Đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, trước đây, gia đình nào cũng có một tấm thổ cẩm rất đẹp, gọi là phà.

762895_small_52005.jpg
Dệt được một tấm phà không đơn giản, và không phải bất cứ ai cũng có thể dệt được. Những người phụ nữ có kinh nghiệm dệt thổ cẩm lâu năm, cần cù, nhẫn nại, khéo léo, có đầu óc thẩm mỹ... cũng phải mất ít nhất là 4 tháng miệt mài trên khung cửi mới có thể dệt xong được một tấm phà dài 5,5 sải tay của người dệt. Phà chỉ dài nhất là 5,5 sải tay của chính người dệt phà mà thôi, chiều rộng trung bình từ 45cm - 50cm. Chất liệu làm phà là sợi tơ tằm. Màu chủ đạo là màu cánh kiến, được nhuộm rất công phu. Hai đầu phà thường để dải tua, ở giữa là các khung hình cách điệu, với hình các con vật. Đường viền trang trí thường có 4 màu chủ đạo: Vàng, trắng, tím sáng và xanh đậm. Hoa văn đường viền trang trí thường là những dải màu đơn; hình con rồng dài không chân, không đầu; hình chữ X, hay là hình "tín khiệt" (chân nhái)...

Phà Thái là một loại thổ cẩm độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, nó phản ánh sự thông minh, óc thẩm mỹ tinh tế và đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ dân tộc Thái. Đáng tiếc là ngày nay, những tấm phà đang mất đi dần trong các gia đình người Thái. Đồng bào bán phà đi với nhiều lý do khác nhau, mỗi tấm phà Thái cũ có giá không dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên, để giữ lại được những tấm phà có giá trị là công việc rất khó khăn. Hiện nay, trong các bản của người Thái vẫn tiếp tục dệt phà, nhưng chất liệu vải và màu sắc không còn được như xưa nữa, chủ yếu là len màu và sợi chỉ màu hoá học, vừa thô, lại cứng, chỉ dùng để trang trí các lễ hội, hay các cuộc liên hoan vui văn nghệ, đón các danh hiệu của làng bản là chính, còn giá cả thì rất rẻ, bởi thế mà các khung cửi dệt phà cũng đang vắng bóng dần!


Thái Tâm