Một nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 27/6 cho biết trong năm 2010 thế giới đã đốt cháy tới 134 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trong quá trình khai thác dầu mỏ trên toàn cầu.
Các số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy chỉ cần cải tiến quá trình khai thác dầu mỏ ở Nga và Kazakhstan, số khí đốt bị đốt bỏ trên toàn cầu trong năm 2010 đã giảm 9%, tương đương 13 tỷ mét khối so với năm 2009.
Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, giảm được 30 triệu tấn khí CO2 thải vào khí quyển, tương đương lượng khí thải của 6 triệu ô tô hàng năm. Tuy nhiên, nỗ lực cải tiến cần tiếp tục được phát huy.
Ngân hàng Thế giới đánh giá những số liệu này đã củng cố xu thế tích cực về cải tiến công nghệ khai thác dầu mỏ để giảm lượng khí đốt phải đốt bỏ vô ích hàng năm và tận dụng được lượng khí đốt này vào các mục tiêu kinh tế.
Đối tác giảm lượng khí đốt bỏ khi khai thác dầu mỏ toàn cầu (GGFR) của Ngân hàng Thế giới đã xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu về lượng khí đốt bị lãng phí này.
Bên cạnh đó cũng cung cấp khuôn khổ và cơ chế để các chính phủ, công ty khai thác dầu mỏ tham vấn và phát triển hành động chung nhằm giảm các trở ngại về công nghệ tận thu nguồn khí đốt đồng hành với công nghiệp sản xuất dầu khí này.
Thông qua các giải pháp khả thi, GGFR giúp các đối tác khai thác giá trị thương mại của nguồn khí đồng hành bị đốt bỏ lãng phí để tăng cường hiệu quả năng lượng, mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng của người nghèo, giảm biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Từ năm 2005, lượng khí đốt bị đốt vô ích trong khai thác dầu mỏ toàn cầu đã giảm 22% nhờ nỗ lực của các nước khai thác dầu mỏ.
Trước Hội nghị cấp cao thế giới về phát triển bền vững năm 2002, công nghiệp khai thác dầu mỏ trên toàn cầu đã thải tới 400 triệu tấn CO2 vào khí quyển hàng năm do lượng khí đốt khổng lồ phải đốt bỏ.