Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV để thờ Phật bà Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là Trí tuệ lớn làm giác ngộ thành Phật Mẫu), toạ lạc trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.

Tương truyền chùa có cách đây trên 600 năm do Vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương xây để thờ Phật bà Đại Tuệ - người đã có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp luỹ trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh xâm lược nước ta. Khi Vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 có nghỉ tại đây, đêm đến được sư bà ở chùa mách bảo đi theo đường thượng đạo (truông Băng) để hành quân ra thành Thăng Long vừa nhanh mà tránh được phục kích. Khi chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung xuống chiếu cắt 20 mẫu đất làm ruộng chùa.


762891_small_51936.jpg

Chùa nằm trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng,cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Đứng từ đây, có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng cả một vùng di tích danh thắng bao quanh. Chùa Đại Tuệ và núi Đại Huệ có thể xem như một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ xưa nay. Đây là một công trình tín ngưỡng tôn giáo, nơi sinh hoạt VH tâm linh, hướng thiện nổi tiếng của nhân dân trong vùng.

Từ xưa, chùa đã có sư trụ trì, thực hiện các nghi lễ tụng kinh, thờ Phật, cầu lộc, cầu tài, bốc thuốc, cứu dân. Nhân dân, phật tử, du khách thường xuyên đến chùa thăm viếng, tế lễ và thưởng ngoạn phong cảnh. Chùa được xây dựng bằng gỗ, về sau được xây bằng gạch. Trải qua thời gian hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử, thiên nhiên, thời tiết tác động, Chùa Đại Tuệ nay đã thành phế tích, đồ tế khí mất mát, lưu tán.

Hiện nay, dấu tích còn lại của chùa là 3 bức tượng xây bằng gạch cao 2,2m; dày 0,5m xung quanh khuôn viên có kè đá bao quanh rộng khoảng 20m, dài 30m. Phía đông chùa có một ngôi mộ được ghép bằng đá cao khoảng 1m mà nhân dân cho rằng đó là mộ Vua Cảnh Thịnh. Cách chùa 50m về phía Đông Bắc là một giếng nước được kè đá xung quanh dùng để phục vụ tế lễ. Hiện nay chỉ còn một số hiện vật lưu giữ được tại di tích như tượng Phật, đồ tế khí, sách kinh, bia đá, hồ sen...

 
Cách đây hơn 10 năm, nhân dân địa phương đã tự nguyện công đức phục hồi lại một gian nhà nhỏ trên nền chùa xưa. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cùng một số doanh nghiệp cũng đã công đức xây dựng một con đường từ chân núi lên đến di tích để thuận lợi cho nhân dân, phật tử, du khách lên thăm chùa.

Để gìn giữ và phát huy một di tích lịch sử - văn hoá có giá trị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của phật tử, nhân dân trong vùng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh sau khi xem xét đã đồng ý việc phục dựng Chùa Đại Tuệ trong thời gian sắp tới. Và đầu tháng 10/2009 vừa qua, Sở VH - TT và DL đã tổ chức hội thảo khoa học "Phục dựng Chùa Đại Tuệ" với mục đích làm rõ nguồn gốc, nội dung, kiến trúc, cảnh quan, văn hoá, hiện trạng của Chùa Đại Tuệ. Việc phục dựng lại Chùa Đại Tuệ trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thờ Phật, hướng thiện, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời tạo thêm một công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh đẹp, gắn với danh thắng núi Đại Huệ, mộ bà Hoàng Thị Loan để phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.


Thanh Hiền