(Baonghean.vn) - Sáng 25/8, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Quế Phong để xử lý các khó khăn, vướng mắc diện tích đất có rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện các điểm tái định cư (TĐC) Thuỷ điện Hủa Na.
Tham gia buổi làm việc có đại diện Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Chi cục Kiểm Lâm; Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thuỷ điện Hủa Na. Về phía huyện có Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, Hội đồng Giải phóng mặt bằng, các phòng, ban liên quan, Chủ tịch UBND các xã Đồng Văn, Tiền Phong, Thông Thụ.
Để xây dựng công trình Thuỷ điện Hủa Na, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 4 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác, trong đó có 2 quyết định chuyển đổi 1.300,32 ha để xây dựng các điểm TĐC.
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát giao đất ngoài thực địa, đã phát hiện trên diện tích đất đã chuyển đổi có 222 ha là diện tích rừng tự nhiên (diện tích này phải giữ nguyên hiện trạng đất lâm nghiệp, không được chuyển đổi sang đất sản xuất).
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các bên liên quan để giải quyết và thống nhất tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, tiến hành rà soát giao lại cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ.
Sau khi nghe báo cáo thực trạng cũng như những đề xuất kiến nghị của UBND huyện Quế Phong, đại diện Sở NN&PTNT và TN&MT cho biết: Để người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ diện tích đất nói trên thì sẽ tiến hành giao đất tự nhiên chứ không phải giao đất lâm nghiệp. Khi đó, người dân sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ chăn nuôi, trồng rừng và vay vốn. Đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn thiếu, huyện sẽ tiếp tục ra soát quỹ đất còn lại để bố trí, thay thế cho người dân.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Viết Hồng khẳng định: Đối với 220 ha đất rừng tự nhiên đang thuộc đất nông nghiệp tiếp tục đưa về đất lâm nghiệp, tiến hành giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân.
UBND huyện và các phòng, ban liên quan hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình thường trực HĐNĐ tỉnh trong kỳ họp sắp tới cho phép chuyển đổi diện tích đất trên trở về đất lâm nghiệp. Chính quyền các xã Đồng Văn, Tiền Phong, Thông Thụ tiếp tục tuyên truyền cho 220 hộ dân vùng TĐC hiểu rõ: Đất đó vẫn giao cho dân nhưng chỉ được sử dụng với mục đích lâm nghiệp, không được chặt phá làm nông nghiệp như phương án đã xây dựng trước đây.
Khi chuyển sang đất lâm nghiệp người dân được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, được hưởng gạo của Chính phủ theo Quyết định 2345 từ nay đến 2020 dành cho các hộ dân được giao đất lâm nghiệp miền Tây Nghệ An cùng nhiều chính sách ưu tiên khác.
Giao khu BTTN Pù Hoạt xây dựng đề án trồng cây dược liệu ở diện tích đất nói trên. Đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn thiếu cho người dân, UBND huyện tập trung ưu tiên rà soát để giao đất trống thay thế cho người dân, tăng cường công tác vận động, đối thoại để tìm giải pháp phù hợp nhất. Đồng chí đề nghị UBND huyện, phòng TN&MT đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ thủ tục để tiến hành cấp đất cho người dân vùng TĐC ổn định sản xuất.
Thuý Hằng