Lũ lớn bất thường

bna_cau_tran_chau_thang_co_mat_do_luu_thong_kha_lon_anh_thanh_cuong4378674_792019.jpegCầu tràn Châu Thắng có mật độ lưu thông khá lớn. Ảnh: Thành Cường
Con sông Hiếu chia đôi địa bàn xã Châu Thắng (Quỳ Châu). Bờ Bắc có 2 bản Kẻ Bận và Xóm Mới nằm ngay sát Quốc lộ 48. Bờ Nam gồm 6 bản là Xẹt 1, Xẹt 2, Chiềng Ban 1, Chiềng Ban 2, bản Cằng và bản Bài với gần 600 hộ và trên 2.500 nhân khẩu (chiếm trên 3/4 tổng số hộ, nhân khẩu của xã). 6 bản này bị núi đồi và sông Hiếu bao bọc, tạo nên một vùng biệt lập rộng lớn. 2 bản bờ Bắc và 6 bản bờ Nam chỉ được nối liền bởi cây cầu tràn qua sông, xây dựng vào năm 2002.
Nhà máy Thủy điện Châu Thắng. Ảnh: Thành Cường
Theo người dân xã Châu Thắng: Mỗi ngày, hàng ngàn người dân xã buộc phải lưu thông qua cầu tràn để giao thương, mưu sinh, học tập. Cầu tràn tuy không bề thế, song đủ cao để giúp cho người dân đi lại qua sông an toàn vào mùa bão lũ...
Nhưng 2 năm trở lại đây, khi Nhà máy Thủy điện Châu Thắng đi vào vận hành thì chuyện đi lại ở đây có nhiều thay đổi. Tháng 7 đến tháng 11 năm 2017 - 2018, mưa bão cộng thêm việc nhà máy thủy điện xả lũ khiến cầu tràn nhiều lần bị ngập băng.
Nước dâng cao, chảy mạnh vượt tràn trên 1,2m - 1,5m. Mỗi năm có khoảng 5 - 6 lần tràn ngập nặng, mỗi lần kéo dài từ 2 - 3 ngày.
Nước lũ vượt cầu tràn Châu Thắng. Ảnh: Thành Cường
Ông Lương Văn Luân (51 tuổi), ở bản Chiềng Ban 1 kể: Trước đây khi chưa có hoạt động xả lũ của nhà máy thủy điện thì nước có ngập cũng chỉ đến đầu gối và chưa đến 1 ngày thì rút xuống ngay. Bây giờ, nếu người dân 6 bản bờ Nam có việc phải ra huyện, không may về chậm thì đành phải xin ở nhờ người quen 2 bản bờ Bắc vài ngày.
Đêm 3/8 vừa qua, nhà máy xả lũ, tôi cũng phải ngủ nhờ ở ngoài 1 ngày... Ngược lại, bên này, nếu có người đau ốm gặp cơn xả lũ thì cũng phải ráng nén đau, cầm cự, chờ nước rút mới ra được trạm y tế khám, chữa bệnh.
Bảo vệ, đưa người vượt cầu tràn khi nước lũ dâng. Ảnh: Thành Cường
Bản thân ông Luân và nhiều người dân trong xã vẫn còn nhớ như in hình ảnh đầy xúc động khi những thầy giáo Trường THCS Tiến Thắng dầm mình trong dòng nước xiết, cõng 25 học sinh vượt cầu tràn về nhà vào sáng 10/10/2017. Phụ huynh học sinh 2 bản Cằng và bản Bài tập trung ở đầu cầu để đón con em mình trong sự hãi hùng và âu lo... Cảm phục tấm lòng vì học trò của các thầy, thế nhưng người dân xã Châu Thắng không hề muốn cảnh này tái hiện.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND xã Châu Thắng diễn tả về mức nước vượt tràn trong đợt xả lũ ngày 03 tháng 8 vừa qua. Ảnh: Thành Cường

Người dân xã đã có ý kiến cần nâng cấp cầu tràn cao hơn hoặc xây dựng cầu treo nối Quốc lộ 48 với 6 bản bờ Nam. Để nâng cấp cầu cũ, xây dựng cầu mới đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, xã Châu Thắng đã tổng hợp các ý kiến này và trình lên UBND huyện Quỳ Châu xem xét...

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Châu Thắng

Bờ sông sạt lở 
Đường nứt chân cầu tràn Châu Thắng. Ảnh: Thành Cường
Mưa bão, cộng thêm hoạt động xả lũ, hoạt động khai thác cát đã và đang khiến dòng sông Hiếu có những biến đổi khó lường. Chân cầu tràn bờ Nam xuất hiện hiện tượng rạn nứt, nguy cơ “đứt chân”. Ở bờ Bắc, nhiều hộ dân ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến bị sụt lún; bờ sông sạt lở...
Thủy điện Châu Thắng xả lũ. Ảnh: Thành Cường

Ông Trần Huy Lạc - Trưởng bản Minh Tiến - người đã gắn bó với mảnh đất Châu Tiến trên 40 năm, từng chứng kiến nhiều trận lụt lịch sử kể: Ngay cả trận lụt lịch sử vào năm 1988 và 2007, nước sông Hiếu dâng cao nhất ngập tràn lên cả mặt đường, thế nhưng khu vực dọc sông không có hiện tượng sạt lở. 2 năm qua khi nhà máy thủy điện hoạt động, hơn 20 nhà sống cạnh sông, có nhà bị sông “nuốt” 10m, có gia đình mất tới 15m đất. Nhiều vườn tược, chuồng chăn nuôi gia súc đã bị cuốn xuống sông.

Thủy điện xả lũ gây sạt lở khu vực bờ sông. Ảnh: Thành Cường
Gia đình ông Vi Văn Đồng ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến sống ngày phía sau chân xả nước của thủy điện. Từ khi có thủy điện gia đình thấp thỏm, lo lắng vì tình trạng sạt lở đất, nước dâng ngày càng đe dọa nghiêm trọng, nhiều héc-ta đất sản xuất hoa màu, cây xanh đã bị dòng nước sông cuốn trôi...
Theo thống kê của xã Châu Tiến, 3 năm qua, sông đã đã làm sạt lở, cuốn trôi mất hơn 30 ha đất sản xuất và hàng chục ha đất thổ cư. Nhiều diện tích đất canh tác khác đã phải từ bỏ việc trồng lúa nước, thay thế bằng giống cây khác.
Do hoạt động xả lũ, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã phải bỏ hoang. Ảnh: Thành Cường
Thủy điện xả lũ, cùng với nạn khai thác trái phép rừng đầu nguồn đã làm thay đổi dòng chảy và tạo nên những biến đổi khó lường ở khu vực xã Châu Tiến.

Nước dâng lên ngược dòng làm ngập sâu cầu tràn vào bản Hoa Tiến từ 3 - 4m. Mỗi lần nhà máy xả lũ là một lần chính quyền địa phương phải vất vả cắt cử, bố trí các lực lượng như dân quân tự vệ, công an túc trực 2 bên đầu cầu để ngăn người dân đi qua. Hiện có 172 hộ dân của xã đang sống tại khu vực bờ sông Hiếu

Ông Sầm Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho hay.

 Công trình Thủy điện Châu Thắng có công suất thiết kế 14MW, được xây dựng trên địa bàn huyện Quỳ Châu và Quế Phong, trong đó khu vực nhà máy đặt tại huyện Quỳ Châu. Nhà máy có hồ chứa với chiều dài hơn 10 km, bề rộng trung bình 200m, dung tích hồ chứa 18 triệu m3. Thủy điện Châu Thắng bắt đầu tích nước vào tháng 2/2017; phát điện vào tháng 5/2017... Trung bình mỗi năm, nhà máy nộp thuế cho Nhà nước khoảng 6,5 tỷ đồng.
 Dân còn phải chờ
Mỗi cơn áp thấp về, thủy điện xả lũ khiến người dân sống trong sự bất an. Ảnh: Thành Cường
Thông tin từ xã Châu Tiến: Kể từ khi xảy ra sạt lở, Công ty cổ phần Prime Quế Phong, Tổng Công ty Điện lực Trung Sơn (chủ đầu tư, quản lý Nhà máy Thủy điện Châu Thắng) mới chỉ hỗ trợ cho 4 hộ dân với tổng số tiền là 340 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty cũng tham gia một số chương trình, hoạt động xã hội đồng hành khác. Một thực tế hiện nay trong nhân dân vùng chịu ảnh hưởng là “oán” nhà máy thủy điện gây họa, “trách” những người có thẩm quyền khi phê duyệt dự án lại không tính hết những hệ lụy từ thủy điện có thể gây ra.
Bờ sông Hiếu bị sạt lở nhiều đoạn. Ảnh: Thành Cường
Trao đổi nhanh cùng ông Hồ Ngọc Thiết - Giám đốc Công ty cổ phần Prime Quế Phong xung quanh hiện tượng mưa bão, nước xả lũ gây ngập và hư hỏng cầu tràn, sạt lở bờ sông thì ông này cho biết: Hiện nay công ty đã và đang tích cực hợp tác cùng các cấp chính quyền để xin nguồn vốn xây dựng hệ thống kè mềm để phòng, chống sạt lở bờ sông.
Riêng hiện tượng nứt ở cầu tràn Châu Thắng thì công ty sẽ khảo sát, xem xét cụ thể. Khi có chủ trương đầu tư nâng cấp cầu tràn hay xây dựng cầu treo mới bắc qua sông Hiếu, nối liền 2 bờ Bắc và Nam xã Châu Thắng, nếu huyện Quỳ Châu có văn bản đề nghị, công ty sẽ báo cáo Hội đồng quản trị Tổng Công ty để có những sự hỗ trợ xây dựng cầu mới.
Cấm đường qua cầu tràn bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến khi thủy điện xả lũ. Ảnh Tư Liệu
Chưa biết rõ sự hỗ trợ sẽ là bao nhiêu, nhưng đại diện đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện đã và đang tỏ thiện chí trong việc khắc phục những ảnh hưởng xấu gây ra. Tuy nhiên, việc để có một bờ kè chắc chắn, “cây cầu mới” như nguyện vọng của người dân xã Châu Thắng, Châu Tiến lại không hề đơn giản.

Hiện nay, huyện đã có tờ trình xin xây dựng kè gửi tỉnh và gửi Trung ương. Còn nâng cấp và xây mới cầu thì rõ ràng việc xây dựng cầu treo là bất cập và không phù hợp. Cầu treo nhanh xuống cấp, hư hỏng, đòi hỏi phí duy tu, bảo dưỡng lớn. Trong khi đó, nếu xây mới cầu tràn lại đòi hỏi kinh phí rất lớn, huyện ước tính là trên 60 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu

Quỳ Châu dự kiến đưa việc xây cầu mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 - 2025 và chờ thêm hướng dẫn của tỉnh. Như thế, tất cả, nhất là người dân đang còn phải chờ!