(Baonghean) - Thiếu mặt bằng đầu tư nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh là vấn đề “nổi cộm” đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các đô thị. Vấn đề đáng quan tâm là các cụm công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp vừa, còn các khu công nghiệp lớn không có chỗ cho doanh nghiệp nhỏ… 

Thành lập năm 2009, Công ty  CP vật liệu xây dựng ICEM phải thuê lại 1.000 m2 của một đơn vị tại Nghi Liên (TP. Vinh) dựng nhà xưởng, đặt thiết bị máy móc sản xuất với thời hạn thuê đất 1 năm. Sau thời hạn đó lại phải di chuyển tiếp đến địa điểm khác của một đơn vị  tại Nghi Phú và sau 2 năm hết hợp đồng thuê đất lại tiếp tục tìm kiếm vị trí khác tiếp tục di dời thiết bị xuống đường Ngô Thị Nhậm, phường Trung Đô để sản xuất, tại đây doanh nghiệp đã thuê được 1.000 m2 nhà xưởng và 2.000 m2 đất làm kho bãi, đồng thời đầu tư 700 triệu đồng cải tạo lại nhà xưởng, nâng cấp kho bãi phục vụ cho sản xuất, kinh doanh… Sau những lần di dời địa điểm, doanh nghiệp mất nhiều công sức, tốn kém, thiếu ổn định hoạt động… nhưng bởi không có mặt bằng, nên đành phải thuê lại đất theo thời hạn ngắn. 
 
image_1233124.jpgMột số DN nhỏ và vừa thuê lại nhà xưởng, mặt bằng của những DN đã di dời (ở đường Ngô Thị Nhậm, phường Trung Đô, TP. Vinh) để sản xuất.
 
Phường Trung Đô là địa điểm được một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm đến thuê lại mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng như: gạch, ngói, chế biến đá trắng, chế biến gỗ, mộc… Tại đây, vẫn tồn tại một số nhà xưởng có diện tích lớn (do Nhà máy bê tông Vinh, Nhà máy thuộc da… đã di dời đến địa điểm khác), được 4 doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê lại mặt bằng để sản xuất. Ông Nguyễn Tất Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Đô cho biết: “Khu vực này nằm trong quy hoạch lâm viên núi quyết, nên những doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh phù hợp với quy hoạch sẽ được thuê đất lâu dài (49 năm). Còn các doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng, mặt bằng sản xuất gạch, ngói, chế biến đá, đồ gỗ… chỉ là thuê tạm thời”. Như vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp thuê đất ở khu vực này lại tiếp tục “hành trình” tìm kiếm những nơi thuê đất mới để sản xuất. Thực trạng DN nhỏ đi thuê lại đất của DN lớn, của các DN Nhà nước diễn ra  khá phổ biến. 
 
Trên địa bàn TP. Vinh có đến 1.144 doanh nghiệp ngành nghề khai thác, chế biến, xây dựng và phần lớn rất cần có mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.  TP. Vinh  chỉ quy hoạch, đầu tư 5 cụm công nghiệp  (Hưng Lộc, Nghi Phú, Đông Vĩnh, Hưng Đông, Nghi Kim) và trong đó có 3 cụm công nghiệp là Nghi Phú, Hưng Lộc và Đông Vĩnh đã lấp đầy 100% diện tích, còn 2 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, để vào được các KCN nhỏ này không phải DN nào cũng có khả năng, trong khi hầu hết DN nhỏ và vừa ở TP. Vinh quy mô nhỏ, vốn ít.
 
TP. Vinh sau khi mở rộng địa giới hành chính thì có thêm rất nhiều quỹ đất, nhưng phần lớn nguồn đất này được quy hoạch xây dựng khu dân cư, còn việc dành đất cho cụm công nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và điều này, sẽ làm cho các doanh nghiệp ngày càng khó khăn, vất vả hơn trong công việc tìm kiếm mặt bằng, yên tâm đầu tư phát triển ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực mới, công nghệ cao.
 
Tại TX. Thái Hòa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất. Do phần lớn là doanh nghiệp nhỏ nên năng lực tài chính hạn chế rất khó đầu tư vào cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa) rộng trên 30 ha, vì khi vào đây doanh nghiệp phải đầu tư vốn khá lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, tại cụm công nghiệp này, mới có 5 doanh nghiệp vào đầu tư, đi vào hoạt động. Cách lựa chọn của các doanh nghiệp nhỏ là mua, hoặc thuê lại đất để sản xuất, kinh doanh.
 
Ông Lê Nguyên Chất, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TX. Thái Hòa cho hay: “Hiện nay tại trên địa bàn có hơn 200 doanh nghiệp (trong đó có 70 doanh nghiệp tham gia hội) và có rất nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về mặt bằng đầu tư nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay do TX Thái Hòa đầu tư phát triển nhiều tuyến đường mới như tuyến  DD5, DD6, N3, N4 đã phát triển nguồn quỹ đất ở phường Long Sơn, Hòa Hiếu và đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lập dự án thuê, mua đất ổn định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh. Để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, TX. Thái Hòa cần quy hoạch, đầu tư đồng bộ các cụm công nghiệp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là tạo mặt bằng, tạo nguồn đất sạch…”.
 
Được biết hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta đã đầu tư phát triển cụm công nghiệp như: Nam Đàn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Anh Sơn… để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên, do vốn đầu tư cao (vì phần lớn các doanh nghiệp vào đây phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật), thủ tục hành chính rườm rà, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự mặn mà. Tại huyện Quỳnh Lưu, sau khi chia tách, gần đây mới quy hoạch được cụm công nghiệp. Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đã lựa chọn quy hoạch đầu tư các cụm công nghiệp tại vùng phía Tây của huyện (gồm các xã Tân Thắng, Quỳnh Châu, Ngọc Sơn). Vùng này cách xa trung tâm huyện, có lợi thế về đất đai rộng lớn, phù hợp với các ngành nghề sản xuất, chế biến, dệt may, mỹ nghệ, VLXD… Sau khi hoàn thành các cụm công nghiệp sẽ tạo mặt bằng cho nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất”.
 
Ông Phan Thanh Miễn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 8.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trong đó có ít doanh nghiệp được cấp đất, hoặc thuê đất lâu dài tại cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Vấn đề tạo mặt bằng, quỹ đất sạch cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất cần được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện hơn, đó cũng là chính sách thiết thực hỗ trợ, giảm khó khăn cho DN trong tình hình hiện nay”.
 
Hoàng Vĩnh
 
Ông Nguyễn Chí Công, Phó trưởng phòng Kinh tế, UBND TP. Vinh cho biết: “Các doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp đã  có đầu tư vốn hơn 388 tỷ đồng và sau khi đi vào hoạt động đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh, tế xã hội của TP. Vinh, nộp ngân sách nước gần 37,6 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 1.433 lao động… Để tiếp tục thu hút đầu tư tại TP. Vinh, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp để làm cơ sở lập quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp từ nay đến năm 2020. Song song với đó tiếp tục đầu tư hoàn thành các cụm công nghiệp Hưng Đông, Nghi Kim để tạo mặt bằng cho các đơn vị đầu tư sản xuất, kinh doanh”.