(Baonghean) - Có ai đã nói với tôi rằng Mường Lống (Kỳ Sơn) vốn dĩ là một thiếu nữ bí ẩn. Xuân sang rực rỡ hoa, mùa Hạ là những vườn mận, vườn đào lúc lỉu trái, Đông về, núi rừng chìm trong sương giá. Bây giờ, khi đất trời vào thu, Mường Lống mang một nhịp điệu vừa trầm tĩnh vừa duyên dáng... Đồng bào ở đây giải nghĩa Mường Lống là “Mường Lạc”. và Tôi đã có những lần “lạc” cảm xúc của mình ở đây...

Tôi đã đến với vùng đất được ví von như Đà Lạt của miền Tây xứ Nghệ - Mường Lống vào những mùa khác nhau. Lần đầu vào mùa Thu, khi cổng trời phủ đầy sương mù. Những phụ nữ Mông với chiếc gùi chất đầy củi trên lung, họ hiện ra giữa màn sương rồi dần khuất cũng trong sương. Một lần khác tôi đến đây cốt để trốn cái nắng nóng như thiêu như đốt của tiết hè miền Trung và tôi đã đi lạc vào một rừng mận chín. Tôi cũng từng về Mường Lống vào những ngày giáp Tết khi hoa đào nườm nượp vượt cổng trời về xuôi. Hoa mận nở bung giữa thung lũng như một tấm khăn voan trắng khổng lồ.
images1373704_tr__em__i_t_u_tr__ng.jpgTrẻ em Mường Lống (Kỳ sơn) ngày tựu trường.
Hôm nay, bước chân tình cờ lại đưa tôi trở lại đất Mường Lống. Đọan đường dài gần năm chục cây số từ Thị trấn Mường Xén trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn vào Mường Lống có quãng lất phất mưa. Đặt chân đến cổng trời, màn mưa đã lùi xa phía sau. Trời đất chuyển nhanh sang chiều rồi tối. Cổng trời hôm nay không còn bảng lảng sương như cái mùa Thu trước. Thung sâu hiện lên mờ ảo trong ánh nắng cuối ngày nhàn nhạt. Ngàn cây chìm nghỉm vào cái hoang vu vốn dĩ của thiên nhiên. Khoảnh khắc này tôi cảm nhận được tí chút về cái gọi là hoàng hôn chiều tím như thi ca thường ví von về một mùa Thu xa xôi nào đó.
 
“Đi qua cổng trời vào Mường Lống sẽ là một bầu không khí khác”, anh Phó Chủ tịch UBND xã Vừ Bá Lềnh có lần bảo với tôi như vậy. Anh chàng cán bộ trẻ tuổi có kiểu ví von hồn nhiên và hài hước rất đặc trưng kiểu người Mông. Cái anh chàng vừa bản địa lại vừa tân thời đã kể cho tôi nghe những hoài bão về tương lai của một vùng đất có một không hai trên mảnh đất biên viễn này trong khi dẫn tôi đi dưới tán hoa mận nở trắng vào mùa Xuân cách đây chưa xa. Ngày ấy tôi đã đặt dấu hỏi quá ư buồn cười rằng làm sao một anh chàng nhỏ thó, trẻ người như thế lại có  cả kho những câu chuyện xưa nay đủ loại và cả những niềm hy vọng cũng chẳng hề giống ai? Nơi đây người ta mơ ước về một đàn bò trăm con, một rẫy ngô rộng mấy quả đồi thì Vừ Bá Lềnh lại ao ước về một khu du lịch nườm nượp khách khứa, về một nguồn nước cho mấy nghìn con người dùng quanh năm không vơi cạn. Đúng là một anh chàng gàn đáng yêu.
 
Tôi mới chỉ nghĩ đến vậy thì Vừ Bá Lềnh đã xuất hiện. Anh chàng tỏ ra ái ngại vì Mường Lống chưa có nhà đón khách phương xa. Còn tôi thì lấy làm lạ vì mỗi lần đến đây đều đúng vào lúc chiều tối. Có lẽ vì quãng đường xa hay bởi một lẽ khác, tôi có duyên với những đếm tối ở Mường Lống. Mỗi căn phòng làm việc của cán bộ UBND xã đều có một chiếc giường do anh em UBND xã tự “đầu tư” được bố trí cho anh em báo chí chúng tôi làm chốn nghỉ. Một chốn nghỉ ngơi sau giờ làm việc ngay tại nhiệm sở là điều thật đỗi cần thiết với cán bộ địa phương ở bản xa Thăm Hốc, Thăm Hang, Huồi Khun cách UBND xã trên chục cây số toàn đèo dốc và đá núi lởm chởm.
 
Chạng vạng tối, trên các nẻo đường đổ bê tông ở bản Trung Tâm vẫn nườm nượp người. Những tấm lưng cúi rạp dưới sức nặng của chiếc gùi đan bằng sợi giang. “Bà con đang vào mùa thu hoạch ngô đấy” - Anh phó chủ tịch bảo vậy. Anh bạn đường của tôi lúc nào cùng ôm trong tay một cây guitar, sau xe là cái tẩu thuốc lào “thiết kế” ngay một đêm nhạc ngoài trời vừa nướng ngô nếp vừa hát nhạc Trịnh. Thế là chúng tôi được thỏa chí phiêu bồng trong tiếng nhạc còn mấy anh chàng người Mông xứ Mường Lống có dịp hồi tưởng lại cái thời sinh viên giữa Hà Nội ôm đàn hát trong những đêm sinh nhật bạn. Một đêm không trăng, tiết trời se lạnh hệt như cái đêm cách đây mươi năm chúng tôi ôm đàn ngồi hát giữa cao nguyên Đồng Văn nơi địa đầu Tổ quốc. 
 
Cuộc hát chỉ tàn khi sương đêm xuống dày, và bếp lửa nướng ngô bên đường đã lụi tắt. Bản làng cũng đã chìm vào giấc ngủ. Nếp sống ở cái xã vùng cao thuần người Mông này bao đời nay đã vậy. Con gà lên chuồng người ta mới ở trên rẫy trở về nấu ăn rồi đi ngủ. Con gà gáy lần hai đã trở dây thổi cơm chuẩn bị lên rẫy. Vậy nên vào cái giờ sương đêm xuống dày như lúc này, bản làng đã yên giấc. Với họ trong cuộc đời chẳng có gì quý giá hơn thời gian làm lụng và giấc ngủ ngon. Có ngủ ngon thì sáng ra mới khỏe người để đi rẫy.
 
Bài hát tiếng Mông của anh cán bộ văn phòng UBND xã kéo tôi khỏi giấc ngủ. Tiếng gà trong bản le te vọng đến. Ngoài rừng, một màn sương mỏng manh như như thực. Tôi mở toang cửa sổ đón cái lạnh buổi mai ùa vào căn phòng nhỏ nơi trụ sở UBND xã. Vơ vội máy ảnh, tôi bước xuông bản, trên con đường nhỏ lẩn khuất dưới những tán mận, tán đào, bầy trò nhỏ cầm theo những chiếc cuốc và túi ni lon đựng phân bón. “Học sinh Mường Lống đến trường lao động chuẩn bị đón năm học mới đấy.” anh cán bộ văn phòng rỉ tai tôi như vậy. Qua mùa hè, bản Trung Tâm sẽ lại vui nhộn bởi những bước chân học trò rồi.
 
Mặt trời đã nhô khỏi ngọn núi Pha Bun. Những tán mận ở bản Trung Tâm như được rắc phấn hồng. Tôi rảo nhanh trên một lối mòn dẫn đến cái bể nước. Những cơn mưa mùa Thu đã mang nước về đầy ắp trong cái bể công cộng của bản Mường Lống. Ấy vậy mà mới chỉ vài tháng trước, những bể nước ở Mường Lống còn khô rang. Mùa Thu về nguồn nước cũng về theo.
 
Nắng mới lên mà những gùi ngô đã theo người trên rẫy về đến bản. “Em dậy đi bẻ ngô từ khi nhìn xuống đất còn chưa thấy được bàn chân mà”, một thiếu phụ trẻ cười rất tươi khi tôi tỏ ra thắc mắc sao đi rẫy về sớm thế. Chốc nữa phơi ngô xong em lại đi gùi tiếp. Còn ba, bốn gùi nữa khi cái bóng nằm dưới bàn chân mới nghỉ ăn cơm”.
 
Bên cánh cửa gỗ sa mu, bóng thiếu nữ ló mặt nhìn theo chúng tôi với vẻ vừa e thẹn vừa tò mò. Cô bạn đi cùng đoán chắc rằng đó là một sơn nữ tuyệt đẹp mà cô từng nhìn thấy trong những chuyến đi vùng cao. Còn với tôi đó cũng là một nét thu của xứ Mường Lống, một nét duyên dễ khiến người ta đi lạc ở cái xứ mà người xưa cũng đã từng lưu lạc đến.
 
Bài, ảnh: HỮU VI