(Baonghean) - Những năm gần đây, người nghe đã quen tên thuộc giọng của một chàng trai xứ Nghệ còn rất trẻ, nhưng lại đang ghi dấu mình vào một thể loại nhạc được coi là “già”, đó là dòng nhạc cách mạng. Chàng trai đó là ca sỹ Vũ Thắng Lợi, anh muốn mình là “gạch nối” của 2 thế hệ trong cùng một dòng nhạc chính thống, kén người nghe nhưng dễ có những fan trung thành.

Dám thất bại để đứng lên 
 
Bước ra từ cuộc thi Sao Mai 2011 với giải Nhì dòng nhạc thính phòng, con đường đến với sân khấu chuyên nghiệp của anh cũng không chỉ có những mượt mà thảm đỏ, có những lúc anh đã phải dừng chân trước lựa chọn của mình, anh gọi đó là vấp ngã. 
images1373702_1.jpgCa sỹ Vũ Thắng Lợi (trái) song ca cùng ca sỹ Uyên Linh.
“Thực ra từ vấp ngã là một từ dùng của riêng tôi, còn đúng ra nó có vẻ là một thất bại. Đó là cuộc thi Sao Mai năm 2009, tôi chỉ được vào vòng loại phía Bắc. Mà bạn biết rồi, đi thi ngoài may mắn còn nhiều yếu tố nữa, như có người chỉ dạy cho mình, rồi cách chọn bài hát, cách thể hiện… những thứ đó tôi đều tự mình học cả thành ra kết quả là ra về tay không”, anh tâm sự. 
 
Bước qua “vấp ngã” đó với một con đường kiên định mình đã đặt ra, Thắng Lợi tiếp tục đứng dậy và bước đi. Sau thất bại năm 2009, Vũ Thắng Lợi đã dành thời gian để học hỏi thêm, tìm mua đĩa thính phòng của các ca sỹ nổi tiếng về nghe, nhất là đĩa nhạc của Huyền thoại Opera Luciano Pavarotti - giọng nam cao rất truyền cảm. Cứ thế, cứ thế… đến lúc thi anh đã tự tin hơn… và chạm tay được vào thành công. Anh quan niệm  thành công hay thất bại cũng bắt nguồn từ cách thức mình đến với nó mà thôi. 
Ca sỹ Vũ Thắng Lợi
Lần đầu được xướng danh trong một cuộc thi lớn, qua những hào quang của ánh đèn sân khấu, bỏ lại những lời chúc tụng… ngay trong đêm anh trở về quê hương của mình (Thành phố Vinh) để được ở gần người thân trong giây phút niềm hân hoan vẫn đang đong đầy ấy. 
 
Sống trọn với đam mê
 
Thành công từ Sao Mai, con đường đến với đam mê của anh đã được định hình một cách rõ ràng. Năm 2013 là một năm có nhiều điều để đọng lại đối với giọng ca trẻ này. Đặc biệt là dấu ấn trong Chương trình “Người Hà Nội”, tiếp nữa là những lần xuất hiện trong Chương trình “Bài hát yêu thích”. Tiếp đến, anh cũng  là  một trong những nhân vật chính khi tham gia chuỗi Chương trình  “In the spotlight số 8” với chủ đề “Giai điệu Tổ quốc” cùng với Trọng Tấn, Uyên Linh, Nguyên Thảo. Đặc biệt, qua những chương trình này anh đã có cơ duyên gặp gỡ với nhạc sỹ Hồng Kiên và chính anh Kiên cũng là người làm cho anh album đầu tay với phần phối khí của chính nhạc sỹ do Công ty Mỹ Thanh sản xuất. 
 
Trong con đường âm nhạc ấy, anh chọn cho mình dòng nhạc thính phòng là dòng nhạc chủ tâm, đó cũng là sự lựa chọn của anh từ đầu khi quyết định bước chân vào con đường âm nhạc. “Nó như là một niềm đam mê, mà khi đã có đam mê rồi thì tôi chỉ biết sống hết mình cho đam mê đó”. Quan điểm của Thắng Lợi về nghệ thuật cũng tương tự như vậy: “nghệ thuật chưa cần đòi hỏi nhiều về vật chất mà quan trọng mình sống được với niềm đam mê của mình”, anh bày tỏ. 
 
Đến được với đam mê, sống trọn với đam mê nhưng đam mê cũng có giá của nó, trong khi các giọng ca trẻ khác chọn cho mình dòng nhạc thị trường, nhanh chóng nổi tiếng, nhanh chóng có được những lợi ích vật chất khác thì Thắng Lợi vẫn như một chàng lãng tử dạo chơi trên con đường cô lẻ của mình, lấy sự yêu mến của người nghe làm tài sản, đem sự coi trọng của giới chuyên môn làm sức mạnh. Khi được hỏi, liệu có khi nào nỗi lo áo cơm khiến anh phải thay đổi quan điểm của mình không, chẳng cần phải suy nghĩ lâu, anh khẳng định chắc nịch: “Chắc là không đâu, tôi sẽ vẫn kiên định dòng nhạc mình đang lựa chọn. Gắn bó với dòng nhạc này, tôi có những công chúng của riêng tôi, những công chúng bền bỉ”. 
 
HỒ VIẾT THỊNH
Muốn là gạch nối
 
+ Ngoài sự kén chọn của dòng nhạc, anh có bị ngợp khi đứng trước những ca sỹ đàn anh đi trước ở thể loại này không?
 
- Tôi luôn tôn trọng những người đi trước, chắc chắn Thắng Lợi còn phải cố gắng nhiều để đạt được những thành công như các anh, các chị đã có hay được công chúng yêu quý như vậy. Nhưng Thắng Lợi luôn muốn rằng mình sẽ là một thế hệ tiếp theo, được làm một gạch nối giữa 2 thế hệ gắn bó với nhạc thính phòng để phục vụ công chúng.
 
+ Vậy trong những bài hát cụ thể thì sao, anh có sợ bị công chúng đem lên so sánh khi thể hiện lại ca khúc mà những người trước đã thể hiện thành công?
 
- Đúng là những bài hát ở dòng nhạc này đã đi theo suốt chiều dài lịch sử, có những giá trị nhất định trong lòng khán giả. Chỉ có người thể hiện nó như thế nào. Tôi cho rằng, mỗi ca sỹ họ đều có một cá tính riêng của mình trong khi thể hiện tác phẩm. Thắng Lợi không sống được ở thời điểm bài hát ra đời, nhưng mỗi khi đứng trước khán giả, tôi luôn cố thể hiện nó với tất cả cảm xúc cá nhân của mình. 
 
Cảm ơn anh!