(Baonghean.vn) - Dân xứ Nghệ xưa nay vẫn được gọi là dân “cá gỗ”. Nguồn cơn tên gọi này xuất phát từ câu chuyện về một chàng học trò nghèo đã “sáng tạo” ra món ăn kỳ cục - con cá bằng gỗ - để bữa cơm chỉ độc món cơm trắng…dễ nuốt hơn.
Sau này khi nhắc đến dân “cá gỗ”, cũng có nhiều cách hiểu, nhiều cách diễn giải dị bản. Có ý kiến cho rằng cái tên “cá gỗ” là cách nói vui, ý ngợi khen tinh thần vượt khó, hiếu học nhưng cũng rất sáng ý của người Nghệ. Cũng có người cho rằng dân “cá gỗ” là tên gọi ít nhiều mang hàm ý miệt thị, ám chỉ người Nghệ keo kiệt, bủn xỉn… Thế nhưng điều không phải bàn cãi là không ít người Nghệ thành đạt có điểm xuất phát là con “cá gỗ”. Để thấy ý chí tự lập, tự cường, vượt khó vươn lên của người Nghệ đã trở thành đặc trưng, phẩm chất gắn liền với vùng đất, con người mà không ai có thể phủ nhận.
Cũng là câu chuyện về cá, nhưng phiên bản “cá” ở Campuchia lại là…cá sắt. Chuyện là một ông bác sỹ người nước ngoài cách đây 6 năm đặt chân đến Campuchia phát hiện ra một bộ phận lớn dân số nước này bị thiếu máu, dẫn đến giảm sút hiệu quả trong học tập và lao động. Nguyên nhân chính là thiếu sắt cho chế độ dinh dưỡng nghèo nàn.
Việc bổ sung sắt bằng các viên thuốc uống là một giải pháp bất khả thi bởi giá thành đắt đỏ so với khả năng chi trả của người dân nghèo - nạn nhân chính của hiện tượng thiếu máu, thiếu sắt. Vậy là vị bác sỹ nói trên đã nảy ra một ý tưởng có một không hai: nấu ăn với một con cá bằng… sắt để giải phóng sắt, bổ sung đến 75% hàm lượng sắt thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mỗi người. Hình ảnh con cá sắt nằm trong nồi canh sôi lục bục trên bếp của những gia đình nghèo Campuchia đã trở nên quen thuộc những năm gần đây, mang theo nó là nụ cười của những đứa trẻ Campuchia không còn xanh xao, ốm yếu như trước…
Hai câu chuyện, hai con cá - tuy có chút dị biệt nhưng đều nói lên câu chuyện về sự nghèo đói và sự sáng trí, nỗ lực vươn lên của con người. Tôi nghĩ đến hai câu chuyện này và thoáng nặng lòng khi nghĩ về những con cá thật bằng xương bằng thịt đang dạt vào trắng xoá bờ biển miền Trung. Tôi nghĩ đến lời tuyên bố của đại diện doanh nghiệp nước ngoài: “Phải chọn thôi, hoặc cá tôm hoặc nhà máy thép”. Tôi nghĩ rằng đó không hẳn là một sự lựa chọn, hay chí ít không phải là một lựa chọn công bằng. Quyền được lựa chọn đã thuộc về ai? Và bản thân những người nắm quyền đó, họ có được báo trước về những hệ luỵ tồi tệ này hay một vài dòng thoả thuận, cam kết chung chung, mơ hồ đã che khuất những góc tối?
Ai đúng, ai sai, và dù sự thật như thế nào, một khi “sự đã rồi” thì không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu nữa. Câu hỏi nhức nhối nhất còn lại là phải làm thế nào để khắc phục hậu quả và ngăn chặn tái diễn trong tương lai. Hãy nghĩ đến Campuchia, đất nước chỉ có hơn 440km đường bờ biển, nguồn thuỷ hải sản chính lấy từ biển Hồ trong đất liền - họ phải ăn “cá sắt” để khắc phục sự thiếu thốn do tự nhiên và do con người. Còn chúng ta, đất nước với hơn 3.200 km đường bờ biển với hệ thống ao hồ, sông suối phong phú, liệu có khi nào sẽ đứng trước cảnh cạn kiệt những con cá thật do “muôn mặt” hệ lụy từ ô nhiễm môi trường thiên nhiên bởi những bất cập trong nhận thức, trách nhiệm chung?...
Hải Triều
TIN LIÊN QUAN |
---|