(Baonghean) - Bằng nhiều giải pháp đa dạng, đồng bộ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thị xã Cửa Lò có những chuyển biến tích cực; thể hiện rõ nét là tỷ lệ hộ nghèo từ 10,9% năm 2010 đã giảm xuống còn 3,9% năm 2014, dự kiến đến hết năm 2015 giảm còn 2,55%...

Phường Nghi Tân là đơn vị xếp vào diện khó khăn nhất của Thị xã Cửa Lò bởi đây là phường duy nhất của thị xã không có hoạt động du lịch. Trước thự tế đó, UBND phường đã có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo việc làm cho lao động, từng bước giảm nghèo bền vững. 
 
Qua rà soát, hầu hết các hộ nghèo trên địa bàn thiếu vốn, thiếu phương thức làm ăn nên phường tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ thuật về nông ngư nghiệp, cách thức làm dịch vụ và đào tạo nghề xuất khẩu lao động (XKLĐ). Cùng đó phối hợp với các quỹ tín dụng để các hộ vay vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn vay, đến nay, Nghi Tân có gần 1.000 người đang làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2014 có gần 200 người đi XKLĐ. Ngoài ra, Nghi Tân cũng thực hiện khá tốt xã hội hóa công tác giảm nghèo bằng huy động nội lực toàn dân. Nhận rõ thế mạnh của phường là có hệ thống 38 kho đông, 46 kho bảo quản hải sản nên phường cùng với các khối trực tiếp làm việc với các chủ kho đông để tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Nhờ đó, vào mùa vụ đánh bắt, các kho đông lạnh cũng đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Phong trào xây dựng “Quỹ vì người nghèo” theo đó cũng được các doanh nghiệp, người dân hưởng ứng nhiệt tình với số tiền hàng trăm triệu đồng cùng với gạo, hiện vật. 
 
image_2262545.jpgHệ thống kho đông của phường Nghi Tân tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ.
 
Với những giải pháp đồng bộ đó, giai đoạn 2010 - 2015, Nghi Tân đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18% xuống còn 6,4%. Đồng chí Võ Minh Vỹ, Chủ tịch UBND phường Nghi Tân cho biết: “Chúng tôi coi trọng đẩy mạnh phát triển những ngành nghề mà xã có lợi thế như dịch vụ hậu cần nghề cá, đẩy mạnh XKLĐ và đặc biệt là khôi phục lại nghề đánh bắt hải sản truyền thống. Phấn đấu đến năm 2020 hộ nghèo còn dưới 3%”.   
 
Từ một địa phương gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, phường Nghi Hải cũng đã có những đổi thay vượt bậc nhờ đẩy mạnh công tác XKLĐ. Hiện nay, tổng số lao động của phường đang làm việc tại nước ngoài là 1.150 người. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về hàng năm ước đạt 150 tỷ đồng. Đồng chí Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Tân cho biết: Xác định XKLĐ là một giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, năm 2013, toàn phường đưa được 157 người, năm 2014 phường có 185 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ phong trào XKLĐ, đến nay, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn đã có bước phát triển tích cực, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,8%, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm 75%, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 36 triệu đồng người.
 
Nhiều hộ có con em đi XKLĐ và nhiều lao động sau khi trở về nước đã phát huy nguồn vốn, tích lũy đầu tư mua sắm tàu thuyền, ngư cụ, mở các dịch vụ buôn bán, nhà hàng, khách sạn, mua sắm tiện nghi, xây nhà cao tầng... Điển hình như anh Nguyễn Quang Hiền, chủ doanh nghiệp Hiền Linh ở khối Hải Giang 1 với mô hình kho đông nhập xuất cá đông lạnh đi các nước;  mô hình buôn bán vật liệu xây dựng của anh Nguyễn Văn Thắng - khối Hải Thanh... Từ năm 2011 - 2014, Thị xã đã đưa 2.676 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay toàn Thị xã có tổng số 3.533 lao động đang làm việc ở nước ngoài với tổng thu nhập hàng tháng hơn 25 tỷ đồng. 
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò rất quan trọng kích cầu trong công tác này. Giai đoạn 2011 – 2014, có 770 lượt hộ nghèo được vay với số tiền 22.900 triệu đồng; trong 2 năm 2013-2014 có 1.025 hộ cận nghèo được vay vốn với số dư nợ 30.600 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã cấp cho 25 dự án giải quyết việc làm, có 120 lao động thuộc diện chính sách được vay vốn đi XKLĐ với số tiền 3.510 triệu đồng. Đồng chí Lê Quang Trung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thị xã Cửa Lò cho biết: “Để sử dụng, quản lý nguồn vốn chính sách có hiệu quả hơn và đặc biệt tăng cường trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức hội nhận ủy thác, chúng tôi đã tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy ban hành chỉ thị về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã”, theo đó, thời gian tới nguồn vốn chính sách sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác giảm nghèo trên địa bàn”. 
 
Ngoài nguồn lực về vốn tín dụng, công tác tập huấn kỹ thuật khuyến nông, ngư, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo cũng được tăng cường. Hội nông dân cung ứng dịch vụ phân bón trả chậm cho nông dân, vận động mỗi hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi và mỗi chi hội nhận giúp đỡ 1-2 hộ nghèo; Hội CCB tiết kiệm được gần 3.000 triệu đồng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hay Hội Phụ nữ ngoài duy trì hoạt động của 271 tổ nhóm tiết kiệm thì còn cho hội viên vay cây giống, giúp nhau ngày công cải tạo lại vườn, chuồng... 
 
Đồng chí Hoàng Thị Mỹ Dung, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thị xã Cửa Lò cho biết: “Nhiệm kỳ tới, mục tiêu của thị xã, mỗi năm giảm được từ 0,3-0,4% hộ nghèo. Bên cạnh những giải pháp đã thực hiện, tới đây, phòng tiếp tục tham mưu để Thị ủy, UBND thị xã chỉ đạo có hiệu quả các giải pháp về giảm nghèo. Trong đó, gắn giảm nghèo với dạy nghề và giải quyết việc làm, nâng cao trình độ và kiến thức cho người nghèo để họ nâng cao năng lực, tự vươn lên thoát nghèo... 
 
Hồng Sơn