(Baonghean)-Để đạt chuẩn nông thôn mới, 1 trong 19 tiêu chí các địa phương phải đáp ứng là đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Sau 2 năm thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới, đến đầu năm 2014, Nghệ An đã có 246/480 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. So với lộ trình đặt ra đến năm 2015 toàn tỉnh có 60% số xã và đến năm 2020 có 80% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, thì những kết quả đạt được là khá đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều huyện thị có số xã, thị trấn đạt chuẩn thấp.
 
 
images1044305_a6_kh_m__di_u_tr__cho_ngu_i_d_n_t_i_t_i_tr_m_y_t__x__ch_u_b_nh.jpgKhám, điều trị cho người dân tại Trạm Y tế xã Châu Bính (Quỳ Châu).
 
 
Thời gian qua, để khắc phục tình trạng nhà trạm y tế xuống cấp, trang, thiết bị thiếu thốn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Nghệ An đã có Nghị quyết “Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế xã, phường, thị trấn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2015”. Trong năm 2013, UBND tỉnh tiến hành đầu tư xây dựng, nâng cấp 32 trạm y tế chưa có nhà trạm và yếu kém về cơ sở hạ tầng; Năm 2014, đầu tư xây dựng nâng cấp 40 trạm y tế, nâng cấp trang, thiết bị cho 60 trạm y tế; Năm 2015, đầu tư nâng cấp 40 trạm y tế và nâng cấp trang, thiết bị cho 70 trạm y tế. Tổng số kinh phí thực hiện là 315,79 tỷ đồng, trong đó mua sắm trang, thiết bị y tế là 24,637 tỷ đồng… Giải bài toán thiếu y, bác sỹ ở trạm y tế xã, 4 năm trở lại đây, ngành Y tế đã cử gần 500 lượt bác sỹ về công tác tại 153 trạm y tế. Với nỗ lực tăng cường nhân lực, đến nay 100% trạm y tế có cán bộ y tế hoạt động, 87,7% số xã có bác sỹ công tác (bác sỹ thực của xã là 287 người, đạt 60%), 98,23% thôn, bản, xóm có nhân viên y tế hoạt động
 
“Nút thắt” của tiêu chí về y tế xã đã được UBND tỉnh, ngành Y tế phần nào tháo gỡ. Cái đang thiếu là quyết tâm và trách nhiệm thực hiện của các đơn vị y tế cấp cơ sở và địa phương liên quan. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định: “Tỉnh và ngành Y tế đang chỉ đạo các xã tích cực xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã vẫn còn không ít khó khăn; lộ trình xây dựng trong thời gian tới cần nhiều hơn sự nỗ lực…Qua khảo sát, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng tiêu chí y tế trong chương trình nông thôn mới tại các địa phương vẫn là cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế của nhiều trạm y tế thiếu thốn, xuống cấp, tình trạng thiếu bác sỹ đang diễn ra. 
 
Đơn cử như huyện Hưng Nguyên hiện vẫn còn nhiều trạm y tế không đạt chuẩn, nhà cửa, phòng ốc hư hỏng nhiều. Trạm Y tế xã Hưng Mỹ là một dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm thấp, dột nát, tường nứt nẻ. Trạm hiện chỉ có 7 phòng và cả 7 phòng này đều thực hiện chức năng tổng hợp. Trạm Y tế xã Hưng Thắng với 9 phòng chật hẹp, mỗi phòng thực hiện 2-3 chức năng; trang, thiết bị tại trạm thiếu thốn đủ bề, nhiều y cụ từ năm 1985 đến bây giờ. Trạm Y tế xã Hưng Châu cũng trong tình trạng tương tự. Trạm trưởng Y tế xã Hưng Mỹ và Hưng Thắng đều cho biết: Xã quá khó khăn về ngân sách, không có kinh phí đầu tư. Còn ông Lê Văn Thịnh - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Châu thì cho hay: Tiêu chí y tế của xã chưa đạt do trạm y tế không đảm bảo phòng ốc, thiếu diện tích. Việc xây dựng trạm y tế mới còn phải chờ trường mầm non xã di dời ra vị trí mới. Mà kinh phí xây dựng trường mầm non phải chờ trên cấp và nguồn huy động từ nhân dân. Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên: Nhiều xã có nguồn kính phí nhưng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngành Y tế và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực khác; Ở xã nghèo, việc kêu gọi xã hội hóa cũng đang gặp khó.
 
Thiếu thốn về nhà trạm, trang, thiết bị đang là thực trạng chung của nhiều trạm y tế trong cả tỉnh. Trong tiêu chí, các trạm phải có ít nhất 50% trang, thiết bị theo danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó 3 loại thiết bị bắt buộc phải có là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết. Hiện nay còn không ít trạm y tế trên địa bàn chưa có máy siêu âm, ngược lại có nơi đã được trang bị máy nhưng lại thiếu nhân lực đủ trình độ để sử dụng hiệu quả. Một trong những chỉ tiêu khó thực hiện, đó là có bác sỹ làm việc thường xuyên tại trạm y tế. Bác sỹ Nguyễn Như Huỳnh - Trưởng phòng Y tế huyện Diễn Châu cho biết: Diễn Châu hiện có 21/39 xã, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí, chiếm tỷ lệ 54%. Huyện đang hướng tới đến năm 2015, có 70% số xã, thị đạt chuẩn về y tế. Trở ngại lớn nhất của huyện là không đảm bảo về nhân lực. Có trạm còn thiếu bác sỹ, có trạm thiếu y sỹ so với Thông tư 08 của Bộ Nội vụ - Bộ Y tế. Hầu hết y, bác sỹ tại trạm đều đang kiêm nhiệm.
 
 
Siêu âm chẩn đoán bệnh ở Trạm Y tế xã Nam Trung, huyện Nam Đàn.
 
 
Ở tỉnh ta, việc xây dựng tiêu chí y tế ở huyện Kỳ Sơn là khó khăn hơn cả: Mới chỉ có 6/21 trạm y tế có bác sỹ công tác, trong đó có 3 bác sỹ luân phiên về trạm theo Đề án 1816; Cơ sở vật chất cả 21 trạm y tế chưa có gì đáng kể. Vậy nên, đến nay huyện chưa có xã nào đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ông Lô Thanh Viêng - Phó phòng Y tế huyện Kỳ Sơn cho hay: Nhân lực cho trạm y tế đang là bài toán nan giải ở Kỳ Sơn khi không có các y, bác sỹ mới về trạm công tác; các y, bác sỹ ở tuyến xã không muốn gắn bó với công việc ở thôn bản. Ngay cả phòng y tế huyện thiếu người đã lâu nhưng cũng không tuyển được mới. Trong năm 2014, Kỳ Sơn tập trung chỉ đạo, xây dựng 3 xã Hữu Kiệm, Mỹ Lý và Nậm Cắn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, năm 2015 là 4 xã Phà Đánh, Hữu Lập, Na Ngoi và Nậm Càn. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu người, thiếu kinh phí, kiến thức cơ bản về bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của đồng bào còn hạn chế như hiện tại thì các xã này khó có thể được công nhận.
 
Trước thực trạng này, muốn đạt chuẩn, bản thân các địa phương phải thực sự quyết tâm xây dựng, không thể chủ quan rằng, đạt chuẩn cũ rồi thì chỉ nâng thêm một tý sẽ đạt chuẩn mới”… Trao đổi về vấn đề này, Bác sỹ Nguyễn Thành Lân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn cho rằng: Để xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế rất cần ngành Y tế chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo địa phương quan tâm và năng động, cán bộ y tế làm tốt chuyên môn. Ba yếu tố này sẽ tạo được lòng tin của nhân dân, việc xã hội hóa sẽ dễ dàng hơn.
 
Xã Nam Trung, huyện Nam Đàn là một ví dụ điển hình cho cách làm trên để đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trước năm 2011, trạm y tế xã nhỏ hẹp, thiếu thốn đủ bề. Năm 2011, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã kêu gọi xây dựng được trạm y tế mới với 1 tòa nhà 2 tầng, gồm 12 phòng chức năng, tổng trị giá 5,1 tỷ đồng từ nguồn vốn phi chính phủ dành cho phòng, chống bão lụt. Cũng vào đầu năm nay, xã kêu gọi được Hội đồng hương ở Hà Nội cho mượn không lấy lãi 20.000 USD mua máy siêu âm màu trị giá 37.000 USD (17.000 USD còn thiếu do cán bộ y tế trạm và mọi người góp thêm đầu tư).
 
Năm 2012, từ uy tín “y, bác sỹ trạm tâm huyết với nghề, nhiệt tình với bệnh nhân”, UBND xã mạnh dạn kêu gọi người dân đóng góp mỗi người dân 5.000 đồng/năm để xã hội hóa mua sắm trang, thiết bị. Từ nguồn xã hội hóa này, cộng thêm tiền thưởng đạt chuẩn, trạm y tế đã được sắm thêm máy điện tim, bàn ghế, máy vi tính, máy xét nghiệm… Từ chỗ chưa đạt chuẩn giai đoạn 1, năm 2012, xã Nam Trung đã “đại nhảy vọt” đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới. Đến nay, Trạm Y tế xã Nam Trung đủ đầy trang, thiết bị, không khác một bệnh viện thu nhỏ, chăm sóc sức khỏe cho 50.000 người dân các xã vùng 5 Nam, huyện Nam Đàn và cả xã Đức Châu, Đức Tân của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. 
 
Bác sỹ Hồ Xuân Hùng - Trưởng Trạm Y tế xã Nam Trung tâm sự: “Cốt yếu là trạm y tế phải làm cho dân tin. Để người dân tin thì phải hết sức hết lòng. Dẫu có nửa đêm mưa lụt, bệnh nhân cần thì mình phải đến giúp đỡ ngay…”. Như vậy, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, kinh nghiệm của Nam Trung là bài học cho nhiều địa phương huy động nguồn lực xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Sơn