(Baonghean) - Theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thể thao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, một trong những phương hướng được đặt ra là: “Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động thể dục - thể thao quần chúng, thể dục - thể thao thành tích cao; đưa Nghệ An sớm trở thành một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước”. Tuy vậy, năm 2013 vừa qua, thể thao thành tích cao của tỉnh ta vẫn chưa khởi sắc để tạo sức bật cho những năm tiếp theo.
Nhắc đến thể thao thành tích cao, trước hết phải nói đến môn bóng đá với CLB SLNA. Năm 2013 chứng kiến nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn xảy ra đối với đội bóng này. Đầu tiên là chuyện trước mùa giải mới, nhà tài trợ của đội bóng là Ngân hàng Bắc Á đã cắt giảm số tiền tài trợ từ 70 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng, khiến CLB phải rất chật vật mới giữ được chân các cầu thủ trụ cột như Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn, Hector… Nhưng sau đó, người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ lại đón nhận tin vui khi Lê Công Vinh – cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo SLNA, từng 3 lần đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam (2004, 2006 và 2007) trở lại thi đấu cho đội bóng quê hương từ CLB BĐ Hà Nội.
Ngoài ra, SLNA còn tuyển được 2 gương mặt ngoại binh xuất sắc là Kavin và Plaza. Với sự bổ sung đầy chất lượng đó, SLNA đã chơi thăng hoa trong giai đoạn đầu mùa giải mà đỉnh cao là chuỗi 7 trận bất bại, trong đó có 6 trận thắng và tràn trề hy vọng vô địch. Nhưng rồi với những khó khăn về lực lượng, đáng chú ý là việc Lê Công Vinh bất ngờ ký hợp đồng thi đấu với một CLB của Nhật Bản khi mùa giải bước vào giai đoạn nước rút, hay việc Xi măng Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, khiến SLNA không giữ vững được thành tích của mình và kết thúc mùa giải với vị trí thứ 4. Tuy kết quả này rất đáng thất vọng nhưng điểm tích cực là ở mùa giải này, SLNA đã giới thiệu cho bóng đá nước nhà nhiều cầu thủ trẻ có triển vọng như Trần Nguyên Mạnh, Phạm Mạnh Hùng, Trần Đình Hoàng, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Huy Hùng… Đây cũng là những gương mặt được gọi vào đội tuyển U23 quốc gia tham dự SEA Games 27. Tuy nhiên, trong một tập thể non nớt về chuyên môn, các tuyển thủ trên đều thi đấu nhạt nhòa, môn bóng đá nam đã thất bại tại SEA Games 27, khép lại một năm ảm đạm của bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá xứ Nghệ nói riêng.
Ngoài bóng đá, thể thao Nghệ An còn có 18 môn thành tích cao khác do Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh quản lý. Đó là điền kinh, cử tạ, cầu mây, đá cầu, bi sắt, cờ vua, bơi lội, lặn, bóng chuyền và các môn võ (taekwondo, wushu, boxing, võ cổ truyền, karatedo, pencak silat, kickboxing, vovinam và vật). Trong năm 2013, các VĐV thể thao thành tích cao đã giành được 313 huy chương các loại, trong đó có 70 HCV, 910 HCB, 151 HCĐ. Nhiều tấm huy chương đạt được đã mang lại vinh quang, danh dự cho xứ Nghệ, thể hiện sự nỗ lực, tinh thần vì màu cờ sắc áo quê hương, không ngại khó, ngại khổ của các VĐV, HLV và Ban lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT Nghệ An. Có những tấm huy chương được đánh đổi bằng cả mồ hôi, máu và nước mắt của những VĐV trên đấu trường nghiệt ngã, cam go, tiêu biểu như tấm HCV Giải vô địch thế giới đá cầu của VĐV Nguyễn Thị Thanh, HCB Giải vô địch wushu thế giới của VĐV Nguyễn Văn Tài hay HCB SEA Games môn cầu mây của VĐV Nguyễn Thị Quyên…
VĐV Vi Văn Mạnh (phải) thi đấu tại Giải Vô địch Wushu toàn quốc năm 2013.
Cũng trong năm 2013, các giải đấu cờ vua trẻ, vô địch bi sắt, vô địch kich - boxing, vô địch vật dân tộc toàn quốc cũng đã được Nghệ An đăng cai tổ chức thành công, tạo khí thế cho việc tập luyện của đội ngũ HLV, VĐV các môn này. Năm 2013 cũng chứng kiến sự tiến bộ của nhiều môn thể thao của Nghệ An như cờ vua (giành 5 HCV tại các giải trẻ), đá cầu (1 HCV thế giới, 2 HCV vô địch quốc gia), cử tạ (3 HCV vô địch quốc gia, 2 HCV vô địch trẻ quốc gia), pencak silat (1 HCV vô địch quốc gia, 4 HCV vô địch trẻ quốc gia)…
Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan, năm qua, thể thao thành tích cao của Nghệ An không khởi sắc như mong đợi. Trong số 313 huy chương các loại, có đến 159 tấm huy chương (hơn 50%) là từ các giải cúp CLB, các giải lứa tuổi, giải khu vực… những giải đấu có tính cạnh tranh không cao và chất lượng chuyên môn thấp. Ngoài ra, có một số môn có dấu hiệu chững lại, thậm chí thành tích đi xuống như karatedo, taekwondo, vật…. Một số môn tỏ ra đầu tư thiếu hiệu quả khi không giành được một tấm huy chương nào tại các giải đấu chính thức, mà tiêu biểu là môn bóng chuyền. Năm nay, đội bóng chuyền nữ Nghệ An kết thúc mùa giải với vị trí thứ 7 ở giải A1 toàn quốc, tụt xuống 1 bậc so với năm 2012. Nguyên nhân dẫn đến thành tích yếu kém này là do việc đào tạo các VĐV kế cận quá kém và sự khó khăn về kinh phí do không kêu gọi được xã hội hóa như nhiều địa phương khác. Thế nên, giới chuyên môn cho rằng, trong thời gian tới bóng chuyền Nghệ An sẽ còn “gắn bó” với hạng A1 nhiều năm nữa. Không chỉ có bóng chuyền nữ, hiện nay có rất nhiều đội tuyển thể thao của Nghệ An có dấu hiệu khó đoạt được thành tích thi đấu tốt cho dù đã nỗ lực hết mình như bơi lội, lặn.
Lý giải cho thành tích không được như mong đợi của một số môn thể thao thành tích cao, ông Nguyễn Như Tam – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh cho rằng: “Năm nay, nhiều vận động viên trọng điểm, từng giành nhiều HCV trong các năm trước đã xuống phong độ hoặc phải nghỉ thi đấu một số giải do tuổi tác và chấn thương như Nguyễn Thị Đường (taekwondo), Trương Văn Mão (pencaksilat), Đoàn Xuân Luyện (vật), Nguyễn Văn Tài (wushu)…
Bên cạnh đó, ở tất cả các môn, công tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của chúng tôi trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn vì nhiều nguyên nhân, dẫn đến thiếu VĐV bổ sung cho đội tuyển tỉnh. Ngoài ra, dù năm nay tiền ăn hàng ngày của VĐV đã được tăng lên nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác đào tạo và huấn luyện, chế độ chính sách cho HLV… vẫn chưa được cải thiện. Tuy quản lý đến 18 môn (16 môn chính thức, 2 môn thử nghiệm) nhưng toàn bộ cơ sở vật chất đáng chú ý nhất của Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh chỉ là một nhà tập khung sắt chuyên dụng cho các môn võ và một bể bơi 50m có 9 làn. Gần 2/3 số môn phải tập nhờ ở Trung tâm Thi đấu và Dịch vụ thể thao tỉnh và các phòng chức năng ở SVĐ Vinh của CLB SLNA hoặc tập ở ngoài trời. Đó là chưa kể tới trang thiết bị tập luyện cho từng bộ môn còn rất thiếu thốn và năm qua hầu như không được bổ sung đáng kể”.
Một trong những mục tiêu của thể thao thành tích cao của Nghệ An trong năm 2014 chính là thi đấu thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 diễn ra vào tháng 5. Chính vì vậy, các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh đang nỗ lực rất nhiều để thi đấu tốt ở Đại hội này. Dựa trên những kết quả về thành tích cũng như công tác đào tạo trong năm 2013 và những năm qua, các nhà quản lý thể thao sẽ có được những nhìn nhận khách quan hơn về tiềm năng, thực lực của từng môn thể thao thành tích cao, từ đó đề ra những chính sách phát triển phù hợp để đưa thể thao tỉnh nhà vươn xa hơn.
Minh Quân