(Baonghean) - Dịp nghỉ hè, gác lại nhiều dự định riêng với bạn bè và người thân, các sinh viên tình nguyện (SVTN) của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An đã có mặt ở vùng sâu khó khăn Châu Hồng (Quỳ Hợp) để dạy chữ cho những em nhỏ ở đây với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ…

Gian nan nghề gieo chữ 
 
Mờ sáng, khi bản làng Châu Hồng còn bồng bềnh trong sương mù, như thường lệ, tại nhà cộng đồng các xóm bản, những SVTN đã có mặt để chào đón các “học trò nhỏ” của mình. Phạm Đức Huy (Đội trưởng Đội SVTN) chia sẻ: “Giờ học chính thức thường là 7h30’ sáng, nhưng khoảng 6h40’ tất cả phải có mặt để chuẩn bị, chờ các em tới học”. Trong đợt tình nguyện này, cả đội có 21 bạn chia ra 7 nhóm, dạy ở 7 cụm bản khác nhau (xã có 11 bản, nhiều bản ít học trò nên gom lại) bao gồm: bản Ngọc, Na Noong, Poong, Phẩy, Muộng, Chảo và bản Hi.
images1016667__nh_2.jpgSinh viên tình nguyện Phạm Thị Nhung dạy các em đánh vần.
 
Ngày đầu lên với ngàn xanh, xe bám đèo dốc như thuyền lên thác xuống ghềnh, xóc bã cả người. Vào trung tâm xã rồi, phải đi bộ vào các bản vừa xa, gặp nhiều dốc cao mệt quá không đi nổi, nhiều bạn đành chờ xin đi nhờ xe máy. Các SVTN lên với vùng sâu này đều là những thầy, cô giáo tương lai, hiểu rõ việc học chữ là quyền lợi và nhu cầu chính đáng của các em nhỏ. Cái “vòng quay” nghèo khó, đường sá lắm khe, nhiều suối, đèo dốc hiểm trở, khiến nhiều em nhỏ đành chịu xa vời giấc mơ cắp sách tới lớp. “Lên đây rồi, mới hiểu và thương các em nhỏ vùng cao đến se sắt. Là SVTN, nhiều bạn có hoàn cảnh riêng còn khó khăn, nhưng mọi người nhanh chóng thống nhất hành động. Đầu tiên, bọn mình tổ chức góp tiền mua sách vở cho các em, rồi chia nhau đi vận động; Rất may là bà con dân bản đều hiểu con em có cái chữ thì sau này sẽ có được một tương lai tốt đẹp hơn…” – Phạm Đức Huy tâm sự.
 
Hồ hởi tổ chức lớp, lên phương án dạy học cho các em nhỏ, nhưng khi bắt tay vào dạy thì mới thấm cái gian nan. Sinh viên Lê Thắm được chia về bản Ngọc băn khoăn: “Việc dạy học cho các em gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em tiếng phổ thông chưa thạo, tiếp thu bài học rất chậm. Một số em do thấy học cái chữ khó quá nên chán nản bỏ học. Một số em khác lại đi học thất thường, do phải ở nhà trông em cho bố mẹ đi nương”. Được sinh viên nhiệt tình dẫn đi gặp gỡ các em nhỏ, bản thân tôi mới thấy, những điều được nghe về thực trạng dạy và học lâu nay ở vùng sâu, vùng xa là có thực! 
 
Tôi đến bản Phẩy. Nắng xế trưa hun rũ cây cối vườn bản. Gặp gỡ thấy các bạn SVTN đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong các lớp học đơn sơ. Sinh viên Phạm Thị Nhung vén mái tóc dính bết mồ hôi bên má, nói: “Các em nhỏ ở đây vốn cha mẹ thả lỏng nên rất hiếu động, nghịch ngợm, không những chạy nhảy quậy phá, đôi khi còn nghĩ ra các trò tai quái để… dọa “thầy cô”. Có bữa, mình nói đến khản đặc cả cổ mà nhiều em vẫn không hiểu bài giảng. Có một câu thơ ngắn, học đi học lại hàng chục lần vẫn không đánh vần được! Rồi ra đề Văn, thấy có em viết được một dòng, mới bảo viết ngắn thế cô cho 1 điểm đấy. Ai ngờ, em đáp ngay là khó quá cô ơi, thôi 1 điểm cũng được, cô cho em nghỉ đi… Thế nên, tránh sao khỏi những lúc nản. Nhưng sau đó nghĩ lại, thương các em, bọn mình lại động viên nhau nỗ lực hơn”.
 
“Nếu được gọi, vẫn tiếp tục đi!”
 
Mùa hè, ở vùng sâu Quỳ Hợp thật khó chịu. Ngay cả buổi sáng sớm hay trời râm thì vẫn ngột ngạt, bức bối.  Tôi trở về trụ sở xã Châu Hồng, từ xa đã thấy các bạn SVTN đang tất bật nhóm lửa nấu cơm. Là dân tình nguyện, nên các bạn phải tự túc từ nồi niêu, xoong chảo cho đến thức ăn, thuốc men... Chia nhau ở nhà dân, nhưng nấu và ăn chung ở hội trường ủy ban xã theo nhóm. Vừa nấu nướng, các bạn vừa tíu tít kể rằng, từ hôm lên đây tới giờ chưa được ăn bữa cơm nào trọn vẹn. Thấy các bạn vất vả quá, tôi hỏi: “Trời nắng thế này mà không mua đá và nước uống cho mát?”, Huyền nói ngay: “Ở đây cái gì cũng đắt đỏ. Bình nước khoáng dưới mình có 10 nghìn đồng, lên đây giá 30 nghìn đồng.  Đá lạnh ở đây là thứ xa xỉ, đắt lắm. Chỉ hôm nào đi dạy về thật là mệt, mới cho phép vài người uống chung một chai nước ngọt với đá”. 
 
Hì hụi mãi rồi mâm cơm cũng được dọn ra, đơn giản cá khô nấu khế, bí xào tép xong đổ nước vào làm canh. Tôi đã được ăn chung một bữa cơm với các bạn SVTN đầy lạc quan, cười nói rộn rã khi kể cho nhau nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh trên lớp học, hay khoe nhau những món quà bình dị của học trò tặng “thầy, cô”. 
 
Đa số các bạn SVTN của Trường Cao đẳng Sư phạn Nghệ An lên ở Châu Hồng khi được hỏi đi tình nguyện vất vả, khổ cực như thế thì năm sau có đi nữa không, họ đều trả lời: “Nếu được vẫn tiếp tục đi!”. Nguyễn Văn Tuất, dạy chữ ở bản Poong, nhanh nhảu: “Vất vả nhưng vui và cảm thấy mình đang sống thêm phần ý nghĩa. Dù chưa là thầy, cô giáo thực sự, nhưng đi dạy, nghe các em gọi “thầy ơi, cô ơi” mà thêm yêu sự ngây thơ của các em, để mình tâm huyết hơn”. Sinh viên Ngân kể: “Có nhiều em nhỏ rất dễ thương,  muốn mời cô đến thăm nhà, nên lấy cớ mời đến hái mít về ăn!”. Các em còn hát những bài hát hay tặng thầy, cô. Ngoài một số em nhỏ chưa chịu học, nhiều em do không có điều kiện đi học nên khi biết có các “thầy cô” SVTN đến dạy chữ thì rất hứng thú, sáng nào cũng thức dậy sớm để đến lớp, chăm chỉ, chịu khó học bài. Đó cũng là một niềm vui tiếp sức mạnh cho những bước chân tình nguyện…
 
Một hành trình vất vả, lạ lẫm những đã có được nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi sẽ nhớ về một Châu Hồng giữa ngàn xanh đầy sương nắng, và đặc biệt là hình ảnh các em nhỏ tung tăng chơi đùa bên lớp học tình nguyện. Nhớ các bạn sinh viên đang làm ngời lên sắc áo xanh, để tiếp thêm niềm tin vào sức trẻ hôm nay. Bước chân xa rồi, vẫn văng vẳng mãi tiếng đọc ê a: “Tôi yêu truyện cổ nước tôi/ Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa/ Thương người rồi mới thương ta/ Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm...”.
 
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Mơ(SVTT)