(Baonghean) - Đêm giao lưu “Về miền ví, giặm” do Hội cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức đã thêm một lần đưa những làn điệu dân ca đậm dấu ấn văn hóa Hồng Lam thấm sâu vào hồn người với xúc cảm thiêng liêng… Đông đảo khán giả cùng nhau được trải qua những thời khắc lắng đọng sâu sắc, đắm mình trong từng giọt âm thanh đằm thắm hồn quê hương...
 
images1105684_ti_t_m_c_tham_gia_c_a_c_c_em_h_c_sinh_l_p_10c1___tru_ng_chuy_n_phan_b_i_ch_u.jpgTiết mục của các em học sinh lớp 10C1 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu
 
Với các học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thì tối thứ Bảy, ngày 20/12 là một buổi tối trong cảm xúc rạo rực chờ đợi một sự kiện đặc biệt - buổi giao lưu “Về miền ví, giặm”, là món quà đầy ý nghĩa do Hội cựu học sinh “Trường Phan” cùng Ban Giám hiệu nhà trường gửi trao. Ví, giặm vốn đã quen thuộc với các em học sinh xứ Nghệ qua những lời ru của mẹ, của bà, nay thêm một lần các em được đắm mình vào không gian một đêm hội gợi hồn cội nguồn thao thiết chảy. “Riêng với chúng em, đêm giao lưu thực sự là buổi học ngoại khóa, khám phá mạch nguồn hồn đất quê hương mình sinh ra, hiểu thêm chất người, tình người trong cuộc sống” – em Trần Thị Hương Thảo, học sinh lớp 10 C4 đã tâm tình như vậy. 
 
Còn em Phạm Thị Cường, lớp 12 A5 kể: “Hồi còn nhỏ, hàng ngày bà nội vẫn hát cho nghe những làn điệu ví, giặm. Vừa rồi khi UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, bà vui lắm. Bà bảo, đó là sự ghi nhận xứng đáng, nhất là để thế hệ bọn em có thêm một niềm tự hào với người dân cả nước, với bạn bè thế giới”… Còn em Trần Thị Trang, lớp 11 C1, hớn hở khoe chiếc máy quay nhỏ, nói em sẽ quay lại chương trình đêm giao lưu để đăng lên trang cá nhân, làm quà tặng cho tất cả bạn bè mình. “Em rất tự hào, hãnh diện là người quê Bác; tự hào là công dân trẻ của miền Dân ca ví, giặm”. Hỏi rằng em có thuộc câu ví, giặm nào chăng? Ngước đôi mắt ngời sáng, Trang nửa đọc, nửa hát: “Xứ Nghệ quê tôi/ Câu ví, giặm nhuộm gió Lào thành gió mát quê hương/ Xứ Nghệ quê tôi/ Nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên/ Nơi đất cằn không giấu nổi những ánh nhìn bất khuất/ Nơi ngọn gió Lào đi qua rồi cúi đầu lẩn mất/ Vì hổ thẹn với ngọn lửa trong những con tim”… chợt hiểu, vì sao học trò Trường Phan lại tụ hội đông đảo về với đêm nay bằng một niềm háo hức đắm đuối đến thế.
 
20 giờ, nồng ấm những mảnh tâm hồn bao lớp học trò Trường Phan hội tụ về mái trường yêu dấu như xua đi cái giá lạnh của đêm Đông, dào lên cảm xúc chung khi chương trình giao lưu “Về miền ví, giặm” khai màn tại sân khấu sân trường. Đêm nay, có nhiều phụ huynh đã có mặt sớm ở đây. Bà Hoàng Thị Chinh, 68 tuổi, ở khối Vinh Phúc, phường Hưng Phúc nói rằng, bà yêu Dân ca ví, giặm lắm, hoà với không khí đêm nay, thấy được sức lôi cuốn của một giá trị văn hoá quê nhà, bà nói như là một đúc kết: “Ví, giặm là dành cho tất cả các lứa tuổi”… Vâng, miền ví, giặm mở ra trước tâm hồn tất cả mọi người. Những tiết mục với câu ví, giặm lắng đọng hồn người bởi nét dung dị, trữ tĩnh, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu hồn quê sâu thẳm, còn hơn cả mong đợi. Ấy là cũng bởi chương trình “Về miền ví, giặm” đã được các cựu học sinh Trường Phan và tập thể giáo viên nhà trường dàn dựng một cách công phu, như gửi gắm trong đó một niềm quê khó tả, niềm quê thăm thẳm cội nguồn. Mở đầu chương trình là tiết mục “Mời trầu” do chính các cựu học sinh Trường Phan biểu diễn. Câu ví, giặm mời trầu quyến rũ hồn người, tái hiện sinh động một sắc thái đời sống “nảy tình, sinh nghĩa” giao đãi của ngời “quê ta” xưa: “Miếng cau dầm trù trại/ Vôi thuốc quyện thêm nồng/ Tình xứ Nghệ thủy chung/ Miếng trầu thơm đượm tình nghĩa xóm làng/ Mộc mạc quê nhà nhưng đậm đà đằm thắm”.
 
Không gian nghệ thuật tiếp nối bởi các tiết mục đặc sắc đã đưa mọi người trở về miền ví, giặm nguồn cội. Nếu như “Lung linh hồn quê Xứ Nghệ” có tính giới thiệu tổng quan về Dân ca ví, giặm, về miền quê sản sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo này “Bao danh nhân bao bậc anh hùng/ Lớn lên từ mảnh đất câu ví, giặm”; thì những tiết mục “Thử lòng chung thủy”, “Làng chài quê tôi”, “Hò phường nón”, “Giận thương”, “Hò bơi thuyền”, “Vinh Thành phố bình minh”, “Quê hương là núi Hồng sông Lam” với lời, lối hát mộc mạc, đậm phương ngữ giãi bày đã làm đậm lên hồn quê riêng rưng rưng lòng người. Và còn toát lên chất người dân xứ Nghệ tinh tế, giàu tình cảm, bạo liệt mà bao dung, đáo để mà duyên dáng, đặc biệt rất hiếu nghĩa, thủy chung trong biểu cảm khát vọng đôi lứa. Lắng nghe say sưa những làn điệu dân ca quê mình, em Vũ Đình Hùng, lớp 10 C6 bày tỏ: “Đêm nay được xem các tiết mục em đã hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này. Ví, giặm không tách biệt khỏi cuộc sống lao động; là thực thể sống không ngừng tiếp thu, tiếp nhận cái mới. Biết khá nhiều điệu hát, em thấy có những điệu rất thô mộc, dễ thuộc, nhưng có bài rất khó vì mang tính bác học, uyên thâm, ca từ chải chuốt, tinh tế. Song tất cả đều tình tứ, dịu dàng, uyển chuyển”.
 
Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu giao lưu với khán giả.
 
Xúc cảm về Chương trình “Về miền ví, giặm” còn được dẫn dắt bởi phần giao lưu hết sức thú vị. Các thầy, cô giáo, học sinh đã được giao lưu với “chứng nhân lịch sử ví, giặm” – đó là đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trưởng đoàn Nghệ An sang Paris thuyết phục UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; với NSND Trịnh Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca ví, giặm; rồi nhạc sỹ Lê Hàm – tác giả của nhiều làn điệu ví, giặm mới, ca sỹ Quế Thương - người thể hiện rất thành công nhiều ca khúc giàu chất liệu Dân ca ví, giặm. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh đã kể về những cảm xúc lo lắng khi 14/40 loại hình nghệ thuật của nhiều quốc gia không được công nhận, rồi vỡ òa niềm vui khi Dân ca ví, giặm chính thức được UNESCO công nhận với số phiếu thuyết phục 24/24. NSND Hồng Lựu thì chia sẻ về nỗi khao khát, chờ mong của người dân xứ Nghệ đợi tin nơi quê nhà. NSND Lê Hàm bày tỏ hết sức hoan nghênh chương trình “Về miền ví, giặm”, và mong muốn trí thức trẻ hôm nay chủ động tiếp sức để ví, giặm sống mãi giữa hồn quê và trường tồn với giá trị văn hoá thời đại.
 
“Về miền ví, giặm” không đơn thuần chỉ là nói và nghe. Không gian nghệ thuật thú vị này chẳng hề huyền ảo, cao xa, mà thật gần gũi, với việc các nghệ sỹ xuống mời trầu khán giả, xen lẫn giữa những tiết mục là phần giao lưu nghệ sỹ với học sinh. Và chợt hiểu thêm một nét hồn dân dã, nhưng thật gọi mời của ví, giặm khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh đắm đuối hát điệu ví “Giận thương” - bài hát mà đoàn Nghệ An đã thuyết phục UNESCO rằng “người Nghệ ai cũng hát dân ca rất hay”… Trong chương trình, phần giao lưu của học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu không những đã chứng tỏ sự thông minh, tài trí ứng đối, mà còn hát rất hay, thuộc rất nhiều bài, tự tin thể hiện khả năng của mình. Em Nguyễn Thị Mỹ Tiên, lớp 10C1 - người hát bài xẩm “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy” cho biết: Thực ra em đã được biết đến Dân ca ví, giặm ngay từ khi đang còn học cấp 1. Các thầy, cô đã dạy cho em hát. Hát nhiều thì thấy hay, thấy yêu và từ đó ham thích hát. Lời cổ ví, giặm rất hay và lời hiện đại ví, giặm nếu biết thẩm thấu thì cũng đầy lôi cuốn”. Trong “men say” miền ví, giặm đêm nay, có một tiết mục đặc sắc đó là “Ví dặm gọi bạn Trường Phan” do chị Phạm Thị Hồng Toan – một cựu học sinh của trường viết lời. Bài hát nói về tình thầy trò, tình bạn bè thật da diết, mang nhịp sống, hơi thở của xã hội hôm nay với sự biểu đạt linh hoạt và phong phú, bay bổng mà vẫn gần gũi đậm chất người xứ Nghệ... 
 
Chị Phan Ngọc Minh, cựu học sinh Trường Phan Bội Châu, khóa 12, “đánh đường” từ Hà Nội về tham dự đêm giao lưu, cười rất tươi, cho biết: “Chương trình hôm nay đã được rất nhiều cựu học sinh của trường ủng hộ. Tất cả chúng tôi đều mong muốn Dân ca ví, giặm được lan tỏa, thấm sâu”… Ấy cũng là tấm lòng đàn anh, đàn chị luôn mong muốn thế hệ sau của Trường Phan thêm tự hào vốn văn hóa truyền thống, thêm yêu quê nhà, để rồi sau nay khi chắp cánh bay xa nơi núi cao, biển rộng luôn nhớ về mảnh đất nặng nghĩa tình, để rồi muôn lòng hướng về xây dựng quê hương. Chợt thấy lắng sâu lời tâm tư của thầy Ngô Văn Phúc - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu rưng rưng xúc động trước nghĩa cử tri ân của thế hệ học sinh cũ. Với thầy, tình cảm đó các học trò chính là sợi chỉ đỏ kết chặt bền truyền thống với tương lai, khẳng đinh sức sống mãnh liệt  của Dân ca ví, giặm... Câu hát “Giã bạn” đã cất lên: “Câu ví giặm lắng đọng hồn quê/ Bên nhau hát dưới ánh trăng khuya/ Anh nỏ muốn về thì em về răng được”. Đêm giao lưu kết lại, nhưng mênh mang lưu luyến gửi trao, mở ra thật nhiều xúc cảm ở khán giả và ở chính những người làm chương trình một tình yêu thao thiết ví, giặm “quê mình”.
 
Thanh Sơn