(Baonghean) - Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục là một trong những danh nhân tiêu biểu, góp phần làm rạng rỡ truyền thống lịch sử văn hóa của Nghệ An. Tài năng xuất chúng cũng như những công lao cống hiến của ông trên nhiều lĩnh vực được lịch sử vinh danh. Ông là người rất am tường Phật lý, có tâm hồn nhạy cảm, cảm thông với số phận của tầng lớp thái giám đương thời. Tác phẩm “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký” của ông nói về những tâm tư, tình cảm, mong ước sâu kín của các vị thái giám triều Nguyễn khi về nơi chín suối...
Cao Xuân Dục tự Tử Phát, hiệu Long Cương (1843 - 1923), người xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ông là người thông minh nổi tiếng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều Nguyễn, lại sống trong một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Chí hướng của ông là giữ gìn khí tiết, cần mẫn thanh liêm, nỗ lực hết mình trong việc ổn định đời sống nhân dân và đóng góp công lao cho việc bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Riêng về sự nghiệp văn chương, với học thức uyên bác, trí tuệ siêu quần, đặc biệt là ý thức xiển dương rực rỡ lịch sử văn hóa Việt Nam, ông đã để lại cho đời nhiều công trình quý giá trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng được xem là một học giả lớn của Việt Nam. Trong những năm tháng làm quan của mình, Cao Xuân Dục được dân chúng nhiều nơi yêu mến, đồng liêu quý trọng. Đặc biệt, ông rất quan tâm, thấu hiểu và yêu thương những vị quan thái giám trong triều, chính vì vậy mà ông đã soạn nên bài văn “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký” dựng trong nhà bia ở khu mộ chung của các vị quan thái giám phía Tây chùa Từ Hiếu.
Quan thái giám chỉ chiếm số lượng rất ít dưới xã hội phong kiến và không thuộc về một giai cấp nào trong xã hội. Tuy được gần “Thiên tử”, nắm trong tay quyền lực vô hình, nhưng suốt đời gắn bó với cung cấm, sống khác người và chết cũng khác người. Các vị quan thái giám kể từ lúc “tịnh thân” cho tới khi làm việc trong cung cấm, số phận của họ rất nhiều tủi hờn, bởi không chỉ khiếm khuyết về mặt thể xác mà còn khốn khổ về tinh thần. Họ lo lắng rằng sau này khi mình nằm xuống do không có con nối dõi, bát hương sẽ nguội lạnh trong những ngày cúng giỗ. Văn bia “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký” phần đầu nói về lai lịch ngôi chùa Từ Hiếu cũng như việc trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những vị quan Thái giám.
Phần hai chủ yếu nói đến tâm tư sâu lắng, những mong ước thầm kín của các vị thái giám đương thời khi tìm chốn vĩnh hằng, nương nhờ cửa Phật: “...Xuất thân từ hạng hoạn quan, hỏi ai mà không tính kế sách của trăm nghìn năm sau cho bản thân mình? Ấy để sau khi mất, người ta chẳng lo không có chốn phụng thờ; sau khi quy y Phật pháp thì khỏi vướng bụi trần mà siêu độ...”. Vậy nên, họ đã “dựng một nhà nhỏ thờ Phật, lợp bằng ngói để thường khi dâng lễ cúng tế; dựng một ngôi đình để tuế thời nhu phẩm, gần gũi với chùa, nương nhờ chốn Phật, thờ phụng lâu dài. Lúc sinh bình ra vào có bạn, khi lâm tật bệnh, chết – chôn đều được tiễn đưa”. Từng lời, từng chữ trong bài văn như thấu hiểu tâm can, tỏ tường tâm ý của những cuộc đời “sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận”.
Đó chính là mối đồng cảm, hoà mình vào những thân phận con người, mà ngay cả người bình thường cũng không mấy ai có thể làm được. Sự am tường, thông tỏ và tấm lòng đồng cảm của ông đối với tầng lớp thái giám triều Nguyễn thực đáng trân quý, rất cần thiết được tìm hiểu và xiển dương, giúp chúng ta hiểu thêm về một lớp người mà cuộc đời có nhiều éo le, hờn tủi trong xã hội cũ. Nhờ bài văn khắc trên bia đá này, chúng ta có thêm cái nhìn toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cũng như tấm lòng bao dung, nhân ái của vị chủ nhân Long Cương thư viện này.
Bình Nguyên