(Baonghean) - Với mục tiêu xây dựng chợ ở miền núi để phát triển giao thương, tạo thuận lợi cho bà con trao đổi mua bán hàng hóa, nhưng do tính toán chưa đầy đủ theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, nhiều trường hợp chợ xây xong lâu ngày không sử dụng, gây hư hỏng và tạo ra dư luận không tốt trên địa bàn.
 
images1044292_a5_ngu_i_d_n_b_n_h_ng_hai_b_n_du_ng___ch__phi_n_mu_ng_l_ng__k__son.jpgNgười dân bán hàng hai bên đường ở chợ phiên Mường Lống, Kỳ Sơn. Ảnh: Hồ Phương
 
Năm 2005, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Dự án phát triển cộng đồng cho sinh kế bền vững (gọi tắt là CHF), chợ mua bán trâu, bò Quỳ Châu được xây dựng. Sau khi đại diện Ban Điều phối dự án, lãnh đạo huyện tổ chức đi tham khảo một số chợ trâu, bò ở các xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), Thanh Lương (Thanh Chương) và huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đã đi đến thống nhất cho xây dựng chợ tại xóm Tân Thịnh, xã Châu Hạnh (nay là Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu). Công trình được xây dựng với mục đích đem lại nơi buôn bán, trao đổi thuận lợi cho những hộ dân chăn nuôi trâu, bò trong huyện và vùng phụ cận; đặc biệt là cho 3 xã vùng sâu, vùng xa Diên Lãm, Châu Phong và Châu Hoàn.
 
Chợ trâu, bò rộng gần 1.500m2, với số vốn đầu tư gần 90 triệu đồng. Tháng 5/2005, Quỳ Châu đã tổ chức khai trương chợ và giao cho xã Châu Hạnh trực tiếp quản lý, thu phí mua bán với giá 45.000 đồng/con, phí chợ 10.000 đồng/con để có thêm nguồn thu ngân sách. Theo kế hoạch, chợ mua bán trâu, bò được họp mỗi tháng 3 phiên vào các ngày 6, 16 và 26. Nhưng không hiểu lý do gì, phiên họp chợ đầu tiên cũng là phiên họp cuối cùng. Khiến công trình chợ nhiều năm bị bỏ hoang, cây cối, cỏ dại mọc um tùm; khuôn viên chính của chợ các hộ dân tận dụng trồng hoa màu. Qua tiếp xúc với một số hộ dân quanh vùng thì họ cho rằng, nguyên nhân chính chợ không đi vào hoạt động được là do vị trí xây dựng không thuận tiện, như ở xã Châu Phong, khi người dân có nhu cầu đến chợ mua bán trâu, bò phải đi gần 30 km. Mặt khác, lượng trâu, bò trên địa bàn ít, thậm chí nhu cầu trong huyện cũng chưa đủ cung cấp chứ chưa nói đến có hàng hóa để trao đổi, buôn bán… Thấy công trình bị lãng phí, cuối năm 2010, chính quyền xã Châu Hạnh làm tờ trình xin huyện chuyển đổi chợ sang xây trụ sở UBND xã.
 
Chợ Tân Long - huyện Tân Kỳ đầu tư không hiệu quả
 
Theo thống kê, hiện toàn huyện Quỳ Châu chỉ có 4 chợ, trong đó 1 chợ ở trung tâm huyện, 3 chợ nằm tại các xã Châu Bính, Châu Bình, Châu Phong được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135. Đến nay cả 3 chợ này đều không hoạt động. Trong đó, chợ Châu Bính được xây dựng từ năm 2004 với tổng kinh phí 460 triệu đồng, gồm 8 ki-ốt ngoài chợ, 1 đình trong chợ, nhưng chỉ có 8 ki-ốt phía ngoài được các hộ dân thuê kinh doanh thực phẩm và hàng khô… Chợ Châu Bình trước họp tự phát tại chân cầu Tràn, năm 2000, khi thực hiện Dự án nâng cấp đường 48 và xây cầu mới phải nắn đường nên xóa bỏ chợ tạm, xây chợ mới. Chợ mới (chợ Cô Ba) được xây dựng trên diện tích hơn 2.000m2 có 10 ki-ốt phía ngoài bám mặt đường, có đình chợ, bờ rào xung quanh và hệ thống nhà vệ sinh…
 
Xã đã tổ chức cưới chợ 2 lần nhưng dân không vào họp, lý do là trong quá trình xây dựng một số hộ đã làm ki-ốt, lán kinh doanh ổn định tại nhà, hoặc dùng xe máy đi rao bán, dần dần người dân quen mua bán kiểu phục vụ tận nơi; một số tiểu thương khác lại cho rằng chợ nằm khuất, sâu cách mặt đường hơn 30m nên khó kinh doanh. Hiện tại, đình chợ xã đang cho hộ dân thuê cải tạo lại để kinh doanh cà phê, nước giải khát. Ông Kim Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: “Vì nhu cầu người dân muốn vào chợ kinh doanh còn nhiều nên năm 2014, xã được huyện phê duyệt dự án xây dựng chợ Cô Ba tại xóm 3 -2, quy hoạch trên diện tích 5.000m2.
 
Chợ có đình rộng 5 gian, có hầm chứa nước phòng cháy, chữa cháy, hầm xử lý rác thải, hệ thống nhà vệ sinh, tường rào bao quanh…; tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương từ nguồn xây dựng nông thôn mới là 1,8 tỷ đồng, xã bỏ hơn 100 triệu đồng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ diện tích trồng hoa màu, số còn lại là ngân sách từ huyện, tỉnh; nhà thầu đã cam kết cuối tháng 9 này sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Theo đánh giá của xã thì chợ mới này sẽ khả quan hơn vì chợ bám mặt đường, thuận lợi cho giao thương buôn bán, nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh sẽ ngày càng tăng do tới đây có xen dắm dân tái định cư công trình Thủy lợi Bản Mồng về Châu Bình”…
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Ngọc - Phó phòng Công Thương huyện Quỳ Châu cho hay: “Sở dĩ một số chợ xây xong nhưng không có người họp là do tập quán của đồng bào nơi đây vẫn chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, mỗi xã chỉ dăm ba lều quán bán hàng dọc đường đã cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Hiện tại Quỳ Châu có chợ Thị trấn Tân Lạc - chợ hạng 3 (đã xây dựng kiên cố trên diện tích 3.884m2 với hơn 100 hộ vào kinh doanh) và chợ Cô Ba mới xã Châu Bình đang hoàn thiện. Còn lại có 4 chợ tạm tại các xã Châu Hội, Châu Tiến, Châu Bính và Châu Phong. Dự kiến xây dựng mạng lưới chợ trên địa bàn huyện đến năm 2020, có tính đến năm 2025, huyện sẽ xây mới 11 chợ tại thị trấn và 10 xã. Nhưng từ nay đến năm 2020 cũng chỉ có xã Châu Hạnh, Châu Hội có nhu cầu xây chợ vì 2 bên đường đang có nhiều người dân làm lều quán bán hàng, các xã còn lại sẽ chưa tiến hành xây chợ vì nhu cầu không bức thiết, do dân cư thưa thớt, sống không tập trung”.
 
Còn ở Thanh Chương, trung tâm thương mại chợ Rộ (Võ Liệt - Thanh Chương) từ khi khai trương cắt băng khánh thành cách đây hơn 4 năm (ngày 19/5/2010), xong đến  nay vẫn chưa một lần họp, sân chợ cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, các khu đất trống xung quanh được người dân đào ao nuôi vịt, thả cá, phơi nông sản... Tìm hiểu được biết, sau khi có chủ trương xây dựng Rộ thành thị trấn, huyện Thanh Chương chủ trương xây dựng một khu trung tâm thương mại. Ngày 20/12/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ký phê duyệt quy hoạch chi tiết cụ thể về mặt bằng tổng thể xây dựng khu Trung tâm thương mại chợ Rộ, nằm giữa 2 thôn Trung Đức, Thượng Đức tại xã Võ Liệt. Để có mặt bằng xây dựng, lãnh đạo xã Võ Liệt yêu cầu nhân dân nhượng đất nông nghiệp với giá đền bù 30.000 đồng/m2.
 
Sau khi có mặt bằng, UBND xã bán lại cho bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Thương mại - Đầu tư miền Bắc.Tháng 8/2008, Công ty cổ phần Thương mại - Đầu tư miền Bắc (Hà Nội) chính thức khởi công dự án: Trung tâm thương mại  GATE MART. Theo quy hoạch, dự án này có kinh phí đầu tư gần 22 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn I triển khai xây dựng từ quý 3/2008, hoàn thành cuối năm 2009 với kinh phí đầu tư là 11,7 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình chính của trung tâm thương mại; giai đoạn II từ ngày 1/1/2010 đến năm 2012 với tổng số vốn là 10,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình phụ và hoàn thiện một số hạng mục còn lại của khu thương mại. Toàn bộ dự án được quy hoạch trên diện tích đất hơn 30.000m2, với 10 công trình chính được xây dựng gồm: đình chợ lớn, đình chợ nhỏ, ki-ốt dịch vụ, nhà vệ sinh, khu giải khát, trạm điện, trạm nước, nhà bảo vệ, hệ thống sân nền, tường bao quanh trung tâm thương mại. 
 
Với mục đích biến nơi đây thành điểm kinh doanh buôn bán của cả huyện Thanh Chương, đồng thời để giảm tải cho sự xuống cấp của chợ Rộ cũ (là điểm kinh doanh buôn bán không nằm trong quy hoạch của Thị trấn Rộ trong tương lai), khi hoàn thành sẽ chuyển dần các hộ kinh doanh buôn bán ở chợ cũ về khu trung tâm thương mại chợ Rộ hoạt động. Tuy chưa hoàn thành tất cả các hạng mục theo yêu cầu, nhưng doanh nghiệp này vẫn làm lễ khai trường và mời các tiểu thương vào kinh doanh. Và tại thời điểm cắt băng khánh thành, công trình xây dựng đang còn ngổn ngang, chỉ mới xong một đình chợ lớn, đình chợ nhỏ, 64 ki-ốt bán hàng và một số đường đi nội bộ. Các hạng mục như: nhà vệ sinh, trạm điện, trạm nước, mặt bằng sân nền, nhà bảo vệ... chưa được hoàn thiện. Vì không có hộ kinh doanh nào đăng ký nên sau ngày khai trương phía nhà đầu tư cũng bỏ dở trung tâm này cho đến nay.
 
Một khung cảnh trái ngược với khu Trung tâm thương mại chợ Rộ - Thanh Chương,  tại khu vực chợ Rộ cũ (thuộc xóm Trung Đức) cách đó chưa đầy 1km người mua, kẻ bán tấp nập. Chợ này rộng khoảng 3.000m2, không có đình chợ; hiện đang có khoảng 200 hộ kinh doanh ổn định trong các ki - ốt xây tạm bợ bằng các vật liệu tận dụng...  Chị Lê Thị Sâm - một tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa, quần áo cho biết: “Nhà tôi ở xã Ngọc Sơn, cách chợ hơn 6 cây số, hiện chợ này cũng đã xuống cấp lắm rồi. Cuối năm 2010 cán bộ xã có đến yêu cầu lên khu trung tâm thương mại, nhưng thú thật chúng tôi không muốn lên, vì lâu nay đã quen chợ, quen khách, nhưng quan trọng nhất là khi chuyển lên đó phải chi ra từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng thuê ki-ốt thì lấy đâu lấy ra tiền, chưa kể vào chợ mới sẽ còn phát sinh nhiều loại phí. Đối với những người dân khi thu hoạch tại vườn nhà được gánh rau, dăm ba con gà, con vịt, đôi chục trứng… trừ các loại phí chợ thì tính ra chẳng còn được bao nhiêu. Như vậy, khi xây dựng khu trung tâm thương mại chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa tính tới nhu cầu thực tế của người dân. Để thu hồi vốn, chủ đầu tư thu tiền mua ki-ốt giá không phải rẻ.  Điều này dẫn đến việc người dân không ủng hộ khiến khu chợ mới bị dở dang, phải để hoang hơn 4 năm nay.
 
Ông Phan Chính Tâm - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt (Thanh Chương) thẳng thắn cho biết: UBND xã đã ra thông báo và tiến hành vận động bà con tiểu thương chuyển lên khu vực trung tâm thương mại, nhưng vấp phải sự phản đối của người dân nên không thể thực hiện được. Nguyên nhân dẫn đến việc trung tâm thương mại bị dở dang một phần do phía nhà đầu tư thiếu vốn nên việc xây dựng “tạm thời” phải dừng lại. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần làm việc với nhà đầu tư buộc họ sớm hoàn thiện công trình, trước khi cắt băng khai trương, họ hứa sẽ đưa khoảng 20% gian hàng vào buôn bán nhưng họ đã không làm được.
 
Đối với người dân họ cũng không thiết tha trung tâm thương mại vì các ki - ốt xây nhỏ hẹp, theo mô hình ở Hà Nội nên không phù hợp với điều kiện kinh doanh ở địa phương. Mặt khác, khi  xây dựng chợ, xã và chủ đầu tư đã không tranh thủ được ý kiến các hộ kinh doanh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Nếu họ được tham gia đóng góp các ý kiến trong quy hoạch khu chợ, và nếu có thể tạo điều kiện cho họ cùng tham gia góp vốn xây dựng thì chợ sẽ sớm thành công. Về phía chính quyền xã cũng có phần chưa sâu sát với việc xây dựng trung tâm thương mại, tin tưởng hoàn toàn vào nhà đầu tư, vì cho rằng họ có kinh nghiệm khi đã xây dựng nhiều chợ ở các tỉnh, thành khác”.
 
Còn ở Tân Long - Tân Kỳ, “đón đầu” trước Nhà máy xi măng Tân Kỳ sẽ xây dựng (dù bây giờ đã bị hủy bỏ), xã Tân Long đã đầu tư xây dựng ở đây một khu chợ phục vụ nhu cầu buôn bán, trao đổi của người dân. Nhưng sau nhiều năm, chợ chỉ phục vụ mỗi ngày vài ba tiếng đồng hồ buổi sáng sớm. Theo người dân thì chợ có tất cả vài chục người bán phục vụ cho các xóm Tân Hồ, Tân Long, Tân Lập các loại thực phẩm tươi sống, không bán quần áo, hàng công nghệ hay các mặt hàng khác. Dãy ki ốt đằng trước chợ luôn khóa im ỉm từ ngày xây dựng đến nay. Chị Hồ Thị Hồng, nhà gần chợ cho biết chợ không hiệu quả do không có nước, không có giếng khoan, chợ chỉ họp buổi sáng. 
 
 Thực tế, câu chuyện chợ xây rồi bỏ hoang ở miền núi, không chỉ có riêng ở huyện Quỳ Châu, Thanh Chương, Tân Kỳ  mà còn những địa phương khác cũng gặp khó kiểu “không có thì thiếu mà có thành thừa”. Những khu chợ chưa thực sự là nhu cầu của người dân… là nguyên nhân dẫn đến thất bại.
 
(Còn nữa)
 
Châu Lan - Ngọc Anh