Về xã Thanh Tùng - rốn lũ của huyện Thanh Chương thời điểm này, không còn hình ảnh đường giao thông, mương thủy lợi bị nứt toác, tan hoang như thời điểm cuối năm 2020. Tại khu vực Đồng Lác, nơi có hệ thống mương thủy lợi bị tàn phá nặng nhất nay đã được sửa sang lại, cạnh đó, cánh đồng lúa vụ xuân đã lên xanh mướt.
Mương thủy lợi tại Đồng Lác, xã Thanh Tùng tan hoang sau đợt lụt lịch sử. Ảnh: Quang An

Bà Phan Thị Lợi, người dân xã Thanh Tùng phấn khởi: "Sau trận lụt lịch sử cuối năm ngoái (2020), chúng tôi cứ nghĩ vụ lúa xuân năm nay không thể sản xuất được vì mương thủy lợi đã bị lũ đánh sập, cuốn trôi, không có nước sản xuất. Thật may chính quyền và người dân, các mạnh thường quân đã chung tay sửa chữa, nâng cấp hệ thống mương này, nhờ đó mà hàng trăm hé-ta lúa xuân đã kịp thời vụ như hôm nay".

Được biết, Thanh Tùng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn huyện Thanh Chương sau đợt mưa lụt lịch sử năm ngoái. Toàn xã có gần 10 km đường giao thông bị sạt lở, 19 cống bị sập, 700m mương bê tông bị hư hỏng, nhiều cầu, cống bị nứt…
Hệ thống mương thủy lợi tại Đồng Lác trước và sau khi được khắc phục. Ảnh: Quang An

Khi lũ rút, địa phương đã từng bước khắc phục thiệt hại, trong đó ưu tiên những hạng mục thiết yếu nhất để đầu tư làm trước để không ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của bà con. Các hạng mục còn lại sẽ tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện sau.

Ông Phan Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho hay: "Sau khi Báo Nghệ An phản ánh về thiệt hại của địa phương sau cơn bão số 9 năm 2020, huyện Thanh Chương và các mạnh thường quân, các tổ chức đoàn thể, con em làm ăn xa đã chung tay hỗ trợ địa phương khắc phục thiệt hại vì Thanh Tùng là xã khó khăn, nguồn lực tại chỗ không thể đáp ứng được".
Đường giao thông tại xã Thanh Tùng cũng được sửa chữa kịp thời. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến nay Thanh Tùng đã cơ bản sửa chữa xong các hệ thống mương thủy lợi nội đồng và giao thông bị đợt lụt lịch sử năm 2020 gây ra. Tổng kinh phí sửa chữa trên 4 tỷ đồng.

Không chỉ Thanh Tùng mà các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lụt vừa qua như: Thanh Mỹ, Thanh Giang... cũng đang nỗ lực sửa chữa, khắc phục thiệt hại về hạ tầng, thủy lợi. Được biết, trong đợt lụt lịch sử vừa qua, toàn huyện Thanh Chương có hơn 57 km đường giao thông bị sạt lở, với tổng khối lượng đất, đá sạt lở là trên 15.000 m3; 15 cầu qua đường bị nước cuốn trôi, hư hỏng; 139 cống qua đường giao thông bị cuốn trôi; gần 10 nghìn mét kênh mương bị sạt lở; 44 cột điện hạ thế bị gãy, 9 trạm bơm bị ngập hư hỏng... Ước thiệt hại 75 tỷ đồng.
Huyện Thanh Chương có gần 10 nghìn mét kênh mương bị sạt lở, hư hỏng phải sửa chữa sau trận lụt vừa qua. Ảnh: Quang An

"Được sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và các cấp, ngành hướng về vùng lũ, UBND huyện Thanh Chương đã phân bổ nguồn lực cho các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt gây ra.

Đến nay, hầu hết các xã cơ bản khắc phục xong các tuyến mương thủy lợi, phục vụ sản xuất và giao thông đi lại cho người dân. Một số công trình có kinh phí lớn, thời gian sửa chữa kéo dài thì các địa phương bên cạnh nguồn hỗ trợ từ các cấp cần phải tranh thủ các nguồn lực khác, nhất là huy động xã hội hóa để tiếp tục hoàn thiện".

Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương