(Baonghean) - Lâu nay, trong chúng ta chắc hẳn nhiều người mới chỉ biết đến An Thuyên là một nhạc sĩ, một cây đại thụ trong làng Âm nhạc Việt Nam mà không nghĩ rằng anh còn là một nhà nhiếp ảnh tài hoa. 
 
An Thuyên cầm máy từ rất sớm, cũng như các nhà nhiếp ảnh khác, anh đi nhiều, chụp nhiều về các miền quê, đặc biệt vùng quê đầy nắng, đầy gió, nơi anh sinh ra và lớn lên. Những phiên chợ cuối năm, những triền đê, con đò bến nước, bát ngát nương dâu trên dải phù sa xanh ngắt sông Lam, lững thững đàn trâu hay những cánh đồng mùa vàng thấp thoáng cánh cò trong chiều hè rực nắng… đều được anh ghi lại, xếp lại như một thứ kỷ niệm. Ảnh của An Thuyên mộc mạc như chính cái thân thương của dải đất miền Trung. Không mượt mà nhưng sâu lắng, lặng lẽ mà đậm tình người. 
images1189891_img_7151.jpgNhạc sỹ An Thuyên còn là một nhà nhiếp ảnh tài hoa.
 
Tôi còn nhớ, vào khoảng đầu của những năm 1990, khi về  quê ở xã Quỳnh Thắng huyện Quỳnh Lưu, bức ảnh “Neo đậu bến quê” được An Thuyên chụp ở đó. Con đò lặng lẽ neo đậu bên  đường ngập lụt, hình như nó neo ở đấy, đang đợi một ai đó và chờ một cái gì đó. Bức ảnh đã mang đến cho người xem nỗi nhớ, niềm thương và những suy tưởng. Cái nhớ, cái thương làm ta day dứt, buộc phải suy và ngẫm. Có lẽ, chính từ bức ảnh này mà năm 1993, bài hát nổi tiếng “Neo đậu bến quê” của An Thuyên ra đời. Cả hai: bức ảnh và bài hát đều mang tên “Neo đậu bến quê” đã thực sự là nỗi niềm sâu thẳm của tác giả.
 
Năm 1996, khi Cuộc thi và Triển lãm ảnh quốc tế lần thứ Nhất (VN96), cuộc thi ảnh quốc tế đầu tiên do Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), đã có 3.036 tác phẩm của hơn một nghìn tác giả từ 42 quốc gia và khu vực trên khắp các châu lục gửi đến tham dự, Hội đồng giám khảo gồm 7 nhà nhiếp ảnh tên tuổi trên thế giới đã trực tiếp chấm và chọn 150 tác phẩm để trưng bày triển lãm.  Bức ảnh “Neo đậu bến quê” của An Thuyên đã lọt vào tốp 150 với ngôi vị xứng đáng. 
 
Sau “Neo đậu bến quê”, những năm tiếp theo, liên tiếp 3 tác phẩm của anh lại được tuyển chọn trưng bày tại triển lãm ảnh quốc gia. Phải nói, trong cuộc đời nhiếp ảnh, nhiều người chỉ cố phấn đấu để có được một tác phẩm triển lãm toàn quốc thôi cũng đã là khó, nhưng với An Thuyên, anh đã có 4 tác phẩm trưng bày toàn quốc và hàng chục tác phẩm ảnh được triển lãm ở Hà Nội, các địa phương và các nước trên thế giới. Đây quả là một sự dày công. 
 
Sau này, khi được nghe nhiều về các bài hát, các tác phẩm âm nhạc của An Thuyên, tôi nhận ra một điều: Với An Thuyên, ảnh và nhạc như đã hòa làm một. Trong các tác phẩm âm nhạc của anh, hình ảnh được khắc họa, được bắt đứng như một bức ảnh. “Chín bậc cầu thang, chín bậc tình yêu”, rồi “em chọn lối này” hay “con đò chiều rời bến, đàn trâu chậm ngoài đê”…không nặng nề, chát chúa nhưng tạo được ấn tượng, hình ảnh trong bài hát như ùa đến, ập vào mắt người nghe. Ngược lại, khi xem ảnh của An Thuyên, người xem lại thấy có cái gì đó man mác, gợi cảm, có cái vị ngòn ngọt, dìu dịu trong cổ họng vậy.
 
Trong ảnh của An Thuyên, nhiều bố cục tương đối lạ, được điệp khúc đi, điệp khúc lại. Và rồi, chính những điệp khúc này như tạo thành những vần thơ, những nốt nhạc làm cho bức ảnh mềm mại, uyển chuyển, người xem dễ lắng đọng, tạo được cảm xúc rưng rưng. Thế mới biết cái khéo, cài tài của An Thuyên. Cái khéo, cái tài đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc, thơ và ảnh. Trong An Thuyên, nhạc, thơ và ảnh đã hòa làm một, tạo nên chất keo làm say đắm lòng người. Và, nhiếp ảnh đã thực sự đóng góp vai trò của mình vào sự thành công trong lĩnh vực âm nhạc của Nhạc sỹ An Thuyên 
 
Một điều, cũng xin được nói thêm. Nếu như bộ sưu tập về nhạc cụ là đồ sộ thì bộ sưu tập về máy ảnh của An Thuyên cũng làm cho nhiều người phải kính nể. Để có được bộ sưu tập đó là cả một sự chắt chiu trong đời sống thường nhật của anh.  
 
Vĩnh biệt anh, chúng ta thương tiếc một tài năng, tiếc thương một con người đa cảm, một con người đa tài. An Thuyên là người “rút nối” chất miền Trung trong cả nhạc, thơ và ảnh. 
 
Bài, ảnh: Vũ Văn Cảnh