(Baonghean.vn) Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Vinh năm 1991, thầy giáo Nguyễn Công Danh, quê huyện Đô Lương tình nguyện lên dạy ở huyện miền núi Kỳ Sơn.

Hai năm làm giáo viên Trường THCS nội trú xã Mường Lống, nơi chót vót "cổng trời" quanh năm mây phủ. Ở một xã nghèo, thuở ấy cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn. Học sinh người Mông còn nặng những tập tục lạc hậu, ngôn ngữ giao tiếp giữa thầy, trò còn nhiều hạn chế.


769717_small_67612.jpgThầy Nguyễn Công Danh (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh và đồng nghiệp.
Bằng nỗ lực phấn đấu của mình, cùng sự giúp đỡ của tập thể giáo viên, lãnh đạo, nhân dân trong xã, năm 1993, thầy Danh được phân công làm hiệu phó của trường. Năm 1998, thầy được kết nạp vào Đảng và được giao trọng trách làm Hiệu trưởng Trường THCS xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn), một trong những xã nghèo nhất huyện, đa phần là dân tộc Khơ mú. Từ năm 2008 đến nay, thầy làm Hiệu trưởng Trường THCS nội trú xã Nậm Càn của huyện.


Thầy Danh cho biết: "Cơ sở hạ tầng của xã đang từng bước hoàn thiện. Ô tô đã vào đến trung tâm bản, xe máy đã về đến các bản. Nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, đi xe khách đến thị trấn Mường Xén rồi chúng tôi khoác ba lô cuốc bộ vào Mường Lống, Bắc Lý gần 60 cây số trên những lối mòn giữa rừng. Những năm ấy trường lớp là những dãy nhà lá tranh tre...".


Tôi hỏi thầy: "Đã trên 20 năm dạy học ở các xã thuộc vùng rẻo cao biên giới và giờ vẫn đang tiếp tục, chắc thầy có nhiều kỷ niệm buồn, vui?". Thầy hiệu trưởng trầm ngâm: " Giáo viên ở vùng cao là vất vả rồi. Nếu không yêu nghề, không yêu thương học sinh thì sẽ có người nản chí. Những năm tháng "bốn cùng" với đồng bào các dân tộc đã giúp chúng tôi trưởng thành lên. Đời sống người dân còn khó khăn, lại còn nhiều tập tục lạc hậu, nhưng họ rất chân tình, đằm thắm. Các thầy, cô từ lòng yêu thương và trách nhiệm đã cảm hóa, khơi dậy sự hiếu học của học sinh đã bao lâu bị hạn chế do điều kiện sống quá khó khăn. Học sinh miền núi sẽ học tốt khi được sự quan tâm của cộng đồng. Ví dụ: em Xồng Bá Dìa, em Lầu Bá Chả, học sinh cũ ở Mường Lống đã đậu thủ khoa Đại học Y Hà Nội và Đại học Sư phạm 1...".


 
Hơn 20 năm làm sao kể hết những gian nan, vất vả của thầy và tập thể giáo viên đã âm thầm đem từng con chữ thắp sáng những bản làng xa xôi. Những bàn chân trần bấm đá, vượt suối khe mùa mưa lũ đến từng lớp học ở bản, đến từng nhà vận động học sinh khó khăn tiếp tục đến trường. Đã bao đêm các thầy cô tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học sinh và góp từng đồng lương mua giấy, bút, quần áo cho các em nghèo.


Có điều khác với những trường ở miền xuôi, tôi thấy trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng dành nhiều thời gian dặn dò học sinh giữ gìn trong sinh hoạt, bởi tục tảo hôn nào đã hết.


Thầy Danh cho biết: "Trường hiện có 131 học sinh ở nội trú, làm sao chúng tôi lơ là sinh hoạt hàng ngày của các em, khi các em sống xa gia đình".


Thầy Nguyễn Công Danh đã 8 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Thầy được Bộ, Sở Giáo dục tặng Bằng khen đạt nhiều thành tích xuất sắc trong ngành giáo dục.


Võ Văn Vinh