(Baonghean.vn) - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và hệ thống chính trị, huy động xã hội hóa mạnh mẽ mà Cửa Lò đã xây dựng được điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường.
Đến Cửa Lò đã cuối thu và thời điểm gần 16 giờ cuối ngày, nhưng những con phố vẫn sạch sẽ như buổi sáng sớm ban mai. Có được kết quả này, theo ông Lê Đình Sâm – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã: “đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tạo ra phong trào thật sự, không hô hào chung chung, hay tổ chức phát động tạo thành đợt cao điểm rồi sau đó lại lắng xuống như “ném đá ao bèo”.
Hiện tại, Cửa Lò cũng đã xây dựng và hình thành được ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi người dân, rác sinh hoạt sẽ được thu gom vào thùng và chở đi chứ không chất đống trên các trục đường. Ông Phùng Minh Tiến, khối Đông Quyền, phường Nghi Thu, chia sẻ: “Công tác bảo vệ môi trường ở khối chúng tôi đều có sự tham gia, hưởng ứng của tất cả các tầng lớp nhân dân.Từ đó, môi trường sống được giữ gìn sạch sẽ, tạo cảnh quan đẹp hơn, khuyến khích người dân có trách nhiệm giữ gìn nó”.
Việc quản lý và bảo vệ môi trường được thị xã Cửa Lò xác định là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch, xây dựng thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch biển “Xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững”. Trên cơ sở quy định của thị xã, hàng ngày, nếu sau 6 giờ sáng vẫn có rác tập kết trên đường hoặc người dân xả rác không đúng điểm và thời gian quy định thì Chủ tịch UBND phường đó phải chịu trách nhiệm. Đồng thời chỉ đạo Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò nâng cao năng lực phương tiện, xe máy, nhân lực để làm tốt công tác thu gom, vận chuyển rác kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương của thị xã.
Đặc biệt, từ năm 2014 lại nay, UBND thị xã chỉ đạo xóa toàn bộ điểm tập kết rác tạm thời trên các tuyến đường trong khu vực du lịch thay bằng việc các nhà hàng, khách sạn, các ki ốt kinh doanh và các hộ gia đình tự trang bị các thùng chứa đựng rác theo quy chuẩn, có nắp đậy kín và có bánh xe đẩy để tự tập kết rác. Thị xã quy định giờ, địa điểm lấy rác, từ 20 – 22h hàng ngày. Đúng giờ và địa điểm quy định, các nhà hàng, khách sạn, các ki ốt kinh doanh tự đưa thùng rác ra đổ trực tiếp lên xe vận chuyển rác của Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò.
Nói về chủ trương này, bà Hoàng Thị Tơ – Giám đốc Xí nghiệp vệ sinh môi trường, Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò, chia sẻ: Trước đây, rác được người dân đổ đầy ra các điểm tập kết tạm thời, “rác phải chờ xe”. Nay thay đổi quy trình, “xe chờ rác”. Còn ở khu vực dân cư, các phường cũng hợp đồng với công ty để tổ chức thu gom, vận chuyển rác đi xử lý.
Ở phường Nghi Thu, hiện tại, 61/61 ki ốt kinh doanh dọc bờ biển và 109/109 ki ốt kinh doanh vỉa hè đều mua thùng chứa rác theo đúng quy định. Phường cũng tổ chức tuyên truyền đến tận các hộ kinh doanh giờ và địa điểm đổ rác; gắn tuyên truyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với khu vực dân cư, phường xây dựng phương án cụ thể việc thu gom, tập kết rác. Ở mỗi khối, phường quy hoạch một điểm tập kết rác tạm thời, hàng tuần, rác thải sinh hoạt của các gia đình đều tự thu gom và lưu giữ trong khu vườn nhà mình, thứ 7 hàng tuần mới được đem đổ vào điểm tập kết rác tạm thời ở khối. Sau đó, lực lượng vệ sinh viên sẽ vận chuyển đến các ga ra (toàn phường có 4 ga ra) và hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò vận chuyển ra bãi rác Nghi Yên xử lý.
Bà Lê Thị Hoài, cán bộ địa chính – môi trường phường, cho biết: Ở các vùng giáp ranh, phường thường xuyên bố trí đội trật tự đô thị và cán bộ địa chính – môi trường giám sát, kiểm tra. Đối với các trường hợp vị phạm, kiên quyết xử lý theo Nghị định 179. Tính từ đầu năm lại nay, đã có gần 20 trường hợp không đổ rác đúng thời gian và địa điểm quy định bị xử phạt với số tiền trên 20 triệu đồng. Đây cũng là môt biện pháp tạo sự răn đe và giám sát lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.
Kinh nghiệm ở Cửa Lò về công tác bảo vệ môi trường, đó là chính quyền và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt. Hiện tại, ngoài chủ trương chung của thị xã, ở từng phường và khu dân cư đều xây dựng được hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh thông qua các nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh tự trang bị dụng cụ chứa rác thải đúng quy chuẩn giữ vệ sinh môi trường; từng hộ dân trong khu dân cư, hàng tháng cũng đã đóng góp bình quân mỗi nhân khẩu 4.000 – 5.000 đồng làm quỹ phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Mô hình và cách làm của thị xã đáng để các địa phương khác học tập và áp dụng.
Song song với công tác thu gom rác thải, trong mấy năm gần đây, thị xã Cửa Lò cũng đã chú trọng trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ tốt hơn 30.000 m2 thảm cỏ, hoa và hệ thống cây xanh trong khu lâm viên, các trục đường nội thị. Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thị xã do Chính phủ Bỉ tài trợ đã, đang được triển khai, trong đó có một số hệ thống cống thoát nước chính đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Và khi dự án này hoàn thành, đưa vào vận hành thì sẽ giải quyết hoàn toàn nước thải trên địa bàn thị xã.
Mai Hoa