Cùng với việc chọn người “đầu tàu” đủ tầm, thì cần phải có hệ giá trị có tính định tính, định lượng rõ ràng trong đánh giá thế nào là con người văn hóa…
Trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII, về nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới nhấn mạnh nội dung, xây dựng nền văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Theo nhiều chuyên gia, việc dự thảo nhấn mạnh vấn đề văn hóa, trong đó vấn đề con người đặt lên hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn cả về phương diện lý luận, cả về thực tiễn. Tuy nhiên, cần có các giải pháp thiết thực, cụ thể để tổ chức thực hiện và xác định rõ vai trò của các cơ quan, tổ chức, thậm chí là các cá nhân có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, con người.
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, nguyên trưởng phòng nghiên cứu con người và văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, việc Dự thảo báo cáo đề cập đến vấn đề xây dựng văn hóa và phát triển con người chưa hợp lý.
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc nhận định, việc xây dựng văn hóa và kinh tế là 2 trụ cột quan trọng của sự phát triển đất nước nhưng làm thế nào để xây dựng đạo đức con người trong thời điểm đạo đức xã hội đang đi xuống, mê tín dị đoan xuất hiện khá nhiều...
Trong quá trình đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt sự thay đổi về vật chất nhưng vấn đề đạo đức con người lại suy giảm. Trong đội ngũ cán bộ, từ chỗ một bộ phận suy thoái đến một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền suy thoái. Nếu để một bộ phận này cứ mãi phát triển thì đất nước làm sao mà phát triển được.
“Trong Đại hội tới chúng ta cần đầu tư để phát triển con người, phát triển văn hóa vì đó là sự tồn vong của đất nước. Chúng ta tiến lên XHCN thì phải xây dựng được con người XHCN. Đây là lĩnh vực then chốt, cốt yếu nhất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống” - PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc đề nghị.
Bà Phạm Thị Tố, Phó Chủ tịch Hội An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, xây dựng con người là vấn đề then chốt trong xây dựng Đảng, đây là vấn đề then chốt trong xây dựng Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng đã nêu rất rõ “có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, làm mất lòng tin của dân…”. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là Đảng phải làm sao lấy lại được lòng tin của dân. Ngày xưa mọi người đi chiến trường với lòng nhiệt huyết không bao giờ nghĩ đến điều gì, vì có lòng tin tuyệt đối với Đảng. Dân nhìn Đảng qua những người đảng viên, nếu có nhiều đảng viên tham nhũng thì làm sao có được lòng tin với dân” - Bà Phạm Thị Tố trăn trở.
Bà Nguyễn Thị Cúc, ủy viên Ban Chấp hành Hội nữ trí thức Việt Nam, ủy viên Thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cũng lo ngại bởi hiện nay trong xã hội, đạo đức đang diễn ra theo chiều hướng khá lo ngại. Học sinh thì nói bậy chửi tục, đánh nhau ngay trong trường học, gia đình, làng xóm đánh chửi nhau… Ngoài đường thấy người gặp nạn thì mọi người bỏ đi hết hoặc đi qua như không phải việc của mình, không có ai dừng lại để giúp người gặp nạn…
Xây dựng con người văn hóa, cách nào?
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, về phát triển văn hóa và xây dựng con người, không thể nói chung chung được. Phải xây dựng thế nào là con người hạnh phúc, thế nào là người tốt… Dự thảo cần phải nói rõ là “chú trọng xây dựng con người có văn hóa”.
“Làm người, điều đầu tiên phải được học hành và có văn hóa. Con người có văn hóa là phải có trách nhiệm với bản thân mình, gia đình mình và trách nhiệm với xã hội. Văn kiện nói rất nhiều về văn hóa, nhưng phải có tiêu chí cụ thể và phải nhấn mạnh trước tiên phải xây dựng con người có văn hóa. Trong quá trình phát triển tiếp theo mới là tri thức” - bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Theo bà Phạm Thị Tố, văn kiện cũng cần chỉ rõ xây dựng lối sống con người Việt Nam, một trong những yếu tố có tính dẫn dắt hành động, nhận thức là các tác phẩm nghệ thuật. “Hành động chỉ đúng khi nhận thức đúng. Cần có người có năng lực, tầm nhìn trong xã hội định hướng việc này. Cần có cách nhìn đúng và xây dựng cách làm đúng. Ngày xưa, chỉ nghe thư chúc Tết của Bác thì mọi người đều hiểu được hết nhân tình thế thái như thế nào và thấy mình phải làm gì và làm như thế nào. Chẳng hạn bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác “Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn"... Chỉ từng ấy câu là người ta có thể hiểu được mình phải làm gì, nó có tính cổ vũ ghê lắm... Cũng cần xem lại định hướng như thế nào mà bây giờ ngoài xã hội đụng một tí là người ta có thể hành xử thô bạo với nhau, thậm chí đâm nhau, chém nhau...”.
TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, Chi hội nữ trí thức trường Đại học Thương mại cho rằng, trách nhiệm giáo dục của mỗi gia đình đối với thế hệ trẻ cần được quan tâm, coi trọng hơn, không đổ lỗi những sai phạm, sa sút về đạo đức của thế hệ trẻ chỉ là do ngành giáo dục đào tạo.
“Thực tế nhà trường có giáo dục đạo đức tốt bao nhiêu đi chăng nữa nhưng bố mẹ, các thành viên trong gia đình không gương mẫu, không là tấm gương sáng, xã hội còn nhiều tệ nạn thì giáo dục đạo đức trong nhà trường không có hiệu quả, thậm chí phản giáo dục. Giáo dục con người là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng các cơ chế, quy định, bằng các chế tài rõ ràng, đầy đủ và bằng cả thiết chế pháp luật” - TS Nguyễn Thị Xuân Thảo đề nghị.
Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng: về phát triển văn hóa và xây dựng con người mới, văn kiện có nên nguyên nhân chủ yếu là các cấp chính quyền chưa quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo chưa quyết liệt, việc cụ thể hóa Nghị quyết còn chậm… Tuy nhiên, đây chỉ là một phần, nguyên nhân chính vẫn là do việc chọn người “đầu tàu” chưa đủ tầm. “Khi chọn tư lệnh một ngành, phải là người có hiểu biết về ngành, về lĩnh vực mình phụ trách. Đừng để tình trạng sắp xếp người cho đủ, người có kiến thức lĩnh vực này lại đi phụ trách lĩnh vực khác. Nguyên nhân cũng một phần do công tác tổ chức cán bộ chưa tốt”./.
Theo VOV.VN