Mở ra hy vọng
Theo hãng thông tấn AP, trong thông cáo đưa ra hôm 15/2, WHO cho biết, cơ quan này đã phê duyệt các loại vắc-xin do Viện Huyết thanh Ấn Độ và AstraZeneca-SKBio của Hàn Quốc sản xuất. Như vậy, sau vắc-xin của Pfizer-BioNTech hồi tháng 12 năm ngoái, thì đây là lần thứ hai cơ quan phụ trách vấn đề y tế của Liên hợp quốc cấp phép cho các vắc-xin ngừa Covid-19 khác. Tín hiệu “đèn xanh” được bật lên cho vắc-xin AstraZeneca cũng đồng nghĩa với việc kích hoạt phân phối hàng trăm triệu liều thuốc tới các nước đã đăng ký tham gia sáng kiến COVAX của Liên hợp quốc, nhằm mục đích đưa vắc-xin đến tay những người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh trên toàn cầu.
Tiến sỹ Mariângela Simão, trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách tiếp cận thuốc men và các sản phẩm sức khỏe cho biết: “Các nước vốn đến nay chưa tiếp cận được vắc-xin rốt cuộc sẽ có thể khởi động tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhóm dân cư có nguy cơ mắc bệnh cao”.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu đến nay, Covid-19 đã “làm mưa làm gió” khắp nơi, khiến hơn 109 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm bệnh và ít nhất 2,4 triệu trong số đó đã thiệt mạng. Nhưng, vẫn còn nhiều nước chưa thể bắt đầu các chương trình chủng ngừa, và thậm chí ngay cả các nước giàu hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin dù các hãng đều đang chạy đua tăng sản lượng sản xuất.
Trở lại với AstraZeneca - vắc-xin của hãng này hiện đã được cấp phép tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có các nước như Anh, Ấn Độ, Argentina và Mexico. So với vắc-xin của Pfizer-BioNTech, vắc-xin AstraZeneca có “ưu thế” là giá thành hợp lý hơn. Đó là chưa kể việc bảo quản vắc-xin AstraZeneca cũng đơn giản hơn, không yêu cầu lưu trữ ở điều kiện lạnh sâu như vắc-xin Pfizer-BioNTech, “làm khó” công nghệ bảo quản ở nhiều nước đang phát triển. Dù vậy, “điểm chung” của 2 loại vắc-xin này là mỗi đối tượng cần được tiêm chủng đủ 2 liều, cách nhau vài tuần lễ thì mới đảm bảo phát huy tác dụng.
Hồi tuần trước, các chuyên gia vắc-xin của WHO đã khuyến nghị sử dụng vắc-xin AstraZeneca cho những người từ đủ 18 tuổi, kể cả tại những nước đã phát hiện các biến thể của Covid-19. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Phi lại khuyến cáo rằng, các quốc gia phát hiện biến chủng virus được tìm thấy đầu tiên tại Nam Phi nên “thận trọng” khi sử dụng vắc-xin AstraZeneca, thay vào đó nên ưu tiêm các loại vắc-xin khác.
Trên thực tế, vắc-xin AstraZeneca chiếm phần lớn trữ lượng của COVAX và lo ngại xuất hiện gần đây sau khi có nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng, vắc-xin này có thể không ngăn ngừa được bệnh mức độ nhẹ và trung bình do biến thể Nam Phi gây ra. Hồi tuần trước, Nam Phi đã thu hẹp quy mô triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca, và thay vào đó chọn một loại vắc-xin khác chưa được cấp phép của hãng Johnson & Johnson để tiêm cho đội ngũ nhân viên y tế của mình.
Mục tiêu phân bổ công bằng
COVAX - sáng kiến của Liên hợp quốc có thể nói đến thời điểm này đã “vuột mất” mục tiêu đề ra là khởi động các chương trình tiêm chủng ngừa virus Coronatại các nước nghèo cùng thời điểm với các nước giàu. Trong vài tuần qua, nhiều quốc gia đang phát triển đã phải vội vã ký kết các thỏa thuận riêng để mua vắc-xin, thay vì ngồi chờ đợi phân bổ từ COVAX.
WHO cùng các đối tác, bao gồm liên minh vắc-xin GAVI, vẫn chưa tiết lộ đâu là những quốc gia sẽ được nhận những liều vắc-xin đầu tiên từ chương trình COVAX. Nhưng một bản kế hoạch sơ bộ cho thấy nhiều nước giàu đã ký các thỏa thuận vắc-xin riêng, chẳng hạn Canada, Hàn Quốc, New Zealand,… cũng thuộc diện có tên trong lịch nhận vắc-xin sớm từ COVAX.
Một số chuyên gia y tế công cho rằng, điều đó “rất có vấn đề” và lý giải đây là thiếu sót trong tính toán của COVAX, khi sáng kiến này cho phép các nước tài trợ vừa được mua vắc-xin từ chương trình này, đồng thời lại tự ký kết các hợp đồng thương mại riêng. Đơn cử, Anna Marriott, người phụ trách chính sách y tế cho tổ chức Oxfam International cho biết: “Canada đã đặt hàng gấp hơn 5 lần số liều đủ để cung cấp cho người dân của họ và giờ đây họ lại đang chờ đợi nhận phần của mình từ COVAX, mà đáng lẽ nên được chuyển tới các nước nghèo”.
Quả thực, sau khi cam kết tài trợ hơn 400 triệu USD cho COVAX hồi năm ngoái, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định, đất nước lá phong luôn có ý định nhận thêm vắc-xin qua cơ chế của COVAX. Về vấn đề này, nhà khoa học trưởng của WHO, Tiến sỹ Soumya Swaminathan nói rằng, các nước giàu nếu đăng ký nhận vắc-xin từ COVAX thì những yêu cầu ấy cũng sẽ không bị từ chối. “Cơ chế COVAX sẽ không trừng phạt các quốc gia”, bà phát biểu hồi đầu tháng 2.
Song, các chuyên gia như Marriott vẫn cho rằng, các nước giàu ấp ủ kế hoạch nhận các liều vắc-xin từ COVAX nên cân nhắc lại, như những lời kêu gọi trước đó được đưa ra nhằm ủng hộ mục tiêu sáng kiến là đảm bảo tiếp cận vắc-xin công bằng cho toàn thể các quốc gia trên thế giới, bất kể giàu, nghèo, sang, hèn… “Những nước giàu có nguồn cung vắc-xin riêng rồi thì chớ nên tước đi những liều vắc-xin đáng lẽ nên dành cho các nước trong tình cảnh cùng quẫn nghiêm trọng”, Marriott lập luận.