(Baonghean) - Công nghiệp phụ trợ là một hướng ưu tiên trong phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên đến nay, lĩnh vực này mới có một vài doanh nghiệp tham gia và còn manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu đúng nghĩa phụ trợ cho các nhà đầu tư, các dự án đang xây dựng trên địa bàn.
Những bước khởi động
Công nghiệp phụ trợ được hiểu là toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các sản phẩm chính. Đó là linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm… Và rộng hơn để sản xuất những sản phẩm là “phụ trợ” trên lại cần những sản phẩm “phụ trợ” khác. Bởi vậy, có khi sản phẩm này là phụ trợ cho sản phẩm kia.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, các cấp, ngành kêu gọi phát triển công nghiệp phụ trợ, đã có những doanh nghiệp đón bắt và chọn hướng “công nghiệp phụ trợ” để sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các DN khác và hiện đang phát triển. Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt Hàn, thành lập theo Giấy chứng nhận đầu tư số 271024000002 do UBND tỉnh Nghệ An cấp ngày 25/6/2013. Công ty hiện đang sản xuất và phân phối các sản phẩm cơ khí, bulông, ốc vít, các thiết bị phụ trợ chủ yếu cho sản xuất thang máy và xuất sang Hàn Quốc.
Hiện với quy mô còn nhỏ, công ty một tháng xuất khoảng 3 container ốc vít, tương đương 5 tấn hàng sang Hàn Quốc theo đơn đặt hàng. Giám đốc Công ty ông Lê Nguyên, cho biết: Công ty nhập thép chất lượng cao từ Trung Quốc và đem về chế tạo ra ốc vít cho thang máy. Hiện đơn vị đang hoạt động ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho công nhân. Hai doanh nghiệp đang sản xuất rất tốt nữa, đó là Công ty TNHH BSE Việt Nam ở Khu kinh tế Đông Nam và Công ty TNHH Em Tech (Hàn Quốc) tại Hưng Thịnh. Hai DN này sản xuất linh kiện cho điện thoại di động như loa và một vài chi tiết khác. Ông Cho Sung Koo, Giám đốc điều hành Công ty BSE Việt Nam cho biết: Một tháng công ty sản xuất được 15 triệu sản phẩm; năm 2015 sản xuất 20 triệu sản phẩm/tháng phục vụ cho lắp ráp điện thoại di động, doanh thu đạt 5 triệu USD/tháng, nhà máy hiện có gần 3.000 lao động.
Một doanh nghiệp (DN) nữa cũng đang thành công ở lĩnh vực phụ trợ như Công ty bao bì Sabeco cung cấp vỏ lon bia hai mảnh và bao bì cacton cho chính các nhà máy bia Sabeco của tổng công ty. Nhờ khép kín trong sản xuất Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã chủ động trong việc cung ứng lon và bao bì cho sản xuất, hạ giá thành so với việc phải nhập của đơn vị khác.
Các DN khác như Nhà máy bao bì Quân khu 4, bao bì Khánh Vinh (Khu công nghiệp Bắc Vinh) đều là những DN cung ứng sản phẩm phụ trợ cho DN khác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Gần đây một doanh nghiệp nữa cũng đang đi theo hướng phụ trợ là nhà máy sản xuất nước chanh leo cô đặc của Nafood (Quỳnh Châu - Nghệ An). Sản phẩm này sẽ là nguyên liệu cho một số nhà máy sản xuất đồ uống xuất khẩu.
Đánh giá về lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Hải, chuyên viên theo dõi công nghiệp của UBND tỉnh cho biết: Mặc dù có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng những doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất các mặt hàng phụ trợ đang cho thấy tính ổn định. Ví như tinh bột sắn là nguyên liệu phụ trợ cho các sản phẩm khác như mỹ phẩm, mỳ tôm… hay dầu cá ở Diễn Châu của Công ty chế biến thủy sản Xuri cũng là nguyên liệu xuất khẩu để chế biến ra những mặt hàng khác. Công nghiệp phụ trợ góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Cơ hội cho công nghiệp phụ trợ
Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò quan trọng, gia tăng sức cạnh tranh cho sản xuất công nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Thế nhưng ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung hầu hết các DN đang phải nhập kinh kiện, phụ trợ từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Âu…
Là một trung tâm may mặc mới của cả nước, Nghệ An hiện có hơn chục nhà máy may công nghiệp, nhưng tất cả các phụ liệu như cúc, khóa, ren, nhãn, mác… đang phải nhập ngoại là chủ yếu. Đối với công nghiệp ô tô, xe máy Nghệ An cũng chưa có công nghiệp phụ trợ. Đối với sản xuất nông nghiệp, đang rất cần phải chế biến “sâu” cũng chưa đáp ứng được khi nước sốt, gia vị, phụ gia cho sản xuất các mặt hàng đóng gói đang phải nhập khẩu hoặc chế biến thô cho các nhà sản xuất khác như nước dứa cô đặc, chè đen… Các nhà máy bia trên địa bàn đều phải nhập khẩu nguyên liệu phụ trợ. Ông Cho Sung Koo, Giám đốc điều hành Công ty BSE Việt Nam cho hay: Tất cả các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất của nhà máy đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, ở Nghệ An không có nên nhiều khi doanh nghiệp bị động, ví như công ty cần rất nhiều sản phẩm bằng sắt để dập khuôn mẫu, dùng làm đế sản xuất sản phẩm nhưng ở Việt Nam và Nghệ An chưa gia công ra được những chi tiết chính xác như thế nên phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 40 ngàn sản phẩm.
Ở Nghệ An công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2014 tăng 14,14% so với năm 2013. Đó là do một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động như dệt may, bia, sữa, chế biến đồ trang sức... nên sản phẩm tăng cao. Tuy nhiên, nếu phân tích rõ về công nghiệp phụ trợ thì rất khó có số liệu để chứng minh lĩnh vực này hiệu quả. Nằm giữa các khu kinh tế lớn như Nghi Sơn và Vũng Áng, công nghiệp phụ trợ là hướng đi được nhiều chuyên gia kinh tế tư vấn cho Nghệ An. Một trong những định hướng quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh đến 2020, cơ bản phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, bởi vậy, công nghiệp phụ trợ luôn là một trong những ưu tiên để tạo động lực cho ngành công nghiệp vươn lên bền vững. Đó cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Châu Lan