(Baonghean) - Theo chân đồng chí Phó bí thư Đảng uỷ xã Tam Sơn, chúng tôi đến bản Khe Gát thôn 5, xã Tam Sơn (Anh Sơn) tìm gặp già làng Ngân Văn Dũng. Người mà đồng bào bản Khe Gát gọi ông là "cây cổ thụ" của bản làng. Già làng Ngân Văn Dũng năm nay đã 91 tuổi nhưng ông vẫn còn mạnh khoẻ và minh mẫn.
Sinh ra lớn lên và hoạt động công tác ở thôn, xã từ những ngày còn rất trẻ, già làng Ngân Văn Dũng đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm của bản Khe Gát trong quá trình xây dựng và phát triển. Bản Khe Gát có 54 hộ, 255 nhân khẩu, từ năm 1994 trở về trước, bản rất nghèo, người dân chủ yếu vào rừng đốt nương, làm rẫy để mưu sinh. Vì vậy, bản thiếu đói thường xuyên, cuộc sống của đồng bào gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, đã có lúc dân bản định bỏ đi làm ăn ở miền đất khác. Trước thực trạng đó, già làng Ngân Văn Dũng đã rất trăn trở. Đến cuối năm 1994, thực hiện chủ trương của Đảng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhận thấy Tam Sơn có nhiều ao hồ, đập và có diện tích rừng rộng lớn, già làng Ngân Văn Dũng đã đến từng hộ đồng bào vận động bà con xoá bỏ tập tục đốt nương làm rẫy, đưa cây mét, cây keo vào rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, phía dưới các chân rừng ngăn nước nuôi cá và sản xuất lúa nước. Già làng kể lại: Những ngày đầu đi vận động đồng bào thay đổi cách làm ăn, đồng bào không nghe vì thế Già phải làm trước để họ theo mình. Già cùng với 7 người con vào rừng Bọng Hôi, Tráp Mạ làm lán trại và trồng 7 ha mét, keo, đào ao thả cá mỗi năm 1 vụ cá, 1 vụ lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng năm, thu nhập của gia đình Già lên đến hàng chục triệu đồng. Thấy vậy, đồng bào Khe Gát đã làm theo Già. Gần như tất cả các hộ dân Khe Gát đã vào rừng trồng keo, mét và phát triển chăn nuôi. Hiện nay, các hộ đồng bào đều có diện tích rừng nguyên liệu, cho thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 60-70 triệu đồng/năm. Vì vậy, đời sống dân bản ngày càng được nâng lên, nếu năm 1998, bản có 90% hộ nghèo thì nay con số đó chỉ còn lại 50% (theo tiêu chí cũ).
Già làng Ngân Văn Dũng bên mô hình trang trại của gia đình.
Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, già làng Ngân Văn Dũng còn là người chăm lo đến văn hoá của bản làng. Trong gia đình, Già luôn nhắc nhở các con phải giữ gìn bản sắc văn hoá, gia đình Già hiện còn giữ được 2 bộ chiêng và nhiều khung cửi dệt vải. Già là người tiên phong thực hiện và vận động bà con xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đưa gia súc ra xa nhà ở. Già là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào bản Khe Gát, mỗi khi đồng bào định làm một việc lớn như: tậu trâu, làm nhà, cưới vợ cho con, họ thường đến hỏi Già. Già còn là người hoà giải những xích mích, va chạm không đáng có trong đồng bào ở bản. Anh Hoàng Văn Tâm, dân tộc Thái ở bản cho rằng: "Già Ngân Văn Dũng là người nhiệt tình, trách nhiệm và có uy tín với đồng bào, việc gì của bản gia đình già cũng tham gia và luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Già được bà con đồng bào quý mến. Sự phát triển của bản ngày nay có công rất lớn của Già".
Tháng 9/2011 vừa qua, Già được UBMTTQ huyện Anh Sơn tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện phong trào làm nhiều việc tốt trong đồng bào dân tộc thiểu số.