Ngày 28/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp toàn thể thảo luận về vai trò của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu.
Đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc đều khẳng định thể chế đa phương lớn nhất thế giới này phải ở vị trí trung tâm của quản trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 Joseph Deiss kêu gọi các nước cần linh hoạt và sáng tạo khi thực hiện các biện pháp tăng cường vai trò này của Liên hợp quốc.
Toàn cảnh một cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ. Nguồn: AFP/TTXVN
Ông nhấn mạnh để đảm bảo Liên hợp quốc vẫn thích hợp với thế giới vào năm 2025 và sau đó nữa, Liên hợp quốc cần nghiên cứu các bài học của lịch sử hơn 60 năm qua và thúc đẩy các cải tổ cần thiết để đảm bảo phương thức hành động hiệu quả, trong đó tôn trọng chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia, toàn cầu hóa và hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả.
Về quản trị kinh tế toàn cầu, ông Joseph Deiss cho rằng, cộng đồng quốc tế không nên chỉ dừng ở quản lý khủng hoảng mà phải phát triển và thực hiện các chiến lược dài hạn hơn nhằm đạt tới tăng trưởng cân bằng và bền vững.
Ông nhấn mạnh, quản trị kinh tế toàn cầu cần tính đến vai trò của các thực thể kinh tế của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đồng thời nhận dạng các thách thức toàn cầu mà thế giới sẽ phải đối mặt trong tương lai cũng như các thực thể toàn cầu cần thiết.
Liên hợp quốc cần mang tính đại diện rộng rãi hơn để bao trùm cả các tác nhân phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân mặc dù các thực thể này cũng đang có vai trò ngày càng lớn trong quản trị toàn cầu.
Tại cuộc thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định, cơ cấu hiện hành của quản trị kinh tế toàn cầu không phản ánh tương xứng thế giới đang thay đổi với nhiều cơ cấu được tạo ra trong hơn 60 năm qua.
Tổng Thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực lớn hơn để tăng cường sự gắn kết và hiệu quả của hệ thống đa phương, dành được niềm tin của các nước thành viên và nhân dân thế giới.