Tham gia đoàn còn có các thành viên là đại diện các ban Đảng của Tỉnh ủy, các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Con Cuông và Tân Kỳ.

bna__kiem_tra_to_may_khe_thoi_anh_nguyen_hai9360774_592019.jpgKiểm tra tiến độ lắp đặt máy phát điện tại Thủy điện Khe Thơi. Ảnh: Nguyễn Hải

Trước khi làm việc với chủ đầu tư các dự án và UBND các huyện, đoàn tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa tại công trình thủy điện Khe Thơi (xã Lạng Khê) và công trình thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê), huyện Con Cuông; kiểm tra tình hình thi công dự án chợ mới Tân Kỳ và kế hoạch chuyển đổi khu đất tại chợ cũ Tân Kỳ.

Công trình đập ngăn thủy điện Khe Thơi, cách nhà máy phát điện khoảng 4 km và cao trình 98m được đầu tư xây dựng từ năm 2015. Ảnh Nguyễn Hải

Dự án Thủy điện Khe Thơi có tổng mức đầu tư 463 tỷ đồng, công suất phát điện 12 MW, tổng diện tích đất chiếm là 82 ha, trong đó gần 38 ha rừng tự nhiên. Sau gần 4 năm thi công, dự án đã hoàn thành trên 95% khối lượng và dự kiến phát điện vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, do vướng thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng nên nhà máy chưa thể tích nước và phát điện lên hệ thống.

Đối với Thủy điện Chi Khê, mặc dù nhà máy vận hành và phát điện từ tháng 6/2018 nhưng do công suất đường dây 110 KV không đảm bảo (quá tải) nên cũng như một số nhà máy khác, Thủy điện Chi Khê buộc phải cắt giảm công suất phát điện từ 42 MW xuống còn 25 MW dẫn đến giảm sản lượng điện sản xuất. Bên cạnh đó, khi nhà máy tích nước lên cao trình 38m phát sinh một số điểm sạt lở đất và ngập đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Kiểm tra vận hành phát điện và xả lũ tại Thủy điện Chi Khê. Nhà máy có công suất phát 41 MW nhưng hiện tại do quá tải đường dây 110 KV nên phải cắt giảm và chỉ phát được 25 MW. Ảnh: Nguyễn Hải
Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư các dự án, UBND huyện Con Cuông, huyện Tân Kỳ và các sở, ngành liên quan báo cáo tình hình tiến độ thi công các dự án và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; qua đó đề nghị đoàn công tác của tỉnh tiếp thu, làm việc, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có giải pháp tháo gỡ.

Đại diện Công ty Thủy điện Chi Khê phát biểu nêu một số vướng mắc, đề nghị tỉnh có biện pháp tháo gỡ để đảm bảo sản lượng điện theo kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Hải
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương đề nghị UBND huyện Con Cuông tổ chức kiểm đếm các hạng mục mới phát sinh liên quan đến dự án thủy điện để hỗ trợ; không để người dân vào đánh bắt thủy sản gần đập thủy điện; chủ đầu tư các công trình thủy điện có trách nhiệm hỗ trợ đền bù cho người dân các thiệt hại kể cả khi dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành.

Về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, đồng chí trưởng đoàn công tác đề nghị các sở, ngành liên quan vào cuộc hỗ trợ các chủ đầu tư thủ tục về gia hạn dự án, hoàn thành thủ tục chuyển đổi đất rừng tại thủy điện Khe Thơi trình Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chợ mới Tân Kỳ được đầu tư khang trang với tổng kinh phí 177,12 tỷ đồng với 510 quầy ốt kinh doanh nhưng còn ít tiểu thương vào kinh doanh khiến việc chuyển đổi chợ cũ gặp khó khăn. Ảnh: Nguyễn Hải

Đối với dự án chợ mới Tân Kỳ, đồng chí trưởng đoàn công tác chia sẻ những khó khăn của chủ đầu tư và huyện Tân Kỳ trong việc sắp xếp chuyển đổi hộ kinh doanh từ chợ cũ sang chợ mới; những vướng mắc mới nảy sinh khi triển khai thu hồi, chuyển đổi khu đất chợ cũ sang xây dựng trung tâm tổ chức sự kiện...

Các kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư và UBND huyện Tân Kỳ liên quan đến các quy định về bồi thường, hỗ trợ, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh cho ý kiến xử lý; tỉnh sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tối cho nhà đầu tư vào địa bàn nhưng quá trình giải quyết cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân./.