(Baonghean) - Sau bao năm gìn giữ và phát huy nghề đan truyền thống, tháng 9/2014, sản phẩm Mâm mây của bản Na Nhắng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An năm 2014. Trong không khí náo nức của ngày Tết Nguyên đán cận kề, chúng tôi đã lên với bà con bản Na Nhắng để hiểu thêm về nghề đan truyền thống đặc sắc này.
Đan lát từ bao đời nay là nghề thủ công truyền thống của người Khơ Mú ở bản Na Nhắng. Từ đứa bé lên 5, lên 6 đã biết ngồi cạnh ông bà, cha mẹ để học cách đan. Lớn lên chút nữa đã biết theo chân người lớn vào rừng tìm mây, tìm giang về phơi nắng, rồi tự tay đan các sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Ông Moong Thái Dương - Bí thư Chi bộ bản Na Nhắng cho biết: Bản có 55 hộ thì có tới 44 hộ nghèo, nhưng hầu hết các hộ dân đều có người theo nghề đan. Những sản phẩm như ghế, mâm, giỏ ép xôi, sọt, gùi… làm ra một phần là để phục vụ cuộc sống hàng ngày, còn lại bà con mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Lâu dần, những sản phẩm này được nhiều người ưa chuộng, thậm chí lên tận bản để đặt theo mẫu mã mà mình thích. Ông nói thêm: “Không phải mình bán cho xong đâu à, lúc nào khách hàng thích sửa lại chỗ nào cho vừa ý thì chúng tôi ngồi tỉ mẩn sửa lại. Nếu mà khó quá không biết thì chúng tôi sang nhà ông Vi Thái Sơn, nghệ nhân của bản nhờ hướng dẫn”.
Tò mò về người đàn ông được người dân bản kính trọng và gọi là “nghệ nhân” của Na Nhắng, chúng tôi tìm đến gia đình ông Vi Thái Sơn. Được biết, dòng họ của ông Sơn đã có 5 đời theo nghề đan lát, ông là thế hệ thứ 4. Khi chúng tôi đến, ông vẫn đang miệt mài cùng vợ và con trai lớn hoàn tất chiếc mâm mây. Ông Sơn vừa chẻ giang, đan mây, vừa nói chuyện với mọi người, mắt không cần nhìn ống giang mà sợi giang và đường đan vẫn đều tăm tắp. Ông chia sẻ: “Mình học đan lúc lên 6, lên 7 tới giờ đã hơn 50 năm. Tay bây giờ hình như nó có cữ rồi, chẻ giang chẻ trúc không cần đo mà vẫn đều tăm tắp. Chỉ có cái “giún đan”, tức là điểm trung tâm của mặt đan là khó nhất thì mới cần để ý”. Từ những sợi mây hay cây giang, cây nứa qua bàn tay khéo léo của ông đã trở thành các đồ gia dụng xinh xắn. Mọi người trong bản vẫn thường xuyên học kinh nghiệm của ông từ bước chọn cây mây, cây giang vừa ý đến những công đoạn khó khăn, tỉ mỉ khi hoàn thiện sản phẩm.
Qua tìm hiểu được biết, bà con Na nhắng thông thường dùng 3 kiểu đan chính, đó là đan xâu xiên, đan lóng đôi và lóng ba. Đan xâu xiên thường dùng để đan mâm, là sản phẩm được nhiều nước như Lào và Nhật Bản rất ưa chuộng. Còn đan lóng đôi, lóng ba thường dùng để đan mặt bàn, mặt nghế… Đó là những kỹ thuật đan khó, đòi hỏi sự khéo tay, tinh mắt và kiên trì của người đan. Hiện nay, mỗi cặp giỏ ép xôi được bán với giá 130 ngàn đồng, mâm mây có giá từ 200 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy vào kích thước và mẫu mã, ghế có giá trên 200 ngàn đồng.
Ông Moong Văn Thành, một người dân bản duy trì nghề đan truyền thống chia sẻ: “Nuôi một con lợn nít cả năm trời bán ra cũng chỉ bằng bỏ công ra đan một cái mâm hay cặp giỏ ép xôi thôi”. Nghề đan lát đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây bên những vụ lúa, vụ ngô. Mây mang về sẽ được quấn vào những cột gỗ đóng giữa trời để phơi nắng, độ từ 15 đến 20 ngày mây ngả màu vàng óng, rắn chắc thì bà con mới chẻ ra để đan. Sau khi đan xong không cần quét sơn bóng, chỉ cần hong trên bếp lửa một thời gian là sản phẩm tự khắc sẽ bóng đều vàng óng. Bà con giải thích rằng có lẽ nhờ khói bếp và sức ấm của lửa quện vào mây nên mới được như vậy.
Chia sẻ về nghề đan lát của Na Nhắng, ông Nguyễn Định Kiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Khi sản phẩm mâm mây được tỉnh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014, bà con nơi đây rất vui mừng vì nét văn hóa của cha ông truyền lại được gìn giữ và tôn vinh. Ngoài bản Na Nhắng thì bản Khủn có 50 hộ cũng gắn bó với nghề đan lát này. Nghề đan đã giúp nhiều hộ ở đây tận dụng được thời gian nông nhàn, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Điều khiến người dân Na Nhắng không ngừng trăn trở đó là tình trạng thiếu nguyên liệu. Ngày xưa chỉ cần vào rừng Nậm Niêng hay các dãy núi thuộc vùng Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn là có mây đan. Giờ đây cơm đùm, cơm nắm cả 3 ngày trời mới tìm được 4 đến 5 yến mây. Chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện bảo vệ vùng nguyên liệu hoặc trồng loại mây rừng để giữ gìn nghề truyền thống nhưng công việc không hề đơn giản…”.
Thanh Quỳnh