(Baonghean) - “Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta”, đó là một câu ngạn ngữ Ấn Độ lý giải rất hay cho sự hình thành của những khối liên minh các quốc gia có mối quan hệ ít nhiều phức tạp. Trong một giai đoạn lịch sử, ngay cả hai kẻ không thân thiện với nhau cũng có thể bắt tay cùng nhau đối đầu với một kẻ thù chung, với điều kiện cả hai cùng ước lượng mối đe doạ đó lớn hơn mối nguy đến từ cái bắt tay không thực sự đến từ sự thiện chí. Tuy nhiên, những mối quan hệ dựa trên lợi ích chung hay mối đe doạ chung như vậy thường không tồn tại vĩnh hằng. Cùng với sự phát triển, biến động của thời đại, sẽ đến một lúc mà tảng băng chìm nổi lên, chia cắt hai bên bằng bức tường băng giá.

Nước Anh sẽ “ly hôn” với Liên minh châu Âu?
 
Thứ Năm, ngày 7/5, chiến thắng áp đảo của phái bảo thủ trong Nghị viện Anh với 331 trên 650 ghế mở ra một viễn cảnh mới: liệu Anh có rời khỏi liên minh châu Âu? Câu hỏi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa Anh và Brussels - vốn dĩ đã không khăng khít được như các quốc gia đại lục. 
 
images1163718_000_dv2018192.jpgThủ tướng Anh và là lãnh đạo đảng Bảo thủ David Cameron (giữa) với những người ủng hộ. Nguồn: AFP
Theo dự kiến, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức từ nay cho đến cuối năm 2017. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định sẽ “trao quyền quyết định cho người dân” - điều mà người đứng đầu đảng Lao động Ed Miliband cho là “thảm hoạ” đối với việc làm và kinh tế. Với kết quả của cuộc bầu cử này, có thể khẳng định Thủ tướng David Cameron sẽ nắm toàn quyền quyết định đối với việc thực thi kế hoạch nói trên. 
 
Trên thực tế, áp lực thân Âu chính trong Nghị viện Anh đến từ đảng Dân chủ tự do thì đảng này đã có một cuộc bầu cử khá tệ, chỉ giành được 8 ghế thay vì 57 ghế như trước. Phó Thủ tướng Nick Clegg cũng đã từ chức lãnh đạo đảng, dù rằng ông này có thái độ không quá cương quyết đối với việc phản đối trưng cầu dân ý. Không loại trừ khả năng người lên thay thế ông lãnh đạo đảng sẽ tỏ thái độ quyết liệt hơn, nhưng chỉ với 8 ghế thì rõ ràng đảng này không phải là một mối lo ngại quá lớn đối với phe bảo thủ. 
 
Từ góc nhìn của Brussels, đây là một trong những kịch bản tồi tệ nhất có thể diễn ra. Ngay khi chính phủ mới của Cameron được thành lập, có thể các khâu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý sẽ được triển khai chóng vánh ngay sau cuộc bầu cử, chiếm lĩnh phần lớn không gian chính trị và năng lượng của các chính khách lớn.
 
David Cameron cho biết sẽ tổ chức chiến dịch kêu gọi bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu, với điều kiện EU đáp ứng các yêu cầu thay đổi mà ông đưa ra, trong đó có vấn đề kiểm soát nhập cư trong châu Âu. Về điểm này, các quốc gia cầm trịch trong khối EU như Pháp hay Đức đã thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận yêu cầu thay đổi các điều khoản trong hiệp ước của Anh. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, kết quả điều tra khảo sát cho thấy công luận đang có phần nghiêng về việc ở lại trong khối EU, nhưng chênh lệch giữa hai phe là không đáng kể. Giới tài chính - những nhà thân Âu truyền thống - ngày càng “chểnh mảng” với nhiệm vụ bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu, trong khi đó, sức ảnh hưởng của ông Cameron rõ ràng đã tăng lên đáng kể sau chiến thắng hơn cả mong đợi tại cuộc bầu cử lập pháp.
 
70 năm ngày chiến thắng phát xít: khi các đồng minh “cơm không lành, canh không ngọt”
 
Nếu như lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy đã được tổ chức trọng thể vào năm 2014, với sự có mặt của đông đảo lãnh đạo các quốc gia - trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin thì năm nay, một sự kiện lớn không kém là kỷ niệm 70 năm ngày phát xít Đức đầu hàng Đồng minh và Hồng quân Liên Xô lại diễn ra có phần tách biệt trong nội bộ từng quốc gia. 
 
Binh sỹ Nga tham gia lễ duyệt binh. Ảnh: THX-TTXVN
Tại Đức, ngày 8/5 không phải là một ngày nghỉ lễ nhưng vẫn là một ngày có ý nghĩa đặc biệt. Nếu như chủ nghĩa phát xít có thể bị nhìn nhận như là một vết đen trong lịch sử nước Đức thì kể từ năm 1985, sau tuyên bố của Tổng thống thời bấy giờ Richard von Weizsacker rằng “Ngày 8 tháng 5 là ngày đất nước này được giải phóng”, người ta đã có một cái nhìn khác về sự kiện lịch sử đó. Năm nay, người Đức vẫn tiếp tục kỷ niệm “ngày giải phóng”, thay vì “ngày phát xít Đức đầu hàng”.
 
Hạ viện Quốc hội Liên bang Đức Bundestag đã cùng ngồi lại, lắng nghe một trong những nhà sử học nổi tiếng nhất của Đức - Heinrich August Winkler - giải thích về ý nghĩa của ngày lịch sử này. Tất nhiên không thể vắng mặt các nhà chính khách hàng đầu như Tổng thống Joachim Gauck, Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Toà án hiến pháp Karlsruhe ông Adreas Vosskuhle và Chủ tịch chức Thượng viện Quốc hội Bundesrat là Volker Bouffier.
 
Trong 2 ngày (8/5 và 9/5), có khoảng hơn 15 cuộc mít-tinh diễu hành được dự kiến tổ chức tại Berlin. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là trong 2 ngày này các nhà hoạt động cánh tả và cánh hữu lựa chọn diễu hành độc lập, phần nào thể hiện sự đối đầu - một điều ít nhiều có phần đáng buồn cho một ngày lễ vốn dĩ đề cao giá trị dân tộc. 
 
Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande đã trao giải cuộc thi quốc gia viết về sự Kháng cự và Trục xuất - những khái niệm lịch sử gắn liền với cuộc Đại chiến thế giới thứ II. Cùng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông cũng đến đặt vòng hoa tưởng niệm dưới chân tượng đài Tướng Gaulle trước khi quay trở lại đại lộ Champs Elysees để chủ trì lễ kỷ niệm dưới Khải Hoàn Môn. Tiếp theo chuỗi hoạt động kỷ niệm là viếng thăm, dâng hoa và thắp lại ngọn đuốc ở lăng mộ các chiến sỹ vô danh - địa danh kể từ năm 1920 đã trở thành nơi tưởng niệm những người Pháp đã ngã xuống trong hai cuộc thế chiến. Tổng thống Pháp cũng phát đi một thông điệp có lẽ mang nhiều hàm ý: “Vẫn còn rất nhiều lý do để chúng ta phải đứng lên đấu tranh”. 
 
Giữa cuộc bầu cử căng thẳng, nước Anh vẫn tổ chức lễ kỷ niệm ngày “Chiến thắng”. Có thể nói là các chính khách Anh đã tạm thời “đình chiến” trong vòng vài giờ để cùng tụ hợp trước Đài tưởng niệm Luân Đôn - bất kể là người chiến thắng hay kẻ thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp. Từ Glasgow đến Birmingham, đi vòng qua Cardiff, 2 phút mặc niệm đã được dành ra để tưởng niệm giây phút lịch sử cách đây đúng 70 năm, khi Winston Churchill tuyên bố kết thúc thế chiến trên sóng radio. 
 
Ở bên kia Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài diễn văn tôn vinh “những thế hệ đã giải cứu thế giới”, đồng thời kêu gọi công dân Mỹ tiếp tục đấu tranh, bảo vệ nền hoà bình tự do mà những người hùng của Thế chiến thứ II đã đánh đổi bằng máu. Bài diễn văn vốn dĩ được phát ngôn vào cuối tuần này đã được thay đổi lịch để trùng khớp với ngày kỷ niệm lịch sử. Ngoài ra, một cuộc trình diễn bởi các máy bay lịch sử trong Thế chiến II cũng diễn ra trên bầu trời Thủ đô Washington. 
 
Một điều khác biệt so với mọi năm khiến lễ kỷ niệm ở Ukraina năm nay đáng chú ý là Kiev đã quyết định tổ chức kỷ niệm vào ngày 8/5, giống với các nước phương Tây. Trước đây, Ukraina vẫn luôn kỷ niệm ngày chiến thắng vào ngày 9/5 giống như Nga. Bằng hành động này, Ukraina đã thể hiện sự ly khai, thậm chí là quay lưng lại với Nga, với khái niệm về “Cuộc chiến tranh vĩ đại yêu nước” mà Nga thường dùng để chỉ Thế chiến thứ II. 
 
Một điểm chung ở tất cả các quốc gia trên là nếu như năm 2005, năm 2010, lãnh đạo các nước phương Tây đều có mặt tại Quảng trường Đỏ để kỷ niệm ngày chiến thắng thì năm nay, Nga bị các nước lạnh nhạt rõ ràng. Sự vắng bóng các nhà lãnh đạo phương Tây, nhất là các quốc gia Đồng minh cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đã xấu đến mức nào do cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Tuy nhiên, điều đó không làm người Nga “nhụt chí”. Với sự góp mặt của hơn 16.000 binh sỹ, 194 đơn vị thiết giáp và 143 máy bay, đây là lễ diễu binh có quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay, và cũng phát đi một thông điệp đầy cứng rắn, đáp lại chính sách cô lập của các quốc gia từng một thời “kề vai sát cánh” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. 
 
Thục Anh
(Theo Le Monde)