Khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran
Trong một động thái ngoại giao quan trọng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đồng ý với các quốc gia châu Âu, sẵn sàng ngồi lại đàm phán với Iran, nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
“Mỹ chấp nhận lời mời từ đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) tham dự cuộc họp của P5+1 và Iran để thảo luận giải pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Iran”.
Đây được xem là động thái nhằm tạo nền tảng ngoại giao cuối cùng với hy vọng phá vỡ sự bế tắc giữa Washington và Tehran, khi cả hai trước đó đều khẳng định 1 trong 2 bên phải hành động trước. Giới chức Mỹ đã cẩn thận nhấn mạnh rằng, họ sẵn sàng ngồi lại với các đối tác và Iran không phải một sự nhượng bộ hay thậm chí là sự khởi đầu của các cuộc đàm phán hạt nhân. Thay vào đó, chỉ đơn giản là bước ngoặt ngoại giao đầu tiên để tìm ra cách bắt đầu thảo luận các vấn đề cốt lõi. “Cho đến khi chúng tôi ngồi xuống và nói chuyện, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Điều đó không có nghĩa là khi chúng tôi ngồi xuống nói chuyện thì đạt được thành công. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, nếu không thực hiện điều đó thì tình hình còn tệ hơn. Đây là một bước đi có ý nghĩa, song chúng tôi nhận ra đó chỉ là một trong số rất nhiều việc sẽ phải được thực hiện từ mọi phía” - một quan chức cao cấp ngoại giao Mỹ cho hay.
Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã rút khỏi ra khỏi JCPOA vào năm 2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt leo thang đối với Iran. Đáp trả lại, Iran dần dần từ bỏ các ràng buộc của JCPOA đối với việc làm giàu uranium và các hoạt động hạt nhân khác. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, cả Mỹ và Iran đã đưa ra tín hiệu sẵn sàng để tham gia lại thỏa thuận, nhưng khác nhau ở chỗ ai sẽ thực hiện động thái đầu tiên.
Các lời mời đàm phán được công bố vào thời điểm căng thẳng ngày càng gia tăng, khi Iran tăng cường sử dụng các máy ly tâm tiên tiến, bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ uranium (kim loại thiết yếu để chế tạo đầu đạn) và đe dọa trục xuất các quan sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế vào tuần tới.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Iran có chấp nhận lời đề nghị đàm phán hay không bởi Tehran cho rằng, Mỹ là nước vi phạm trước các điều khoản của thỏa thuận và sẽ chỉ hành động sau khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cũng như cho phép nước này bán dầu và tiến hành các hoạt động ngân hàng trên khắp thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran nếu quốc gia này quay trở lại tuân thủ các giới hạn rõ ràng về sản xuất hạt nhân mà nước này đã tuân thủ cho đến năm 2019.
Ngoài bước đi trên, Mỹ cũng tuyên bố nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động đi lại của các nhà ngoại giao Iran tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, vốn được áp đặt dưới thời chính quyền Donald Trump.
Các quan chức Mỹ cho biết, thời gian và địa điểm của các cuộc đàm phán sẽ tùy thuộc và các nước chủ nhà EU, đồng thời cảnh báo rằng chúng khó có thể dẫn đến một bước đột phá nhanh chóng, bởi “Mỹ sẽ không giải quyết vấn đề bằng cách giả định rằng chỉ một bên tự thực hiện các bước”. Do đó, sẽ mất một thời gian để cả Mỹ và Iran đồng ý về điều mà họ định nghĩa là “tuân thủ”.
Diễn biến bất ngờ
Hai nhóm nhà khoa học của WHO và Trung Quốc dẫn đầu sứ mệnh truy tìm nguồn gốc đại dịch, đã đồng ý theo đuổi một số ý tưởng mà Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy như khả năng virus được vận chuyển theo đường thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của WHO đã thất vọng trước việc Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu thô về 174 ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ cung cấp một bản tóm tắt thông tin ca bệnh.
Chuyên gia trong nhóm WHO cho biết, việc tiếp cận dữ liệu thô là đặc biệt quan trọng, bởi nó là chìa khóa để giúp xác định cách thức, thời điểm và những địa điểm nào là nơi bùng phát dịch đầu tiên. WHO đã bác bỏ khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mặc dù chuyến điều tra đã kết thúc, song các nhà khoa học thừa nhận rằng, có quá ít thông tin để trả lời câu hỏi quan trọng.
Tiến sỹ Peter Daszak, thành viên của nhóm WHO tiết lộ rằng, cuộc điều tra đã cung cấp một số manh mối mới bất ngờ, mà tất cả các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đều đồng ý rằng, việc điều tra về virus sẽ không tiếp tục ở Vũ Hán nữa, mà chuyển sang khu vực Đông Nam Á, bởi virus có nguồn gốc từ động vật ở đây.
Trong bối cảnh Trung Quốc không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu thô về sự bùng phát đại dịch, một “hiệp ước đại dịch” toàn cầu đã được đề xuất nhằm đảm bảo tính minh bạch hơn về các đại dịch trong tương lai. Anh là một trong số các quốc gia thúc đẩy sự ra đời hiệp ước này. Anh hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), và đã sẽ tận dụng hội nghị trực tuyến của G7 để đẩy mạnh hợp tác ứng phó với Covid-19, xây dựng kế hoạch phục hồi hậu đại dịch.
Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi một cách tiếp cận toàn cầu mới đối với Covid-19 để rút ra bài học từ những phản ứng đặc trưng ban đầu của quốc tế đối với đại dịch. Theo đó, Anh cùng các nhà lãnh đạo G7 cam kết thực hiện kế hoạch 5 điểm bao gồm; mạng lưới các trung tâm nghiên cứu bệnh động vật trên toàn thế giới, phát triển năng lực sản xuất thuốc điều trị và vaccine toàn cầu, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm đại dịch toàn cầu, cải thiện việc chia sẻ thông tin minh bạch, có trách nhiệm trên toàn cầu về tình trạng y tế khẩn cấp trong tương lai, và giảm các rào cản thương mại.
Trong khi các nhà khoa học cố gắng đi ngược thời gian tìm hiểu về nguồn gốc dịch Covid-19, thì hiện virus vẫn tiếp tục biến đổi. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh của Anh thông tin về một biến thể mới có tên E-484K có chứa các đột biến có thể kháng lại một phần các loại vaccine hiện có. Tuy nhiên, tin vui là các nhà khoa học cho rằng, nhà sản xuất có thể bào chế ra vaccine mới để chống lại biến thể này.