Tại họp báo thông tin về dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới do Bộ GDĐT tổ chức, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT - nhận định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học quá tải như chương trình, sách giáo khoa (SGK) và phương pháp giảng dạy.

dsc_06508453361_2112018.jpgGS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT trả lời tại họp báo. Ảnh: HN
Theo đó, về việc giảm tải trong khi triển khai thực hiện chương trình mới có rất nhiều cách như: Cắt bớt các bài tập lắt léo hoặc kiến thức khó, đánh đố, phục vụ thi cử và không cần thiết với học sinh.

GS Nguyễn Minh Thuyết nêu ví dụ ở môn Toán, chương trình mới sẽ bỏ bớt những kiến thức khó và chưa thiết thực như kỹ thuật phân tích đa thức thành nhân tử, số phức… Ở môn Lịch sử, cấp tiểu học dạy dưới dạng các câu chuyện lịch sử (ký ức lịch sử). Cấp THCS dạy thông sử theo tiến trình thời gian. Cấp THPT dạy theo chủ đề.

Một cách giảm tải nữa là tổ chức lại nội dung theo cách tích hợp. Thay vì học 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, chúng ta xây dựng môn học mới là Khoa học tự nhiên. Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học - Các nguyên lý/khái niệm chung của khoa học - Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lý/khái niệm chung sẽ là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình.

Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng cần có sự thay đổi. Ví dụ trước kia, giáo viên nói từng chữ theo sách giáo khoa, nay để cho học sinh tư duy và vận động, GS Thuyết nói.

Theo dự thảo chương trình GDPT mới, cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày. Trước câu hỏi vì sao chủ trương giảm tải nhưng học sinh lại học cả ngày, theo Tổng chủ biên, đây cũng là cách thức để giảm tải chương trình. Ví dụ, cùng một khối lượng kiến thức thì dạy nhiều thời lượng hơn sẽ không gây áp lực cho học sinh.

“Sắp tới thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thì sẽ có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, việc SGK có quá tải hay không cũng là yếu tố cạnh tranh giữa các bộ sách. Chương trình chỉ yêu cầu kiến thức đến mức độ này nhưng sách lại dạy tăng kiến thức, gây nặng nề cho học sinh, đồng nghĩa việc sẽ không được lựa chọn", ông Thuyết nói.

Theo GS Thuyết, muốn SGK không quá tải thì trước hết phải tập huấn cho người viết sách. Người viết, người thẩm định SGK phải bám sát yêu cầu cần đạt trong chương trình.