(Baonghean) - Bà nội tôi sinh o Thúy lúc bà đã 45 tuổi. Khi bố tôi - con trai cả của gia đình lấy vợ thì o tôi còn đang lẫm chẫm. O trở thành người bạn đầu tiên và thân thiết nhất của tôi thời ấu thơ xa lắc. Khi tôi đã bắt đầu có ý thức, thì mối quan hệ giữa tôi và o bắt đầu có những “rạn nứt” nhất định mà tất cả bắt nguồn từ sự ích kỷ của tôi.
Bố tôi là thủy thủ tàu viễn dương. Ngày ấy, thủy thủ tàu viễn dương là cái mác đảm bảo cho sự khá giả, đủ đầy. Người ta luôn khen mẹ tôi - cô giáo làng tốt phước khi lấy được một anh thủy thủ tàu viễn dương. Nhưng quả thực, lớn lên tôi mới biết, nếu như người khác lúc nào cũng có chồng bên cạnh thì mẹ tôi luôn vò võ chờ chồng những chuyến lênh đênh. Ngay cả khi sinh tôi ra thì bố tôi cũng không có nhà.
Gia đình tôi sống với bà nội và các o, chú - những người chưa lập gia đình. (ông nội tôi mất khi o Thúy vừa 2 tuổi). Nghe kể lại rằng, ngày người ta đưa mẹ và đứa trẻ là tôi đỏ hỏn từ bệnh viện huyện về, o tôi vui tíu tít. O cứ đòi bồng tôi vào nhà nhưng không ai cho cả. Vì thế, o ra góc sân đứng khóc một mình. Cái sự kiện tôi có mặt trong gia đình khiến cho o mất đi “vị trí số 1”, vậy nhưng o chưa bao giờ lấy đó làm buồn phiền, ấm ức. O coi tôi như “báu vật” của gia đình và của riêng o vậy…
Lần lượt, những o, chú khác đi công tác, rồi ra ở riêng. Căn nhà còn lại bà tôi, mẹ tôi, tôi và o Thúy. O lúc nào cũng gắn với tôi như hình với bóng. O luôn cõng tôi trên lưng khi tôi nhõng nhẽo không chịu đi. O lấy các đồ chơi bố gửi về để dỗ tôi những lúc tôi hờn giận. O tìm bắt cho tôi bằng được những con ve sầu, con bọ ngựa ở trong kẽ lá trước sân nhà để làm tôi vui. Cái âm thanh quen thuộc o nựng tôi “ớ ớ…” khiến tôi lúc nào cũng cảm thấy ấm áp, cho dù đôi lúc, tôi cũng cảm thấy buồn vì o chẳng thể nói gì nhiều hơn ngoài cái âm thanh đó.
Lớn hơn lên, thì tôi đã cảm nhận được o tôi là người “khác thường”. O không biết nói, cổ o rất ngắn, mũi thì nhỏ và tẹt dí. Khi tôi bắt đầu biết giao thiệp với lũ trẻ quanh xóm là lúc o lủi thủi đứng nhìn một mình. Thỉnh thoảng, thiếu người chơi đồ hàng hay làm ngựa cưỡi thì chúng tôi mới gọi đến o. O lớn hơn lũ chúng tôi, nhưng chúng tôi lúc nào cũng bắt nạt o. Lũ trẻ thường gọi o là “Thúy câm” hoặc “Thúy ngố”… Và tôi thay bằng gọi “o Thúy”, đã có lúc gọi là “o Thúy ngố”. Chỉ đến khi bà nội nghe thấy và nói với tôi rằng: “Con nói vậy phải tội đó” thì tôi mới bớt gọi o là “Thúy ngố”. Tôi thường xòe bàn tay dài của mình để so với bàn tay ngắn cũn của o, thường vò vào mái tóc dày trình trịch của o mà cười, mà giễu. Mỗi khi đi xa một chút, tôi thường kêu mỏi chân mà bắt o cõng. O cõng tôi đến đình làng xem hội, o cõng tôi đi xem đám cưới, o cõng tôi ra cánh đồng xem người ta hò reo bắt châu chấu… Tôi ngồi trên tấm lưng rộng lớn của o, mà lắc lư.
Đến tuổi tôi đi học thì o buồn hẳn. Tôi cũng có thêm nhiều bạn nên chẳng mấy khi để ý đến o nữa. Đã có lần tôi phát cáu khi thấy o đứng đợi tôi ở ngoài cổng trường học và bị lũ bạn trêu chọc. Càng lớn lên, cái khoảng cách giữa tôi và o càng lớn dù chúng tôi vẫn sống chung dưới một mái nhà… Quãng thời gian ấy là quãng thời gian mẹ tôi cố gắng để sinh thêm em bé nhưng xem chừng khó khăn. Có một lần, mẹ tôi đã có mang đến tháng thứ 4 thì bị ngã xe trên đường đi dạy về. Hôm ấy, tôi đi học về thì thấy bà ngoại và o đang ngồi trên giường mẹ. Mẹ tôi đang khóc, còn o thì đang vỗ vỗ vào vai mẹ như dỗ dành. Có một nỗi ích kỷ nào đó len đến bên tôi. Tôi lao vào giường mẹ, đẩy o ra ngoài và ngồi xuống bên mẹ. Cái hành động lúc đó của tôi vô cùng xấu xí, nhưng có lẽ vì người lớn không có tâm trí mà chú ý nên tôi cũng chẳng biết đó là sai. Lúc sau, tôi thấy mẹ đau bụng đã nhanh nhảu ra vườn hái lá ngải cứu và thật không may tôi đã bị mảnh sành cứa đứt chân. Máu trào xối xả. Tôi khóc toáng lên và o Thúy chạy ra. O cõng tôi vào nhà, tìm cách băng chân cho tôi.
Chiều đó, mẹ tôi phải nằm viện. Em tôi không giữ được. Bà nội vào viện chăm mẹ, nhà chỉ còn tôi và o. Tôi thì đau chân. Thế là o tôi lại phải cõng tôi đi học…2 ngày hôm đó, tôi ngồi sau lưng o, dù tôi đã cao bằng o rồi. Được o cõng, nhưng không hiểu sao tôi thấy khó chịu khi xuất hiện cùng o tôi nơi sân trường, khi mọi con mắt bè bạn đổ dồn vào chúng tôi. Rời khỏi lưng o, tôi ra hiệu o nhanh về… O chỉ nhìn tôi, đôi mắt đượm vẻ buồn bã, cam chịu rồi chạy nhanh ra cổng…
Tôi sẽ trở thành một cô tiểu thư hoàn hảo trong mắt bạn bè của tôi ở trường cấp 2 nếu như không có “tỳ vết” là trong nhà có một người được gọi là “câm”, là “ngố” như o tôi. Có lần cô bạn gái thân cùng lớp, nhà ở làng bên nói với tôi: “Nhà bạn thích thật, cái gì cũng đẹp, nhưng bọn tớ không thích đến vì có o bạn ở nhà”. Thế là tôi, thay vì mở lời bênh vực o mình đã ngấm ngầm trách giận. Giá mà không có o thì tốt hơn biết bao. Giá mà bố mẹ tôi đừng có nuôi o thì tốt biết bao… Thế rồi, hôm đó, khi đi học về, tôi đã bắt gặp o tôi lấy cái váy bố mua cho tôi ở trong tủ ra mặc thử và đang đứng trước gương ngắm nghía. Một cơn giận ngùn ngụt bốc lên trong đầu tôi. Tôi lao vào o, giật mạnh chiếc váy trên người o bằng tất cả sức mạnh, gần như đã cào cấu o và hét lên: “Cháu ghét o lắm, ghét o lắm rồi…”
O tôi ú ớ, sau đó lẳng lặng bỏ ra ngoài. Khi đó, mẹ tôi đã có thêm em trai. O chạy sang buồng của mẹ và ngồi khóc. Tôi chạy theo, lôi o ra ngoài và đóng sập cửa lại: “O đừng có ở đây nữa được không”. Mẹ tôi không hiểu chuyện gì, nhưng thấy em tôi đang ngủ giật mình khóc ré, nên đã quay sang mắng tôi. Lần đầu tiên, tôi gào khóc đến không thể dỗ nổi. Mẹ cũng lần đầu tiên vớ lấy cán chổi phất trần và quất thẳng vào mông tôi. Lúc này, cái tự ái xốc nổi của đứa trẻ 14 tuổi đã khiến đầu óc tôi điên dại. Tôi chạy thẳng ra cánh đồng, đi qua những lối đầy cỏ dại mà bình thường tôi vẫn rất sợ rắn rết, tìm đến bờ sông. Tôi phải chết, để cho bà và mẹ tôi, cả o Thúy nữa phải đau khổ, hối hận. Tôi nhìn dòng sông đang chảy trước mắt mình kia, nhìn những bông lục bình ngả nghiêng, nhìn cái nắng đang nhảy nhót tạo trên mặt sông những vảy vàng óng ánh. Tôi ngồi xuống một gốc cây phi lao… Có thể vì tâm trí tôi lúc đó đã quá rã rời mệt mỏi, có thể vì hơi nước và gió từ thổi lên quá mát, có thể vì sự bình yên thốt nhiên đến bên tôi, và dưới gốc cây phi lao trưa ấy, tôi đã quên đi tất cả giận hờn. Tôi đã ngồi tựa vào đó mà hiu hiu ngủ…
Chỉ đến khi tiếng ú ớ gọi của o Thúy tôi thảng thốt vang lên khắp cánh đồng, tôi mới choàng dậy. Tôi thấy bóng nhỏ của o líu ríu băng qua những bờ ruộng mấp mô. Tôi nín lặng, nép sát hơn vào gốc cây… Sau một hồi tìm kiếm như vô vọng, o sững người nhìn thấy tôi. O chạy đến, bước chân ngắn ngủn đáng thương, cái tay vung vẩy cầm mũ và đôi dép cho tôi đầy vụng về và nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ăn năn. Cái nắng trưa ấy như vỡ òa. Tôi chẳng nói với o lời nào, cũng không đội mũ, đi dép, lầm lũi quay về… O tôi tất tả đi đằng sau, thi thoảng lại ú ớ có ý gọi tôi, nhắc tôi đi cẩn thận…
Năm tôi học lên cấp 3, bố tôi không đi tàu nữa, quyết định về mở cửa hàng buôn bán ở thành phố. Thế là gia đình tôi chuyển lên thành phố, nhà quê chỉ còn lại bà nội và o tôi. Xa quê, nhớ bà và o, nhưng rồi cuộc sống sôi động với lũ bạn thị thành cũng đã cuốn tôi đi. Mỗi lần về thăm quê, tôi thấy o tôi ngày thêm buồn. Khi tôi thi đại học bị trượt, bố mẹ gửi tôi về quê mong tôi khuây khỏa. Hôm đó, tôi mệt nên đi xe bị say. Về đến đầu ngõ, nhìn thấy tôi, o chạy ra và như một lẽ tự nhiên của ấu thơ, o ghé xuống như muốn cõng tôi vào nhà. Tôi phì cười: “O ơi, cháu cao lớn gấp đôi o kia mà”. O tôi bẽn lẽn, ú ớ như muốn thanh minh: “Nhưng thấy cháu mệt..”.
Năm sau tôi thi đậu đại học tại Hà Nội. Khi tôi học năm thứ 3 thì người nhà báo tin o tôi ốm nặng. Về thăm, tôi mới biết o bị u gan. U gan trên cơ thể một bệnh nhân down bẩm sinh. Thời gian o tôi còn sống chẳng bao lâu nữa. Tôi xin nghỉ học 1 tuần về chăm o. Rồi o tôi đi…
O nằm đó, cơ thể gầy gò. Tôi không khóc được. Nhớ lại tất cả những kỷ niệm xưa. Nhớ con đường chúng tôi đi, nhớ mớ tóc dày nặng trĩu. Nhớ cái gương mặt ngơ ngác, tội nghiệp. Nhớ cái im lặng nhẫn nại. Nhớ cái nỗi đau vò xé cơ thể o tôi.
O ơi, o ơi… Tôi gọi mãi như một người vô thức. Tôi thèm nghe lũ trẻ chỉ trỏ mà rằng: Này, cái Oanh, cháu của Thúy ngố đấy. Nhưng bây giờ tôi còn đâu nữa o ngố của tôi…???
T.V (ghi)