Chiều 12/1, diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022.
Dự hội nghị ở điểm cầu chính có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH; cùng đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB &XH; cùng đại diện các sở, ban, ngành và đại diện phòng LĐ-TB&XH của 21 huyện, thành, thị.
Chi trên 35,9 nghìn tỷ đồnghỗ trợ cho lao động khó khăn
Năm qua, với nhiều biến động do đại dịch, ngành Lao động với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” và 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã nêu cao tinh thần xung kích, sáng tạo triển khai tốt tất cả các nhiệm vụ đề ra. Trong đó đã cụ thể hóa các mục tiêu về lao động, người có công và xã hội được Quốc hội giao thành 18 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể, phân công cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, ngành đã phối hợp để hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ khôi phục kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ nhân dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP toàn quốc là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Cũng trong năm qua Bộ LĐ-TB& XH đã thiết thực nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và gắn với thực thi nghiêm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Thực hiện kịp thời các giải pháp, chính sách về lao động - việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.
Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đảm bảo ai cũng có Tết ấm
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Năm 2021 là năm có nhiều biến động đặc biệt vì đại dich, tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tăng trưởng 5,59%, đó là số liệu tốt so với mặt bằng chung của cả khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, trong năm qua chúng ta đã nỗ lực và làm được những việc chưa có tiền lệ trong đảm bảo an sinh xã hôi, đặc biệt đối với các vùng có dịch bị phong tỏa, các bệnh việc nơi điều trị các bệnh nhân bị mắc Covid -19. Bên cạnh đó, tham mưu ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch và Nghị quyết 126/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 được Bộ thực hiện rất chi tiết tối ưu hóa trong triển khai, thực hiện.
Để tiếp tục thực hiện tốt các mặt công tác trong năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, đối với công tác giải quyết việc làm đào tạo nghề cần có chiến lược trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, cũng như công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Đối với công tác trẻ em, Phó Thủ tướng Chính phủ nói: “Hầu như năm nào cũng có những sự việc đau lòng, nhưng năm qua có sự cố gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân khi có trẻ em bị bạo hành đến chết. Thế nên, mạng lưới bảo vệ trẻ em cần phải được phát huy. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, trẻ em phải ở nhà lâu, sẽ rất dễ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ”.
“Để thích ứng với tình hình mới, chúng ta nhất thiết phải có các dịch vụ số để đảm bảo công tác chi trả, cũng như lưu trữ các nguồn tư liệu của ngành. Hơn nữa nhiều lĩnh vực nếu không có công nghệ số thì chúng ta không thể giám sát và thực hiện tốt được”, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị.
“Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần chúng ta phải nỗ lực và cố gắng phát huy các nguồn lực để đảm bảo tốt nhất an sinh xã hội cho người gặp khó khăn bởi đại dịch. Cố gắng để mọi người dân đều có một cái Tết thật ấm cúng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu.
Cũng tại hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH cho biết: Năm qua ngành đã cố gắng phối hợp với các bộ, ban, ngành để hoàn thành tốt các mặt công tác của mình, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch. Trong năm 2022, trong xu thế phát triển của công nghệ 4.0, ngành quyết tâm chuyển đổi số để xây dựng các trường dữ liệu nhằm thực thi tốt các nhiệm vụ công tác./.