Lợn đen miền Tây Nghệ An hiện có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng Mặc dù hiện nay giá thịt lợn trên thị trường đang giảm nhưng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Tương Dương... giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao kỷ lục.
Ông Cụt Văn Long - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) cho biết: Sau dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn trên địa bàn xã rất ít; giá thịt lợn hơi loại trên 30kg có giá 150.000 đồng/kg, loại lợn dưới 30kg có giá gần 200.000 đồng/kg. Hiện nay, người dân trên địa bàn xã muốn ăn thịt lợn đen cũng không có để mua.
"Những gia đình có công buổi, nhất thiết phải có thịt lợn thì phải đặt mua từ các địa phương khác mới có" - ông Cụt Văn Long chia sẻ.
Số lợn nái trên địa bàn vùng cao Nghệ An không còn nhiều, nên lợn giống đắt đỏ. Ảnh: Xuân Hoàng Là địa phương chăn nuôi lợn nhiều nhất huyện Kỳ Sơn, thời điểm này, nhiều bản ở xã Hữu Kiệm vẫn duy trì được đàn lợn khá nhiều. Tuy nhiên, để có lợn giống địa phương nuôi, người dân phải chấp nhận mua với giá đắt. Ông La Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết, giống lợn đen địa phương chỉ có 3 - 4 kg mà bán với giá 2 triệu đồng, nhưng không có để mua.
Lợn đen địa phương đang hiếm, vì vậy các thương lái vận chuyển lợn từ xuôi lên giết mổ bán thịt tại các chợ. Theo tìm hiểu được biết, thịt lợn vận chuyển từ xuôi lên bán tại chợ dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.
Thương lái vận chuyển lợn từ xuôi lên các huyện miền Tây Nghệ An để giết mổ. Ảnh: Quang An Tại chợ Mường Xén (Kỳ Sơn) có gần 10 quầy bán thịt lợn nhưng không hề có thịt lợn đen địa phương, mà 100% là lợn chuyển từ xuôi lên. Theo những người bán thịt lợn ở đây cho hay, do dân bản không có lợn đen bán nên phải mổ lợn từ xuôi lên. "Nếu có lợn đen địa phương mổ thịt thì giá thịt 200.000 đồng/kg", một tiểu thương bán thịt lợn cho biết.
Trên địa bàn huyện Tương Dương cũng vậy, một số thương lái giết mổ lợn cho biết, đối với lợn đen địa phương, thỉnh thoảng mới bắt được 1 con, nhưng giá 150.000 đồng/kg.
Do lợn đen địa phương không có bán, nên thương lái chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn chủ yếu mổ lợn xuôi lên để cung cấp thực phẩm cho người dân. Ảnh: Quang An Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Đàn lợn của địa phương phát triển chậm, nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi nên lợn giống khan hiếm, trong khi đó, số lợn nái trên địa bàn huyện còn rất ít. Thời điểm tháng 8 này, huyện Kỳ Sơn còn khoảng 23.000 con lợn.