Dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, đi sâu vào giữa các ngọn đồi, chúng tôi tìm đến vườn cam, quýt nhà anh Đinh Xuân Thông ở xóm Bắc Sơn, xã Thanh Mai - là hộ dân tiên phong và có diện tích trồng cam, quýt nhiều nhất của xã.
Hiện tại, gia đình anh đang canh tác trên diện tích 3,5 ha và mở rộng thêm khoảng 1,5 ha. Anh Thông chia sẻ: “Ngày trước, tôi bươn chải đủ nghề để kiếm sống từ buôn chè, chăn nuôi lợn... nhưng không ăn thua nên tôi chuyển qua nghề lái xe thuê. Một lần xe đổ hàng ở huyện Quỳ Hợp tôi đã tìm hiểu về việc trồng cam".
“Cam là cây dễ trồng nhưng “khó tính”, dễ bị sâu bệnh. Do đó, việc chăm sóc đòi hỏi người trồng vừa đầu tư công sức nhưng cũng phải có kỹ thuật. Tôi sử dụng nhiều phân hữu cơ để bón cho cây, hạn chế thấp nhất dùng thuốc hóa học".
Đầu tư gần 1 tỉ đồng, sau 3 năm tìm tòi học hỏi, chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật, hiện tại anh Thông đang sở hữu khu vườn gồm 3.000 gốc cam, 500 gốc quýt và hơn 300 gốc bưởi đang phát triển tốt.
Ông Hà Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, từ trước đến nay cây chè mang lại nguồn kinh tế chính cho bà con xã nhà. Còn mô hình trồng cây ăn quả nói chung và cây cam, quýt nói riêng tại xã đang chủ yếu là tự phát. Bởi cam là cây khó tính, yêu cầu nguồn vốn cao, đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc khắt khe nên hiện tại xã chưa có chính sách chưa cụ thể. Tuy nhiên, xã cũng khuyến khích những hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng như gia đình anh Thông.