Tất cả vì giá trị của châu Âu
Trong bài phát biểu có tính chất như một tuyên ngôn của mình, lần đầu tiên kể từ khi được bầu vào vị trí người đứng đầu EC hồi tháng 7, bà Ursula Von der Layen - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã cho thấy tầm nhìn của mình trong nhiệm kỳ sắp tới. “Thông điệp châu Âu” đọc tối 8/11 tại Viện Konrad Adenauer Stiftung tại thủ đô Berlin, Đức cũng cho thấy sự quyết tâm của người phụ nữ sẽ “cầm lái” cơ quan hành pháp Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn biến động khó lường này.
Hai ưu tiên mà bà Von der Layen đặt ra trong nhiệm kỳ sắp tới của mình tại Brussels là xây dựng một chính sách khí hậu đầy tham vọng và xử lý vấn đề người di cư cho cả khối một cách bền vững. Thông điệp của Chủ tịch đắc cử của EC là khá rõ ràng: EU, với 500 triệu dân và chiếm tới 40% GDP toàn cầu, không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu thế giới, mà còn đóng vai trò là “người tạo ra xu hướng” toàn cầu, là “người tiên phong”.
Bà Von der Leyen đã tuyên bố ủng hộ một châu Âu với các giá trị cốt lõi vốn có và trở thành một hình mẫu quốc tế cho tương lai.
Trong hình dung đó, cộng đồng châu Âu dành cho công dân của mình “một người bảo đảm hòa bình, nhân quyền, pháp quyền” và người bảo vệ “sự khoan dung, công bằng, đoàn kết và bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới”. Trong bài phát biểu với tựa đề “Thông điệp châu Âu”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức đồng thời nói rằng, xã hội mở của EU sẽ mang đến sự ổn định và nền kinh tế thị trường xã hội, ở đó công dân nhận được sự hỗ trợ với những trường học tốt dành cho con cái họ. Những người đóng góp cho xã hội không chỉ đơn thuần có thể kiếm tiền mà họ còn hưởng cơ hội được đào tạo. Và hệ thống chăm sóc sức khỏe của EU hiện đang là một trong những hình mẫu tốt nhất trên thế giới. Trong bối cảnh lòng tin vào những giá trị của EU đang dần bị xói mòn, EU được bà Von der Leyen mô tả là “hình mẫu lý tưởng”, như cách để “gieo lại mầm hy vọng” về liên minh khu vực thành công nhất thế giới này. Bà cũng không quên nhắc rằng “người châu Âu tự hào đã đặt ra các quy định cơ bản về quyền bảo vệ dữ liệu được xem như là tiêu chuẩn cho người khác”.
“Chính Trung Quốc cũng đã lấy ví dụ về EU trong chứng nhận kinh doanh khí thải CO2 làm mô hình”
Vẽ ra tầm nhìn của tương lai, nhưng những công việc nội bộ mới là trọng tâm công việc trước mắt với Chủ tịch đắc cử của EC. Đoàn kết nội khối như thường lệ và vấn đề được lưu tâm trước tiên, nhất là khi EU trong vài năm trở lại đây đã chứng kiến tình trạng chia rẽ và bất đồng trong khá nhiều vấn đề chủ chốt. Bà Von der Layen bày tỏ tự hào khi đề cập đến sự đoàn kết của EU trước vấn đề Brexit, bởi “sự ra đi đáng tiếc của một quốc gia thành viên đã không trở thành mốc khởi đầu cho quá trình phân rã của khối”. Nhắc lại thực tế cho thấy rằng trong các cuộc đàm phán về Brexit, 27 quốc gia EU đã luôn đứng cùng nhau, bà Von der Leyen tuyên bố “cú sốc” Brexit khiến cho phần còn lại của EU trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết. Đối với bà Von der Leyen, điều này cho thấy EU có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ khủng hoảng.
Những đề bài hóc búa phía trước
Rõ ràng, giữa sự chán nản và mệt mỏi của tiến trình Brexit, hay những mâu thuẫn gay gắt về chính sách di cư, cũng như sự bất an về kinh tế, người dân châu Âu đang cần một tầm nhìn để giải tỏa những ức chế và bi quan. Họ cần một nhà lãnh đạo có đủ sự bao dung và tài năng để lãnh trách nhiệm đưa châu Âu trở lại với mục tiêu lớn. Tuy nhiên, thực tiễn khắc nghiệt và phức tạp đang chờ đợi nữ Chủ tịch đầu tiên của EC ở phía trước. Rào cản lớn nhất đối với vị nữ chủ tịch đầu tiên của EC chính là tình trạng chia rẽ và tâm lý hoài nghi châu Âu, điều mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được trước và trong cuộc bỏ phiếu bầu tại Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 5 vừa qua. Tỷ lệ phiếu đa số giúp bà Von der Leyen chiến thắng có được chủ yếu từ rất nhiều đảng phái khác nhau, điều này có nghĩa là tân Chủ tịch EC thiếu sự hậu thuẫn của một lực lượng tập trung và tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ tại cơ quan Lập pháp châu Âu. Vì thế, dù đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch, nhưng quá trình điều hành EC của bà Von der Leyen dự báo sẽ không hề dễ dàng.
Là một người Đức và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cử, nhưng trên cương vị mới là Chủ tịch EC, bà Von der Leyen sẽ phải dành sự quan tâm nhiều hơn đến các nước nhỏ.
Vấn đề chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước đang trở nên nghiêm trọng, khi các “đầu tàu” như Đức hay Pháp tỏ ra vượt trội với phần còn lại, đặc biệt là những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu mới gia nhập EU chưa lâu, hay thậm chí cả những nước từng là “đầu tàu” nhưng nay bị tụt lại phía sau như Tây Ban Nha, Italy... Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả liên minh, bất chấp sự phát triển không đồng đều từ bên trong và thách thức từ bên ngoài, nhiệm vụ này xem ra cũng không kém phần nặng nề, khi mà thực tế đã cho thấy những chỉ dấu không mấy lạc quan về nguy cơ bất ổn hay suy thoái.
Việc bà Von der Leyen, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức suốt 6 năm qua, trở thành Chủ tịch EC cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình tự chủ về quốc phòng của EU. Trong nhiều năm qua, Đức và Pháp cùng một số thành viên EU khác đã tích cực vận động cho một chiến lược quốc phòng chung của liên minh, trong đó có các dự án chế tạo máy bay chiến đấu, máy bay vận tải quân sự và vũ khí chung. Đó là tiền đề để bà bắt tay vào một công việc phức tạp hơn và ở một vị trí cao hơn. Tuy nhiên, công việc mới cũng gắn liền với xử lý các mối quan hệ với những đối tác truyền thống trong bối cảnh mới như Mỹ, hay các đối thủ như Trung Quốc hay Nga, là một nhiệm vụ không hề đơn giản đối với bà Von der Leyen, cũng như châu Âu. Dù vậy, dư luận vẫn hy vọng sự quyết tâm cùng phong thái “nói được, làm được” của bà sẽ giúp châu Âu đi đúng hướng trên con đường “cải cách để phục hưng” đầy chông gai.