(Baonghean) - Chiến tranh đã lùi xa, tưởng chừng như mọi nỗi đau, mất mát sẽ nguôi ngoai theo thời gian, nhưng vẫn còn rất nhiều người hàng ngày phải đối diện với một nỗi đau khác, dai dẳng và dằn vặt do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm chất độc da cam vào hàng lớn nhất cả nước; những năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm xoa dịu nỗi đau ấy. 
 
Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh của cả nước (cùng với Thái Bình và Bắc Giang) có số lượng người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin lớn nhất cả nước với gần 40 nghìn người. Trong số này, mới chỉ có hơn 16.570 người đang được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định của Nhà nước. Những nạn nhân chất độc da cam hầu hết là những cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học. Ngoài bản thân họ, con, cháu họ cũng bị ảnh hưởng bởi những bệnh di truyền, sinh ra dị dạng, dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ dẫn đến tình trạng ốm đau, bệnh tật kéo dài, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, có nhiều trường hợp ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3 đã tác động rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần. 
 
Để xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, giúp các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập từ năm 2008 đã thực sự là mái nhà chung cho những hội viên. Đến nay, đã có 21/21 huyện, thành, thị thành lập được hội cấp huyện và 403/480 xã, phường, thị trấn thành lập được hội cơ sở, tổng số hội viên là hơn 14 nghìn người. 
 
Với sự tích cực tuyên truyền, vận động của các tổ chức hội, rất nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội đã cùng chung tay quyên góp ủng hộ, hỗ trợ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Năm 2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động được trên 2,5 tỷ đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ cho nạn nhân vốn làm ăn, xây nhà… 7 tháng đầu năm 2015, thông qua các nguồn tài trợ, Tỉnh hội và các huyện, thành, thị hội đã xây dựng được 15 căn nhà cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 480 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất cho 45 gia đình nạn nhân với tổng số tiền 590 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất cho 66 gia đình nạn nhân chất độc da cam với số tiền 660 triệu đồng; trao 45 suất học bổng cho con em gia đình nạn nhân với tổng số tiền 90 triệu đồng; tặng 1.051 suất quà...
 
Đây là những hành động thiết thực, góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân, giúp họ vươn lên khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Ngoài sự hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân của Trung ương Hội và của tỉnh, các hội cấp huyện, xã đã đề xuất lãnh đạo, chính quyền cấp mình trích quỹ của hội, ngân sách địa phương vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ, tặng quà cho nạn nhân trong dịp lễ, tết với tổng số tiền 599.600.000 đồng. Tiêu biểu như các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thành phố Vinh, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương... Đặc biệt, ở Thành phố Vinh, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc,  Thành hội đã tổ chức đợt thi đua cao điểm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với số tiền 70 triệu đồng để xây dựng 1 nhà tình nghĩa, tặng 10 máy thái thức ăn gia súc, 1 xe bán hàng lưu động, 1 bồn nước, 3 suất học bổng, 4 suất vốn sản xuất...
 
Từ sự quan tâm của xã hội, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn đang cố gắng vươn lên, vượt qua đói nghèo, mặc cảm bệnh tật, vững tin vào cuộc sống, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Đức (SN 1954) ở xóm 9, xã Diễn Lợi (Diễn Châu), đi bộ đội năm 1971 vào chiến trường Tây Nguyên, xuất ngũ năm 1976, di chứng chất độc da cam khiến ông Đức bị khoèo chân, tay, người con trai duy nhất của ông cũng bị dị dạng.
 
Nhờ sự hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, 3 năm qua, ông đã phát triển được một trang trại chăn nuôi với vài trăm con gà và hàng chục con gia súc các loại, trở thành một hộ khá ở địa phương. Hay trường hợp cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh (SN 1953) ở xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên), phải nuôi 3 người con bại liệt toàn thân nhưng đã nỗ lực phát triển xưởng mộc gia đình, giải quyết việc làm cho 4-5 lao động địa phương. Đó còn là chị Đậu Thị Nga (SN 1983) ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), bị liệt 2 chân và tay trái, vẹo cột sống do di chứng chất độc da cam từ người bố là một cựu chiến binh nhưng đã vươn lên bằng nghề thêu tranh giấy, mỗi tháng cho thu nhập hơn 2 triệu đồng…
 
Bên cạnh những niềm vui từ sự sẻ chia quan tâm của cộng đồng, vẫn còn nhiều đối tượng đang bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc được công nhận để hưởng chế độ, chính sách. Những chính sách phù hợp, công nhận đúng đối tượng sẽ là niềm an ủi, động viên đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và là trách nhiệm của xã hội đối với những người hy sinh cả tuổi thanh xuân, máu xương của mình vì nền độc lập của nước nhà. 54 năm kể từ ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam (10/8/1961), ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” là dịp để kêu gọi toàn xã hội chung tay vì cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ giúp cho họ vơi bớt nỗi đau, có thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống.
 
 
Minh Quân