩn bị tâm lý, phân kỳ mục tiêu và các cột mốc thực hiện. Đơn giản nhất là câu hỏi: Khi đó tấm HCV SEA Games 31 ngay tại Việt Nam có còn là mục tiêu số 1 của chúng ta nữa hay không?
Phải 28 năm sau ngày bóng đá Việt Nam hội nhập khu vực mới có được tấm HCV đầu tiên, điều đó có nghĩa là con đường tiếp cận thành tích bóng đá châu lục và thế giới cũng vất vả, khó khăn bội phần. Trước khi nghĩ đến thành công, cổ động viên Việt Nam cũng phải làm quen với thất bại, thậm chí là thất bại tại ngay sân chơi AFF Cup, SEA Games vừa có thành công ban đầu.
Đơn giản, ngay như chọn nhà cầm quân, phải hơn chục ông thầy ngoại thì VFF mới gặp được ông Park mát tay là thân thiện, gần gũi. Với tuổi 61, dù muốn thì chắc chắn ông Park không thể đi dài được với bóng đá Việt Nam. Vậy đúc kết cần có những tiêu chuẩn như thế nào để có được HLV giỏi tiếp tục nắm các đội tuyển là cả một vấn đề không dễ cho VFF.
Muốn ra biển khơi, không phải chỉ VFF mà tất cả chúng ta đều phải chấp nhận sóng lớn. Nếu đồng lòng thế thì bắt đầu!