(Baonghean) - Nằm ven sông Lam, gối đầu lên núi Hà, kéo dài theo hói Nậy, làng Tiên Cầu, xã Thanh Giang (Thanh Chương) từ lâu đã nổi tiếng là vùng quê có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử…
àng có đền Thẩm Hình xây dựng từ mấy trăm năm trước, thờ tiến sỹ Phan Nhân Tường (1514 - 1576) - người gốc làng Bạch Xá (Thanh Hà), làm quan trải qua 4 đời vua Lê, được thăng đến chức Giám sát ngự sử, Tri thẩm hình viện. Ông là người đã từng vận động nhân dân bản xã, chiêu dân các nơi đến khai hoang phục hoá, lập nên nhiều xóm thuộc 2 xã Thanh Hà, Thanh Giang ngày nay.
Đền Thẩm Hình có 3 toà: hạ, trung, thượng điện, toạ lạc trên một khu đất đẹp, nhìn ra dòng sông nhỏ. Thượng điện là ngôi nhà 2 gian còn nguyên nét cổ, trên bức đại tự ghi 4 chữ Hán: danh sắc thiên cổ (tiếng thơm muôn đời). Trước mặt đền là một hồ sen thoáng rộng, ngát hương. Trải qua hàng trăm năm với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền đã có diện mạo như ngày hôm nay. Tại đền hiện còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ kính, 13 sắc phong của các triều đại phong kiến ban cấp cho đền và các di tích trong làng, 7 bản khắc gỗ cổ… Đền Thẩm Hình, từ bao đời nay đã là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân Tiên Cầu và vùng lân cận. Trước đền, dưới hồ sen là khu đất nhô cao giống hình nghiên mực, đối diện bên kia hói Nậy là dải đất kéo dài như hình chiếc bút. Người dân địa phương quan niệm, “núi bút, non nghiên” là những hình ảnh tượng trưng cho truyền thống hiếu học của làng. Cạnh “non nghiên” còn có bến Bút, là bến nước cổ xưa. Để lưu giữ nét đẹp cổ xưa đã đi vào huyền tích, năm 2012 dân làng đã xây dựng lại bến Bút, tạo lan can, bậc lên xuống sạch đẹp, khang trang.
Ven làng, dọc theo bờ sông Lam có 2 ngôi đền, mỗi đền mang một vẻ đẹp riêng. Đền Hữu Võ ẩn mình dưới cây bàng cổ thụ, thờ Bản cảnh Thành hoàng Hữu Võ - Nguyễn Đình Thang – hậu duệ đời thứ 19 của Cương quốc công Nguyễn Xí. Phả tích của đền cho biết, sinh thời ông Hữu Võ khôi ngô tuấn tú, giỏi hát, khéo may, tài đánh roi, đi quyền, thường dẫn dân làng lên rừng lấy lâm, thổ sản. Sau khi ông bị hổ vồ ở núi Thành, xã Bình Sơn (Anh Sơn), để tỏ lòng biết ơn người từng đánh hổ giúp dân và phù hộ cho dân lành lên rừng kiếm sống, nhân dân 2 bờ sông Lam, đặc biệt là dân phường bè Hưng Long (Hưng Nguyên) đã về khởi dựng đền thờ ông ngay tại quê hương (1905). Hiện đền còn lưu giữ được được nhiều đồ tế khí cổ kính như long ngai, gươm đao, ống gọi (loa)… và 2 sắc phong của triều Nguyễn niên đại Khải Định thứ 2 (1917) và thứ 9 (1924). Hơn 1 thế kỷ qua, đền Hữu Võ luôn được con cháu họ Nguyễn và người dân địa phương chăm lo hương khói.
Gần cầu Hói Nậy, có đền Thánh Mẫu, xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX, từng bị tàn phá trong chiến tranh, năm 1997 mới được khôi phục lại. Đền gồm 3 toà: hạ, trung, thượng điện, toạ lạc trên vùng đất ngã ba sông. Cổng đền 3 tầng uy nghi, nổi bật giữa một vùng cây cối xanh tươi. Đền phối thờ công đồng phật, thánh: đức Phật, tam toà thánh Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, đức thánh Trần, Thành Hoàng. Hàng năm, đền có nhiều ngày lễ trọng như lễ chúa Liễu Hạnh (3/3), lễ giổ đức thánh Trần (20/8), lễ Vu Lan (15/7)… hội tụ du khách muôn nơi về chiêm bái, cầu yên.
Làng có 4 xóm: Đình, Chùa, De, Lối. Truyền thống hiếu học của làng đã được hun đúc từ mấy trăm năm trước. Dòng họ Nguyễn Tiến nổi tiếng với Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân Nguyễn Tiến Tài (1642 – 1698), từng giữ chức Đốc học Hải Dương, Đô ngự sử, Tả thị lang bộ công, Hữu thị lang bộ lễ… đặc biệt, ông có tài ngoại giao, từng đi sứ nhà Thanh, góp phần giải trừ quân Mạc, giữ yên biên giới phía Bắc, được Vua Lê tặng 5 chữ: trung - cần - đại - đức - nhân. Những người con của ông cũng đều học hành đỗ đạt. Năm 1993, nhà thờ Nguyễn Tiến Tài (ngay sau đền Thẩm Hình) đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia. Dòng họ Nguyễn Sỹ, nổi tiếng với Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân Nguyễn Sỹ Giáo (1638 - ?), từng giữ chức Giám sát ngự sử, Giám sát hiến sứ đề hình, Thị độc hàn lâm viện của triều hậu Lê…
Về xứ Phuống, thăm đất Tiên Cầu, chúng ta như được hoà mình vào không gian lịch sử của những nhà thờ, đền, miếu với bao huyền tích cổ xưa; sáng lên trong lòng niềm tự hào về một vùng quê, mà tên bến, tên sông cũng lưu danh những ông nghè, ông cử. Đặc biệt, vui mừng hơn khi những giá trị truyền thống ấy đang được các thế hệ người làng gìn giữ, phát huy trong quá trình xây dựng quê hương.
Huy Thư