(Baonghean) - Lên xã Nhôn Mai (Tương Dương), hỏi: “Ai nhiều ruộng nhất”?, bà con trả lời: “nhà ông Và Tổng Sử!”; nếu hỏi tiếp: “Những ai nhiều trâu, bò nhất”, thì nhà Và Tổng Sử cũng sẽ được nhắc đến. Có lẽ vì thế mà ông già người Mông này được xếp vào diện giàu có nhất xã vùng biên xa xôi này.
Tôi gặp Và Tổng Sử đang ở Vinh khi ông sắp sửa cùng đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh ra Phú Thọ dự lễ tuyên dương do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức. Hỏi chuyện thì ông bảo: “Hồi nhỏ không được đi học nên ta không biết chữ, tiếng phổ thông biết nhưng không nói được nhiều, nhà báo muốn biết chuyện làm ruộng, nuôi bò thì theo ta lên nhà một chuyến!…”. Y hẹn, hôm Và Tổng Sử trở về từ Phú Thọ, tôi theo ông ngược rừng lên với Nhôn Mai.
Đất trời biên cương đằm trong sương giá, gió lạnh thấm qua từng lớp áo rồi len vào da thịt. Sương muối đọng thành từng giọt rơi lộp độp trên mái sa mu tựa như những trận mưa mùa hạ. Đêm ấy, bên bếp lửa đượm hồng, nhâm nhi chén rượu, Và Tổng Sử nói rất nhiều chuyện, chuyện nào cũng hay và hấp dẫn. Ông không biết chữ nhưng nói chuyện rất duyên. Càng uống, câu chuyện của ông càng cuốn hút...
Và Tổng Sử sinh ra và lớn lên ở Huồi Cọ - bản nằm trên đỉnh núi cao nhất vùng, cách trung tâm xã non một ngày đi bộ. Thuở bé, gia đình khó khăn, đông anh em nên ông không được đi học. Lớn lên, sớm lập gia đình, sinh một lèo 6 người con. Không được học chữ nhưng cái đầu Và Tổng Sử luôn nghĩ làm sao để có lắm trâu, nhiều ruộng, có của ăn, của để.
Đất ở Huồi Cọ khá màu mỡ nhưng không nhiều, phải nghĩ đến việc di cư đến vùng khác để có đất rộng hơn. Những lần đi chợ Tri Lễ (Quế Phong), qua bản Thằm Thẩm, thấy ở đây đất còn nhiều, mới chỉ có hơn 10 hộ đồng bào Khơ mú sinh sống, lại nghe nói sắp sửa có con đường lớn chạy qua, Và Tổng Sử quyết định xuống núi.
Sau cái Tết năm 2003, gia đình Và Tổng Sử và 2 người em trai chuyển từ Huồi Cọ xuống Thằm Thẩm. Cũng từ đây, bắt đầu những ngày tháng gian nan, có những lúc nản định về lại Huồi Cọ. Đất ở Thằm Thẩm nhiều nhưng cằn cỗi, cây lúa luôn gầy và lép hạt. “Đã phát mấy cái rẫy, gieo mấy chục ki-lô-gam giống mà có lúc cũng không bằng ở Huồi Cọ, hay đất Thằm Thẩm không hợp với ta?”- Và Tổng Sử trăn trở với bao ý nghĩ gần xa. Rồi ông nhớ tới khu rẫy nằm ven khe Hổ có độ dốc thoai thoải, nước khe khá nhiều. “Phải rồi! Đào ruộng bậc thang, ngăn khe lại để lấy nước tưới!”- ý nghĩ ấy vụt lên như một tia sáng...
Con gà vừa gáy sáng, Và Tổng Sử đã ra khe Hổ, từ đỉnh dốc nhìn xuống, ông reo lên một mình: “Ta đã tìm được đường đi!...”. Ông về thức các con, vừa ăn bữa sáng vừa bàn bạc công việc khai hoang ruộng nước. Không phải một ngày, hai ngày; một tháng hay hai tháng, mà phải tính bằng năm. Bao nhiêu hòn đá lớn có, nhỏ có đã được bẩy lên và chuyển đi nơi khác. Rồi làm mương, máng dẫn dòng nước chảy ngược, điều tiết cho nước về đều từ cao xuống thấp, đó là cả một núi công việc.
Những chỗ nước không tới dùng để trồng dưa, cây dưa phát triển tốt, những quả dưa như những chú lợn nít nằm trên rẫy. Cần mẫn như con ong xây tổ, sau 3 năm Và Tổng Sử làm ra gần 1,5 ha ruộng nước màu mỡ. Ông cất công tìm giống lúa ngon và phù hợp với độ cao, khí hậu ở Thằm Thẩm để trồng. Mỗi năm chỉ trồng 1 vụ (từ tháng 4 đến tháng 10), vì giống lúa dài ngày, hơn nữa cái mùa lạnh ở Thằm Thẩm đến sớm và đi muộn nên không thể trồng được 2 vụ. Ấy vậy mà mấy kho lúa không khi nào hết, mỗi năm chỉ ăn hết một nửa, nửa còn lại cứ để dành trong kho, mỗi năm lại làm thêm mấy cái nhà kho mới. Và Tổng Sử vui vẻ: “Làm cái rẫy vất vả lắm, được một vài mùa đất xấu đi là phải bỏ để đi phát nơi khác xa hơn, rồi ngày càng xa. Cái ruộng thì làm được mãi, lại ở gần, càng làm ruộng càng tốt, kho lúa mùa nào cũng đầy!”.
Có ruộng rồi, cái ăn cũng đã thừa, phải nghĩ cách làm giàu, mà ở đây thì không gì hơn là nuôi trâu, bò. Cha con Và Tổng Sử lại bỏ sức khoanh một khu rừng, đầu tư vốn mua trâu, bò về thả. Trâu, bò thì tự nó kiếm ăn, mình chỉ việc hàng ngày trông coi, gom đếm. Nay, số lượng trâu, bò của gia đình đã có gần 50 con. Ước lượng thế thôi, vì chúng ở trên rừng, ít khi gom đủ để đếm. Cái mẹo của Và Tổng Sử là chọn mua những con nhỏ, gầy, giá rẻ để về chăm sóc, chọn những nơi cỏ nhiều để thả, sau một thời gian chúng lớn, béo đẹp, đem bán được giá cao. Riêng với số lượng trâu, bò như hiện nay, thì nhà Và Tổng Sử đã có trong tay gần cả tỷ đồng.
Chưa kể hơn 50 con lợn đen và đàn gà đen đếm không xuể, một cái ao lớn đầy cá, rồi nguồn thu từ rau, măng... Chừng ấy tạo nguồn thu, mỗi năm gia đình có không dưới 300 triệu đồng, trong khi chi phí sinh hoạt rất ít, vì sẵn lúa trong kho, lợn, gà ngoài chuồng, cá dưới ao, rau ngoài rẫy. Ngày nào cũng thế, Và Tổng Sử dành phần lớn thời gian trong trang trại, quanh quẩn với đàn bò, đàn lợn và những thửa ruộng bậc thang. Chỉ khi nào có việc cần thiết ông mới về nhà, về bản. Con trai thứ của ông là Và Bá Cở nay đang theo học tại Học viện Nông nghiệp, dự định ra trường sẽ trở về Nhôn Mai, góp sức cùng gia đình, làng bản làm ăn, phát triển.
Con đường Tây Nghệ An chạy qua Thằm Thẩm, qua trước cổng nhà Và Tổng Sử đã thông tuyến hơn một năm, mở ra bao kỳ vọng cho ông già người Mông siêng cái tay làm, bạo cái ý nghĩ này. Hàng ngày, có người tìm đến nhà, có khi đánh cả ô tô để hỏi Và Tổng Sử mua trâu, bò, lợn, gà. Nhiều người tấm tắc khen: “Và Tổng Sử không biết chữ nhưng cái đầu biết nghĩ giỏi, nên nhà ông ấy giàu là phải lắm!”.
Công Kiên