(Baonghean) - Gắn bó máu thịt  với Khu 4 khi còn là Chính ủy quân khu, rồi Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ ướng Đồng Sĩ Nguyên từng xúc động, cảm phục khi nhắc đến vai trò, vị trí chiến lược của Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông đã viết: “Nghệ An là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn Miền Nam, là căn cứ lớn của tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh, là vùng cán soong. Chính vì thế nên khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên bị địch đánh phá dữ dội và cũng là tỉnh sau cùng ngừng tiếng súng đánh trả máy bay Mỹ”.
images1108241_6a.jpgTổng Bí thư Lê Duẩn cùng các đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chu Mạnh, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An tại trọng điểm Truông Bồn tháng 12/1968. Ảnh tư liệu
 
Không thể quên, lực lượng chủ lực của Ty Giao thông Vận tải Nghệ An từ 4.500 người, sang năm 1967 tăng lên 16.444 người. Trong 2 năm khốc liệt bom, đạn, Nghệ An mở mới 146 km đường 15A nối Thanh Hóa với Hà Tĩnh, Quảng Bình. Quốc lộ I bị băm nát, lực lượng công nhân giao thông và thanh niên xung phong sáng tạo mở thêm tuyến mới dài 152 km, chạy liền kề đường IA. Ấy là chưa tính 34 km đường tránh trọng điểm Hoàng Mai, cầu Giát, cầu Bùng, cầu Cấm, Truông Bồn, Phương Tích và 50 km đường xé cho bến phà, cầu phao vượt sông, chủ động thông xe, thông hàng khi bến chính bị tắc.
 
Chống tình trạng ùn tắc vận tải cục bộ, Nghệ An thành lập 6 trạm vận tải trung chuyển theo cụm: Vinh, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Tương Dương, Kỳ Sơn, các trạm vận tải bám theo tuyến đường IA, đường 7, đường 49, đường 48, đường 34 và đường 15 A. Hàng chục vạn người dân trở thành lực lượng vận tải với đủ loại phương tiện thô sơ như xe trâu, xe ngựa, xe cút kít, thuyền đánh cá, xe đạp. Nghệ An trung chuyển gần 20.000 tấn hàng hóa vào mặt trận bằng phương thức “nhảy cóc” theo từng chặng, tránh trọng điểm bắn phá Bến Thủy, Cầu Cấm, Nam Đàn.
 
Thiếu phương tiện vận tải cơ giới, loại thuyền xi măng lưới thép được sản xuất tại An Bình (Quỳnh Lưu), Châu Hưng (Hưng Nguyên), Nghi Thiết (Nghi Lộc) với số lượng hàng nghìn chiếc. Bom từ trường của Mỹ rải dọc sông Lam, Kênh nhà Lê phải “chào thua” loại phương tiện độc đáo này. Cùng với các đơn vị chủ lực, lực lượng vận tải nhân dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn đã góp phần trung chuyển 759.456 tấn hàng hóa vào tận chân hàng tiền phương. Câu khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa ta đi” rồi đến “Địch phá, ta cứ đi”, phải chăng được đúc kết từ muôn cách vận tải sáng tạo của nhân dân trên tuyến lửa Khu 4 này mà Nghệ An là địa phương khai mở, đi đầu từ những năm đầu chống chiến tranh ngăn chặn giao thông vận tải của đế quốc Mỹ?
 
Nhắc tới những chiến công, kỳ tích chống Mỹ, không thể quên trí tuệ, mồ hôi và cả sự dấn thân của tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính Nghệ An thời máu lửa. Gọi tập thể lãnh đạo cao nhất của Nghệ An hồi ấy là Bộ Tư lệnh đánh Mỹ và thắng Mỹ trên mảnh đất rực lửa cũng chẳng sai. Linh hồn cho mọi kế sách, cả sự quyết đoán trong nhiều lĩnh vực “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” đương nhiên thuộc về tập thể nhưng dấu ấn cá nhân chính là Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Chu Mạnh, rồi Nguyễn Sĩ Hòa - Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng ty Giao thông Vận tải Nghệ An. Các ông xông xáo, lặn lội đến từng bến phà, cây cầu, cung đường sau trận bom vừa tan, mặt đất, mố cầu, máu của người lính giao thông còn loang đỏ. Hình ảnh đồng chí Võ Thúc Đồng, Chu Mạnh bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn tới trọng điểm Truông Bồn sau trận bom định mệnh 31/10/1968 đã như một chứng tích khắc tạc vào dòng chảy lịch sử đánh Mỹ trên tuyến lửa Khu 4.
 
Không thể quên. Tháng 8/1968, BTV Tỉnh ủy Nghệ An có Nghị quyết số 29 thành lập Ban chỉ huy bảo đảm giao thông tỉnh. Chủ tịch tỉnh Chu Mạnh được giao trách nhiệm chỉ huy trưởng, Phó Chủ tịch Nguyễn Sĩ Hòa làm tham mưu trưởng, Nguyễn Thuấn - Cục phó Cục Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải  là tham mưu phó, Lê Viết Cống - Trưởng ty Giao thông Vận tải, tham mưu phó. Các ông Trần Ngọc Ninh, Tỉnh đội phó; Phạm Hồng Thái, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Chu Thao, Phó ty Công an; Nguyễn Văn Nhuận, Trưởng ty Bưu điện; Trần Thao, Phó ty Lương thực; Tô Bá Quế, Phó Bí thư Tỉnh đoàn là thành viên ban chỉ huy. Ban chỉ huy bảo đảm giao thông Nghệ An đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Bảo đảm giao thông Khu 4, do Thiếu tướng Lê Quang Hòa làm chính ủy. Cả một guồng máy chỉ huy quân sự hóa hoạt động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mọi lĩnh vực, vận hành nhạy cảm, mưu lược, sáng tạo, quyết đoán. Sự ra đời ngay sau đó Binh trạm Bảo đảm giao thông vận tải tuyến 15A, tuyến Quốc lộ số 1 và hình thành thế trận “đánh địch mở đường”, thành lập “binh đoàn xe đạp thồ” hàng quân sự với hàng vạn chiếc, thành lập “đại đội thanh niên xung phong” cấp huyện, bảo đảm giao thông tại chỗ... đã như chuyển hóa sức mạnh tổ chức lực lượng cấp “sư đoàn công binh” của Ban chỉ huy bảo đảm giao thông vận tải tỉnh. Tập thể Ban chỉ huy là kiến trúc sư chiến dịch vận tải VT5 kéo dài trong một tháng, vận chuyển 120.000 tấn hàng vượt sông Lam trót lọt đã như một dấu ấn thử thách năng lực, trí tuệ của tập thể Ban chỉ huy mà “hồn cốt” là tư lệnh Chu Mạnh. Sau bao nhiêu năm, gặp tại ông tại lễ khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đã vào tuổi trên cả “xưa nay hiếm”, ông vẫn sang sảng tiếng nói, rổn rang tiếng cười, vô tư, hồn hậu như thuở chỉ huy mở đường, thông xe, thông hàng dưới tầm bom đạn ngút trời.
 
Còn nhớ, hồi ấy, trọng trách nặng nề, điều kiện sinh hoạt thời chiến kham khổ, thiếu thốn. Chủ tịch tỉnh Chu Mạnh cũng không ngoại lệ. Ở cơ quan sơ tán xã Thái Sơn, ông ngủ hầm. Ngoài mức lương chủ tịch tỉnh mỗi tháng 150 đồng, chẳng có khoản phụ cấp nào khác. Xe con của vị lãnh đạo cao nhất tỉnh cũng chỉ loại GAZ 69 của Liên Xô viện trợ, đôi lúc ông đi loại xe con Ru-ma-ni đít vuông, gặp lầy là phải huy động dân quân kéo, rồi đẩy vã mồ hôi hàng tiếng đồng hồ.
 
Ở ban chỉ huy bảo đảm giao thông vận tải thời chống Mỹ còn có một ông “nóng như lửa”, đó là Trưởng ty Lê Viết Cống. Ông quê tận Thừa Thiên - Huế. Người ông cao, dáng đi như gấu, đôi mắt bình thường lấp láy như cười nhưng lúc nóng lên vì công việc không trôi chảy, cấp dưới trái ý, trông ông như một khối lửa. Với ông chỉ có công việc và công việc. Ông đĩnh đạc, quả quyết xử lý những ách tắc trên mặt cầu, mặt đường, bến phà bằng trí tuệ và kinh nghiệm thực tế. Ông ghét nhất kiểu báo cáo chung chung. Ông thường cắt ngang cấp dưới với những câu chắc nịch đặc giọng Huế: “Anh đã đếm được bao nhiêu hố bom, bao nhiêu quả trúng mặt đường, còn bao nhiêu quả chưa nổ, số đất đá cần san lấp bao nhiêu, lấy ở đâu, bao nhiêu quân là đủ”. Rồi “Anh đã lội xuống chân cầu chưa, nước thủy triều lên vào giờ nào, mực nước chết bao nhiêu, cột cầu cần thay mấy cái, lấy ở đâu, mấy giờ thì lao dầm thông xe”. Đôi lúc nhận ra sự thiếu thực tế, qua loa khi giải trình thực trạng cầu, đường hư hỏng, nhất là các bến phà trọng điểm, ông đỏ mặt tía tai quạt. “Cậu sợ chết à! Tại sao cậu không xuống kiểm tra liệu có còn bom nổ chậm mà chỉ núp hầm nghe lính báo cáo. Tôi sẽ cách chức cậu”. Ông từng lội xuống sông quan sát mức độ hư hại cầu Mượu, cầu Phương Tích, tìm cách xử lý trong khi quanh khu vực trọng điểm vẫn còn nhan nhản bom nổ chậm, công binh chỉ mới kịp cắm tiêu cảnh báo…Năm 1968, chuẩn bị nội dung cho Đại hội thi đua “Hai giỏi” của Nghệ An tổ chức tại Kim Liên, Nam Đàn, ông chỉ đạo phải sưu tầm cho đầy đủ nhân chứng, hiện vật không chỉ trong ngành mà cả điển hình “toàn dân tham gia bảo đảm giao thông” chống Mỹ cứu nước. Ông chỉ đạo thành lập đội văn công giao thông, làm nòng cốt phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong ngành Giao thông Vận tải.
 
Năm 1968, tại nơi sơ tán cơ quan Ty Giao thông Vận tải thuộc xã Công Thành, Yên Thành, tôi được giao viết thuyết minh triển lãm “hai giỏi”. Bất ngờ, ông cho người gọi tôi tới phòng ông. Ông ở một căn nhà hầm nằm sâu bốn vách đất, khoét vào chân đồi đá sỏi. Tôi phát hoảng vì có bao giờ mình một “nhân viên quèn” được tiếp xúc với vị trưởng ty ngoài những lần đến bếp ăn tập đoàn, gặp ông lừng lững sải bước từ căn hầm lãnh đạo ra. Vừa chạm ánh mắt hóm hỉnh của ông, tôi như vợi đi nỗi thấp thỏm. Ông chìa gói thuốc Điện Biên bao bạc, thứ thuốc lá hảo hạng lúc bấy giờ về phía tôi rồi bảo: “Lo xong triển lãm cho ngành, tôi cho cậu đi học, học gì thì cho cậu tự chọn. Giao thông hay báo chí đều tốt. Nhưng phải đi học vì đây còn là chính sách đối với con em liệt sỹ của ngành”. Sau này tôi mới biết, khi bố tôi hy sinh được vài tháng, chính ông là người chỉ đạo trưởng phòng tổ chức Nguyễn Văn Lai điều tôi từ đội công trình 1/5 về Ty Giao thông Vận tải, công tác ở bộ phận thi đua tuyên truyền.
 
Sau giải phóng miền Nam, ông rời Nghệ An về xứ Huế công tác rồi được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Bình - Trị - Thiên cho tới lúc nghỉ hưu. Đôi lần ông từ Huế ra Vinh, thăm hỏi những người từng gắn bó với ông suốt những năm gian nan, thử thách trên từng mét đường, mét cầu ám đặc khói bom. Ông, một trong những vị tư lệnh xuất sắc của Nghệ An, của Khu 4 trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải thời chiến đã về với thế giới người hiền. Nhưng với riêng tôi, dù chỉ tiếp xúc một lần ngắn ngủi, ông đã thành ký ức khó phai mờ...
 
Văn Hiền