(Baonghean) - Không thể không nói rằng, những năm gần đây, ngành Y tế đã để lại khá nhiều vụ việc buồn. Từ chuyện tắc trách đến chuyện vô cảm, từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến cả vi phạm pháp luật... Hình ảnh người thầy thuốc trong sáng, tận tâm bởi thế ít nhiều bị hoen ố. Xã hội thì ầm ầm lên án, dư luận được dịp cứ thế vẽ lên tấm áo bờ - lu trắng không biết bao nhiêu là câu từ mai mỉa. Thậm chí, đây đó còn có người ngoa ngôn nói, bây giờ đến bệnh viện là “đi vào chỗ chết”. Trong trả lời phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải trấn an báo chí bằng một nhận định: “Đấy chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh”. 
 
Nhưng nếu chúng ta cứ nhìn nhận sự việc và phân tích vấn đề một cách bi quan mãi liệu có nên chăng? Một lần nữa, tôi tái khẳng định, mình hoàn toàn đồng ý với vị bộ trưởng, những vụ việc rất đau lòng, rất đáng xấu hổ vừa rồi trong ngành Y là thiểu số, là cá biệt, là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi. Trách nhiệm thuộc về ai? Lâu nay, câu trả lời chỉ là “ngành Y tế”. Không sai, nhưng có lẽ chưa đủ. Tôi không tin một mình ngành Y tế lại có thể thay đổi được “một cách toàn diện” nếu các cơ quan nhà nước, nếu cả xã hội đứng ngoài cuộc. Sự thông cảm và chia sẻ của cả xã hội là quan trọng, vô cùng quan trọng trong tiến trình giải quyết vấn đề quá nan giải này. Trong muôn vàn cái lý do để ngành Y “mất điểm”, không thể không nhắc đến sự tác động từ phía xã hội. Công bằng mà nói, những “phong bì”, những “lót tay”, những “vòi vĩnh” và cả những “vô cảm” không chỉ trong ngành Y mới có. Đừng mãi loay hoay với câu hỏi “lòng tốt ở đâu”, bởi nó ở ngay trong mỗi chúng ta! 
 
Có một câu chuyện cũng rất buồn, cũng rất đáng xấu hổ là lâu nay xuất hiện một cách “trả thù” vừa lạ, vừa mới, lại vừa là phản cảm. Ấy là bắt đầu xuất hiện một vài trường hợp bệnh nhân không may xấu số thì người nhà của họ tìm cách “bắt đền” bệnh viện. Người chết không bao giờ sống lại, thế là người sống “làm việc” với nhau. Chỉ cần lên Google gõ từ khóa “đập phá bệnh viện”, đã cho đến 5.010.000 kết quả trong vòng 0,20 giây, một con số làm giật mình cả những người bình tĩnh nhất!   Những câu chuyện đau lòng như thế cứ nối đuôi nhau không chỉ một lần, cũng không chỉ một địa phương. Năm 2011, bác sĩ Phạm Đức Giàu, Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân đâm chết ngay lại phòng làm việc khi chỉ còn mấy ngày nữa là... nhận sổ hưu. Gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, một bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh, người nhà đã bủa vây đuổi đánh, hậu quả là bác sĩ Mai Văn Lục (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) bị rách vùng trên mắt, bác sĩ Trung bị đánh rách giác mạc, đập vỡ kính cận. Y tá Anh Quang và Thảo (Khoa Chấn thương) bị đánh sang chấn vùng đầu. Ở tỉnh ta, tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Thành phố Vinh và một số bệnh viện các huyện đã không dưới một lần người nhà bệnh nhân có ứng xử tương tự.
 
Trong một vụ việc gần đây, ông Trần Bá Khanh Giám đốc Bệnh viện huyện Nghi Lộc đã trả lời báo chí: “Trước đề nghị của người nhà bệnh nhân, mặc dù bệnh viện không sai... nhưng chúng tôi huy động sự đóng góp của cán bộ, bác sỹ, trích quỹ của bệnh viện và quỹ công đoàn, bệnh viện hỗ trợ cho người nhà bệnh nhân 45 triệu đồng”. Ông giám đốc thậm chí còn lo lắng cảnh báo: "Hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân sẽ gây ra tiền lệ xấu, nhưng bệnh viện phải tự cứu mình trước để ổn định hoạt động". Hoặc như vụ việc ở Bệnh viện Thành phố Vinh, một bệnh nhân không may tử vong lãnh đạo bệnh viện cũng đã hội ý và quyết định “thương lượng bằng tiền” để người nhà chấp nhận... đưa người xấu số về mai táng. Chắc mọi người cũng chưa thể quên vụ “quan tài diễu phố” năm ngoái ở một tỉnh nọ. Phải chăng cái xu hướng “mượn” người chết để tạo áp lực này đang được cổ súy? Vẫn biết có thể kết luận như thế là hơi vội vàng, nhưng qua hàng loạt vụ việc trong những năm gần đây, tại sao người ta lại không liên tưởng đến điều ấy! Hiện tượng thì đã rõ, đã nhiều, đã đủ để chúng ta lo lắng về một “hội chứng” đang lăm le. Nhưng ai sẽ phải đứng ra giải quyết “vụ” này? Chả nhẽ cứ mãi để cho bệnh viện “huy động” tiền của anh em, rồi mặc cả với sự phi lý? 
 
Khoản 1và Khoản 3 Điều 26 “Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân” được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1989 ghi rõ: “Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ. Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ”. 
 
Một mạng người mất đi là một tổn thất không gì bù đắp nổi. Người nhà bệnh nhân hoàn toàn có quyền yêu cầu bệnh viện giải thích về lý do tử vong, họ cũng có quyền khởi kiện nếu thấy cần thiết. Nhưng kiểu phản ứng cực đoan như một số trường hợp vừa qua, rõ ràng là sự lựa chọn thiếu cân nhắc, là vi phạm pháp luật, là trái với thuần phong mỹ tục, là phản cảm! Có những thứ không thể mua được bằng tiền, cũng có những thứ không nên đưa tiền ra để “cứu”. Thiết nghĩ, nếu có thế giới tâm linh thì chắc chắn những người không may mắn đang nằm trong những chiếc quan tại kia chả sung sướng gì mà “nhâm nhi” sự “trả thù” kiểu như vậy!
 
Xin hãy nghĩ về nó, bàn về nó, tìm giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ nó khi chưa quá muộn. Còn không, nhỡ không may mai kia nó bùng lên thì quả là “khó đỡ”! Hãy tạo điều kiện cho những người bác sĩ toàn tâm toàn ý với công việc chữa bệnh cứu người!
 
Khắc An