(Baonghean) - Đó là cuốn Tốp Lai được viết bằng chữ Thái cổ hệ Lai Tay hiện đang được bảo quản tại nhà ông Lô Bình Dương, 85 tuổi, ở Mường Khăng (nay gọi là xóm Đồng Sằng), thuộc xã vùng sâu Nghĩa Hội, huyện miền núi Nghĩa Đàn, Nghệ An.
 

762899_small_52261.jpgCuốn “Tốp Lai” tại gia đình ông Lô Bình Dương - Mường Khăng.

“Tốp Lai” là một hình thức sinh hoạt văn dân gian của đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An khá phổ biến những năm xa xưa, nay không mấy người còn biết đến, cách sử dụng gần với lối bói Kiều bằng truyện Kiều ở miền xuôi. Mỗi người chỉ được “Tốp Lai” một lần khi cầm cuốn sách “Tốp Lai” trên tay. 
 
Khác với cuốn Tốp Lai chữ Thái hệ Lai Tay được phát hiện ở bản Cố xã Châu Thái do ông Vi Văn Biến cất giữ được chép bằng tay trong một cuốn sách mỏng 24 trang, cuốn Tốp Lai tại Mường Khăng này lại được chép tay bằng bút mực trên một mặt của 24 miếng giấy dày cắt ra từ những bao bì cũ, mỗi miếng có kích cỡ bằng quân bài Tú lơ khơ. Sát mép phần trên ngay chính giữa được dùi một lỗ nhỏ để xỏ dây liên kết các miếng giấy với nhau, đánh số thứ tự từ 1 đến 24.

Ông Dương đang đọc và giải nghĩa một trang trong cuốn “Tốp Lai”. Ảnh: L.B.L
Ngoài nét khác biệt trên, cách sử dụng cuốn Tốp Lai này cũng gần như cách sử dụng cuốn Tốp Lai ở Châu Thái - Quỳ Hợp, chỉ khác là nếu ở cuốn Tốp Lai do ông Vi Văn Biến bảo quản, mỗi khi có nhu cầu, người muốn xem, sau khi thành tâm đặt vấn đề với người có sách, được chủ sách cho phép cầm lên, muốn xem về việc gì thì nghĩ trong đầu cầu cho linh ứng, sau đó đặt sách vào lòng bàn tay trái và dùng bàn tay phải vỗ nhẹ lên sách - nếu là đàn ông, với phụ nữ thì đổi tay (!?). Vỗ xong, hai mắt nhắm lại và dùng ngón tay cái của bàn tay vỗ để mở một trang ngẫu nhiên. Chủ sách căn cứ vào nội dung những câu chữ trong trang được mở để lý giải quá khứ, tương lai của người đến xem. Ở cuốn “Tốp Lai” Mường Khăng, khi có nhu cầu, người xem chỉ cần được chủ sách cho phép và cầm lên tay cuốn “Tốp Lai” được xếp gọn như bộ bài, sau khi đã thầm xin trong đầu về vấn đề cần xem, lật một miếng giấy bất kỳ. Chủ sách đọc những dòng chữ trên đó bằng một giọng ngân nga gần như hát, rồi giải nghĩa cho người xem.
 
Ông Lô Bình Dương là một trong số rất ít người còn lại ở Mường Phăng am hiểu và đọc thông, viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay. Nguồn gốc cuốn “Tốp Lai” này ông tự tay chép lại từ bản gốc có từ thời xưa của một bà Mo dân tộc Thái ở bản Đồng Be (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn) vào năm 1963. Những năm 1970 về trước, vào mùa xuân hay những ngày đầu tháng.. người dân trong Mường vẫn thường xuyên đến xin xem. Sau đó do nhiều nguyên nhân, việc xem “Tốp Lai” không còn được công khai phổ biến, không còn mấy người biết đến nữa. Tuy nhiên, ông vẫn cất giữ cẩn thận và xem như là cuốn sách cổ quý hiếm, chỉ mong có dịp được đưa ra giới thiệu về một sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Thái đang có nguy cơ mai một.
Lê Bá Liễu