(Baonghean) - Năm 2013 được xem là một năm bận rộn của ngành dân số Nghệ An. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện quyết liệt một số chính sách dân số - KHHGĐ của tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.

images906169__nh_ch_n_dung._nguy_n_th__h_ng_hoa.jpg

PV: Năm 2013 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng đối với công tác Dân số - KHHGĐ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Xin đồng chí nói rõ hơn về những kết quả đạt được của ngành Dân số trong năm qua?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa:Năm 2013, trên cơ sở các văn bản chính sách của tỉnh về công tác dân số mới được ban hành như Chỉ thị 09/CT - TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết 52/NQ - HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định 76 của UBND tỉnh... và sự nỗ lực tham mưu của ngành Y tế, Dân số, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách dân số, tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống chính trị. Sự cam kết chính trị trong thực hiện chính sách dân số được tăng cường mạnh mẽ.
 
Theo báo cáo của các đơn vị, đến nay 100% huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn triển khai các chỉ thị, nghị quyết mới về công tác dân số; có 95,3% cán bộ, đảng viên và 84,9% người dân đã ký cam kết không vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Công tác truyền thông, vận động tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới hướng tới sự phù hợp, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nhân dân trong chấp hành chính sách DS-KHHGĐ. Công tác truyền thông về DS-KHHGĐ trên phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội. 
 
Hoạt động phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục được quan tâm tổ chức có hiệu quả. Trong năm, ngành Y tế, Dân số đã ký chương trình phối hợp hoạt động với 16 ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tuyên truyền về công tác dân số; nổi bật như các hoạt động: Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức thành công hội nghị biểu dương  gia đình tiêu biểu sinh con 1 bề thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc; các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số được triển khai có hiệu quả; chiến dịch truyền thông vận động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được triển khai 2 đợt tại các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, vùng đặc thù được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
 
Hoạt động thu thập, xử lý và quản lý hệ thống dữ liệu dân cư được củng cố và đảm bảo tính kịp thời; việc báo cáo thống kê hàng tháng đã được thực hiện bằng phần mềm quản lý dữ liệu dân cư thống nhất trong toàn ngành. 
 
Công tác củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cho cán bộ được quan tâm, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng tác viên. Đến nay, đội ngũ cán bộ dân số cấp xã đã được tuyển dụng thành viên chức dân số, có trình độ, chuyên môn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Phối hợp với Viện Dân số và Các vấn đề xã hội tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ 3 tháng về DS - KHHGĐ đạt chuẩn viên chức cho cán bộ dân số xã để nâng cao trình độ. Vì thế, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở được ổn định, yên tâm làm việc.
 
Từ những nỗ lực của ngành, năm 2013, các chỉ tiêu được giao cơ bản đều đạt và vượt, như: Dự ước kết quả tỷ suất sinh thô giảm 0,77% so với năm 2012 (kế hoạch giao giảm 0,4 - 0,5‰); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,36% so với năm 2012; tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai đều đạt kế hoạch giao; số cán bộ đảng viên vi phạm chính sách dân số đã giảm nhiều so với năm 2012,... Những kết quả đạt được  góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Kết quả này không chỉ là nỗ lực của riêng ngành Dân số, Y tế mà là của cả hệ thống chính trị trong năm 2013.
 
Lãnh đạo Trung ương, tỉnh và huyện Anh Sơn kiểm tra điểm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: Thành Hưng
 
PV: Việt Nam vừa cán mốc dân số 90 triệu người và bước vào giai đoạn “dân số vàng”. Đây là một sự kiện đặc biệt của đất nước, của tỉnh nói chung và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình nói riêng, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Vậy theo đồng chí, đó là những thuận lợi, khó khăn, thách thức gì?
 
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào lúc 0h00 ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Đây là một con số rất ấn tượng và có ý nghĩa quan trọng ghi dấu thành tựu về công tác dân số Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đứng thứ 13 về mức đông dân nhất thế giới, trong đó, dân số ở độ tuổi lao động (15 - 49 tuổi) chiếm tỷ lệ lớn (hơn 60%), đạt “cơ cấu dân số vàng”. Có thể thấy rằng, Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng hiện có một thị trường lao động lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội. Chúng ta có đủ lực lượng để xây dựng và phát triển đất nước. Đây thực sự là cơ hội "vàng" cho sự phát triển kinh tế, xã hội nếu như chúng ta biết tận dụng và phát huy nó. Đối với Nghệ An, cứ mỗi năm có hơn 3 vạn người bước vào độ tuổi lao động. Xét về cơ cấu, lực lượng lao động thì đây là thời cơ hết sức thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
 
Thực tế cũng cho thấy, nếu cơ hội "dân số vàng" diễn ra đúng vào thời điểm nền kinh tế ổn định, đồng thời hệ thống giáo dục thực hiện tốt chức năng đào tạo nguồn lực lao động thì sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển. Ngược lại, nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội nguồn lao động dồi dào sẽ là vấn đề xã hội phải đối mặt, trước tiên đó là vấn đề việc làm, sau đó là nhiều vấn đề xã hội khác. 
 
Tuy nhiên hiện nay, chất lượng nguồn lực lao động đang là vấn đề cần được quan tâm, với trình độ chuyên môn và nghề nghiệp của lực lượng lao động còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (trên 35%); bên cạnh đó là vấn đề sức khoẻ, thể lực,... của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thị trường lao động. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đang là vấn đề nan giải hiện nay, trong khi đó khả năng đầu tư phát triển tạo việc làm tại chỗ không cân đối với tốc độ gia tăng lực lượng lao động hàng năm và với giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" của nước ta, nhiều tỉnh khác cũng trong tình trạng dôi dư nguồn lực lao động nên việc lao động đi làm ăn xa ngày càng gặp khó khăn... Những điều đó đòi hỏi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng tỉnh ta giàu mạnh, văn minh.
 
PV: Để triển khai tốt công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, ngành đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Nghệ An vẫn còn là tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số lớn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm nhưng chưa bền vững và vẫn còn ở mức cao. Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số vẫn còn nhiều. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao, cơ cấu "dân số già” xuất hiện. Chất lượng dân số, sức khoẻ sinh sản vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 cắt giảm khá nhiều, ảnh hưởng đến việc triển khai, duy trì các mô hình, đề án.
 
Đứng trước những thách thức đó, để công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta đạt được kết quả tốt, ngành xác định tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:  
 
Thứ nhất: Tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chính sách mới của tỉnh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ ở cơ sở.
 
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động phù hợp với mục tiêu, đối tượng, vùng miền. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức đầy đủ và hành động tích cực hơn về chính sách DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
 
Thứ ba: Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nhằm đảm bảo đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ về DS-KHHGĐ. 
 
Thứ tư: Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện các đề án về DS-KHHGĐ trong năm 2014 như: Đề án Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển; Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Đề án Tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân; Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2015...
 
Thứ năm: Nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đảm bảo thuận tiện, an toàn, kịp thời cho người dân. Tăng cường việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ, kỹ thuật; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai trong toàn ngành.
 
Thứ sáu: Triển khai tốt công tác thống kê chuyên ngành, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý dữ liệu dân cư, cập nhật kịp thời, đảm bảo độ chính xác cao để làm căn cứ tham mưu cho các cấp xây dựng chính sách quản lý, chương trình công tác dân số.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
 
Mỹ Hà (Thực hiện)