Theo GS Thuyết tại buổi họp báo công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vào chiều 19/1, khoảng tháng 4/2018, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành được Chương trình GDPT mới. Về hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, từ nay đến năm 2020 được giữ ổn định như hiện nay.
Đến năm 2020, sau khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới trở đi, việc thi cử sẽ có sự thay đổi để phù hợp với chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, GS Thuyết cho biết, việc thay đổi thế nào thì không hề đơn giản. Bộ GD&ĐT đã tìm các tổ chức đo lường, nghiên cứu về vấn đề này.
“Qua đấu thầu, Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng giáo dục đã trúng thầu. Đơn vị này sẽ có nghiên cứu và báo cáo Bộ về chuẩn bị đổi mới hình thức đánh giá năng lực học sinh, trong đó có thi tốt nghiệp THPT và sớm có báo cáo với Bộ trưởng", GS. Thuyết cho biết.
Trả lời về việc chương trình giáo dục phổ thông mới có rất nhiều thay đổi căn bản. Thí dụ môn Ngữ Văn, thay vì áp dụng chương trình học dàn trải như trước đây, sắp tới sẽ chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc. Các tác giả, tác phẩm khác sẽ được Ban soạn thảo chương trình đưa vào tự chọn. Vậy việc thi cử sẽ thay đổi ra sao?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Ngữ Văn cho biết, với chương trình mở cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo là rất cần thiết.
Tuy nhiên, điều này sẽ liên quan đến việc sẽ thay đổi thi cử. “Đúng là việc đánh giá thi cử sẽ thay đổi nhưng phải căn cứ vào chuẩn chương trình, phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt như trong chương trình chứ không căn cứ vào bất kì một SGK cụ thể nào, nhất là khi chúng ta đang chủ trương cầu một chương trình nhiều bộ SGK.
Cho nên người ra đề cần phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của lớp ấy, của cấp ấy để ra đề. Chẳng hạn môn Văn của tôi có nhiều tác phẩm tự chọn. Nhiều giáo viên có thể thấy tác phẩm này hay, đáp ứng được chương trình thì đưa vào dạy. Nhưng khi kiểm tra, người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn các văn bản mà các em không được học trong SGK.
Như thế hoàn toàn đo được năng lực vận dụng của các em. Và việc đánh giá là đánh giá năng lực thực hành nên không có gì phải lo về việc thi cử”, PGS Thống nói.
Chưa khởi động viết SGK
Hiện chỉ còn 2 năm nữa sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều người băn khoăn, liệu có thể hình dung được thiết kế của bộ SGK ra sao? bao giờ sẽ biên soạn xong bộ sách? GS Thuyết cho hay, hiện chưa ban hành chương trình nên chưa khởi động viết SGK được.
Bao giờ chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, sẽ tuyển chọn người viết SGK.
Cũng theo GS Thuyết, theo Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình SGK của Quốc hội, sẽ có nhiều tổ chức cá nhân có thể biên soạn SGK theo ý tưởng của họ sao cho hiệu quả.
Đặc biệt quy định hiện hành, SGK không phải là pháp lệnh mà đó là tài liệu chính để học ở cấp phổ thông. Do đó giáo viên có thể vận dụng linh hoạt trong giảng dạy.
Về việc giảm tải trong khi triển khai thực hiện chương trình mới, theo GS Thuyết, có rất nhiều cách như: bớt các bài tập lắt léo hoặc các kiến thức khó không cần thiết.
“Tuy nhiên, việc bớt không phải thực hiện một cách cơ học mà một số môn có thể bớt theo kiểu tổ chức lại. Chẳng hạn môn Lịch sử, không dạy theo kiểu đồng tâm mà tổ chức lại bằng cách dạy theo câu chuyện kí ức lịch sử (ở cấp 1), dạy theo thông sử (cấp THCS), dạy theo chủ đề (ở cấp THPT), hoặc dạy tích hợp, ...
Hoặc có cách nữa để giảm tải là thay đổi phương pháp, cho học sinh hoạt động nhiều hơn...”, GS Thuyết khẳng định.