(Baonghean.vn) - Xăng khan được xem là lễ 'tốt nghiệp' để lên cấp của các thầy mo. Để đạt đến cấp cao nhất, một thầy mo phải tổ chức 12 lần Xăng khan, mỗi lễ cách nhau từ 3 – 5 năm.
Xăng khan, lễ hội kỳ lạ nhất của cộng đồng người Thái được coi như lễ lên cấp của các thầy mo. Không những thế nó còn là hội tâm linh của cả cộng đồng, dù nơi diễn ra là nhà của thầy mo. Những ngày giáp tết Đinh Dậu tại bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) có lễ hội Xăng khan do thầy mo Vi Văn Diện tổ chức. Đây là lần đầu tiên thầy mo 45 tuổi làm Xăng khan. Theo một quy định bất thành văn, cứ sau 3 – 5 năm mỗi thầy mo có thể tổ chức xăng khan. Đây có thể gọi là lễ “tốt nghiệp” của một thầy mo. Sau lễ này, ông mo sẽ được lên môt cấp và các cấp bậc này này không có tên gọi riêng. Trong cuộc đời hành nghề, một thầy mo có thể làm xăng khan 12 lần. Cây Xăng khan như mô hình thu nhỏ của thế giới gồm con người và vạn vật là trung tâm của ngày lễ. Cây hoa mang tính biểu tượng và được dùng cho tên gọi của lễ hội được chế tác kỳ công và tinh xảo. Những bông hoa được chế tác và phối màu rất sống động khiến chúng đậm chất nghệ thuật. Cây Xăng khan, bản thân nó đã là một tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo, một đỉnh cao trong mỹ thuật của cộng đồng người Thái. Theo ông Vi Văn Diện, người chủ lễ hội Xăng khan ở bản Mường Hinh cho biết, biết chế tác một cây Xăng khan phải mất đến nửa tháng và số tiền bỏ ra để mua vật dụng cũng lên đến vài triệu đồng. Trong ảnh là cảnh dựng cây Xăng khan trước giờ làm lễ. Tham gia lễ là một hội đồng thầy mo. Theo quy định, có 4 thầy mo cùng tham gia Lễ Xăng khan đầu tiên của ông Diện. Trong ảnh là thầy mo chủ lễ Vi Văn Diện múa quanh cây Xăng khan, một nghi thức có từ cổ xưa. 'Đội nhạc' này chỉ có thể tìm thấy trong hội Xăng khan. Mâm lễ cho Lễ Xăng khan nom khá lạ mắt với những thứ như váy, áo, xôi… Những người bạn thầy mo ngồi cùng chủ lễ trong suốt bài cúng cầu cho các mo, mọi người trong gia đình và làng bản cùng được mạnh khỏe. Lễ kéo dài 1 ngày và trong thời gian đó phải đủ thức ăn cho các thầy mo, người dân tham dự. Vì vậy đội phục vụ gồm chủ yếu là phụ nữ phải thức thâu đêm để nấu cỗ. Các thầy mo uống rượu sau lễ cúng. Đây là màn kết thúc của phần lễ. Sau phần lễ, các thầy mo vui hội cùng dân bản và khách mời. Các thầy mo ở bản Mường Hinh cho biết, trước đây mỗi Lễ Xăng khan thường rất tốn kém vì kéo dài 2, 3 ngày. Theo tiết lộ của mo Diện, trong lần tổ chức Xăng khan đầu tiên đã tiêu tốn của gia đình 17 triệu đồng. Trong lễ, ông phải mổ 2 tạ lợn và 18 vò rượu cần.
Hồ Phương – Hữu Vi